Chuyện những người phía núi

.

Đêm ở núi rừng A Lưới rất lạnh. Thỉnh thoảng những cơn mưa đầu mùa trút sầm sập xuống mái nhà dài nơi tôi đang nghỉ lại. Bên ánh lửa bập bùng dưới sàn nhà, Hồ Mút - chàng thanh niên vui tính, người dân tộc Pa Kô ở xã Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa nhấm nháp chén rượu đoác, vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện về đời sống của bà con làng, bản.

Ngôi nhà dài của người Pa Kô, huyện A Lưới. Ảnh: THÁI MỸ
Ngôi nhà dài của người Pa Kô, huyện A Lưới. Ảnh: THÁI MỸ

Câu chuyện dân gian mà Hồ Mút kể mang đậm truyền thống đoàn kết để bảo vệ chủ quyền của các dân tộc Việt Nam từ thuở xa xưa. Đất nước Việt Nam có đồng bằng, biển đảo, núi non trùng điệp, người Pa Kô thấy dân tộc mình thích hợp với núi non hiểm trở nên “xung phong” lên núi sinh sống cho đến ngày nay.

Theo hàm ý của hai từ Pa Kô, Pa có nghĩa là phía, Kô là núi, tức là người phía núi. Câu chuyện Hồ Mút kể tuy không cuốn hút, hấp dẫn lắm, nhưng phần nào làm ngời sáng bản chất tốt đẹp của người Pa Kô, đó là đức tính thật thà, trung thực, có trách nhiệm với cộng đồng, tôn trọng các thiết chế xã hội và quyết tâm cùng các dân tộc anh em bảo vệ đất nước. Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chinh chiến, nhất là giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làng, bản của người Pa Kô chìm trong khói lửa đạn bom, nhưng họ vẫn vững đôi chân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu bảo vệ giang sơn đến ngày chiến thắng.

Những cách làm đẹp của các cô gái thời xưa

Mấy ngày về xứ sở của người Pa Kô ở núi rừng tây Trường Sơn hùng vĩ, tôi biết thêm về các tập tục, “luật tục” của bà con. Các cụ già trong bản kể rằng, ngày xưa, vùng núi rừng huyện A Lưới, từng cụm chừng 5-10 hộ người Pa Kô phải tập trung sống chung với nhau trong một ngôi nhà dài khá lớn làm bằng gỗ và lồ ô, nứa lá. Trong những ngôi nhà ấy, họ phân chia từng ngăn, mỗi ngăn có một bếp lửa cho mỗi gia đình, có sân rất rộng để sinh hoạt các lễ nghi, tập tục. Con trai, con gái đến tuổi trăng tròn thì phải mài hoặc cưa làm hai hàm răng ngắn bớt. Việc cưa răng khá kỳ công, đôi khi diễn ra hằng tháng mới làm ngắn hết hai cả hàm. Sở dĩ có phong tục này vì người Pa Kô ăn mặc, sinh hoạt giống một số dân tộc thiểu số khác, đặc biệt tiếng nói giống với một ngôn ngữ trong ngữ chi của dân tộc Cơ tu, nên họ cưa răng để dễ phân biệt.

Mặc dù ngày trước không có son phấn nhưng phụ nữ Pa Kô đã biết cách làm đẹp hết sức độc đáo. Họ thường ra các con suối tìm những viên sỏi có màu đỏ, màu hồng gùi về mài thành bột, vào rừng hái lá cây K’ri giã nhỏ trộn với bột đá để tạo ra màu hồng tươi làm son môi. Muốn tô điểm cặp lông mày nổi bật, các cô gái đi tìm những cây có mủ cho màu xanh nhạt hoặc màu nâu đen phơi khô, nghiền bột rồi thấm nước để kẽ thật sắc đậm đôi lông mày. Những kiểu trang điểm như thế của các cô sơn nữ làm bao chàng trai ngẩn ngơ. Nhiều người phụ nữ lớn tuổi hái lá dây leo có tên Aluông trộn với than củi đổ vào cối giã nhuyễn để làm thuốc nhuộm màu đen cho những bộ xà lùng.

Em bé Pa Kô tập mang gùi. Ảnh: THÁI MỸ
Em bé Pa Kô tập mang gùi. Ảnh: THÁI MỸ

Bây giờ, bà con không còn kiểu sống chung ấy nữa mà tách ra ở riêng trong các ngôi nhà truyền thống trên những sườn đồi lưng chừng núi, nhất là những nơi gần sông, suối cùng với hàng chục thứ nhạc cụ mang âm hưởng rất đặc trưng của núi rừng, trong đó có cả đàn Ta Lư. Các thiếu nữ thời nay cũng không còn kiểu trang điểm như các cụ ngày xưa bởi các loại son, phấn được bày bán ở nhiều nơi, nhất là thị trấn A Lưới.

Sản vật kết nối tình yêu

Cũng là chuyện ngày xưa được bảo tồn, gìn giữ đến bây giờ, đó là chiếc gùi, đồ vật quý giá của người Pa Kô, nhất là đối với các cô gái trẻ, bởi ở nơi rừng núi, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn không thể gồng gánh các loại nông sản nên chiếc gùi thường được họ cõng trên lưng. Đan gùi là một nghệ thuật của các chàng trai Pa Kô nhằm chứng tỏ tài năng của mình để tạo sự chú ý của người đẹp. Khi chàng trai để mắt tới cô gái nào đó chạm tới tuổi lấy chồng, anh ta thường lặn lội vào rừng sâu tìm kiếm và chặt những cây tre lồ ô già, bứt những sợi mây đã chuyển sang màu vàng ở tận trên cao để có sức dẻo, không bị mối mọt mang về đan chiếc gùi thật đẹp, ước lượng thật vừa vặn với dáng vóc của người mình thương để làm món quà trao gửi buổi ban đầu.

Ngày trước, trong mùa lễ hội đi sim (tức đi tìm người yêu của con trai, con gái) diễn ra vào mùa trăng huyền hoặc, các chàng trai thường bỏ những món quà truyền thống vào gùi mang tới xu (chòi tình) trao cho cô gái mà mình ưng cái bụng. Chiếc gùi có quà quý càng nặng thì giá trị của cô gái ấy càng cao, điều đó mới chứng tỏ tình yêu của chàng trai dành trọn vẹn cho người mình chuẩn bị kết hôn. Ngày cưới, các cô gái lại chất đầy các đồ vật mà chàng trai đã tặng trước đó để mang về nhà chồng. Chiếc gùi là biểu tượng về tình yêu, hạnh phúc, cuộc sống no đủ và từ những mùa đi sim như thế, lứa đôi được kết nối bằng chiếc gùi tình yêu để thành vợ chồng chung sống trọn đời cùng với bản làng. Chiếc gùi của người Pa Kô không chỉ là dụng cụ lao động sản xuất mà còn là tín ngưỡng, tâm hồn, nét đẹp văn hóa độc đáo của họ có từ ngàn xưa.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.