Đà Nẵng cuối tuần

Thực phẩm sạch

Những nông dân trên sân thượng

07:51, 09/08/2020 (GMT+7)

Mỗi ngày, nhiều người dân đô thị dành vài tiếng đồng hồ chăm chuốt vườn rau trên sân thượng. Khu vườn chẳng mấy chốc phủ lên màu xanh của cọng rau cải hay trái bầu, trái bí, chen thêm màu đỏ của cà chua, màu tím của đậu bắp, súp lơ… Và khi Covid-19 diễn ra tại Đà Nẵng, những vườn rau trên sân thượng trở nên quý giá khi có thể cung cấp đủ nguồn rau, củ, quả sạch, an toàn cho cả gia đình.

Chị Trần Thị Hòa với nguồn rau quả sạch tự trồng tại sân thượng. Ảnh: T.Y
Chị Trần Thị Hòa với nguồn rau quả sạch tự trồng tại sân thượng. Ảnh: T.Y

Biếc xanh sân thượng

“Tôi thích ngắm những chậu rau phát triển trong vườn nhà, hào hứng khi nhìn thấy cây trổ hoa hoặc tới kỳ thu hoạch. Không gì hạnh phúc hơn khi thấy người thân thưởng thức những cọng rau giòn, ngọt tự tay mình chăm bón. Hơn nữa, việc thường xuyên leo lên sân thượng trồng rau giúp tôi giữ dáng và thỏa mãn sở thích bài trí, chụp ảnh”, chị Trần Thị Hòa (313-315 Phạm Hùng, quận Cẩm Lệ) chia sẻ về vườn rau rộng khoảng 100m2 trên sân thượng nhà mình.

Từ việc không biết gì về nông nghiệp, chị Hòa bắt đầu làm “nông dân sân thượng” gần 2 năm nay. Mọi kinh nghiệm được góp nhặt từng chút, từ làm đất, phòng ngừa sâu bệnh đến cách chọn giống cây phù hợp với từng mùa. Vườn rộng nên mọi thứ phải gầy dựng từ từ, quan trọng là không nản chí vì có thất bại mới có kinh nghiệm để trồng vụ sau tốt hơn. “Thời gian đầu vợ chồng tôi tự mua chậu, sắt về cải tạo khu vườn, chia nhau chăm sóc, tưới rau, làm giá thể. Mỗi ngày chúng tôi đều có mặt tại vườn lúc 5-6 giờ và 20-21 giờ, nhiều lúc muốn bắt hệ thống tưới tự động nhưng nghĩ phải tưới tay mới theo dõi được sự phát triển, sâu bệnh để còn “cứu cây” kịp thời”, chị Hòa nói.

Sử dụng rau quả trong khu vườn tự trồng mang đến cho chị Hòa cảm giác yên tâm và thú vị. Giữa tiết trời nắng nóng, vườn rau của gia đình chị vẫn xanh tốt với bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa lê, dưa lưới và một số giống ngoại nhập như cải xoăn kale, củ cải đỏ…

Khi Covid-19 xảy ra, những “nông dân sân thượng” dành nhiều thời gian chăm sóc mảnh vườn. Ngoài rau nấu canh, nhiều gia đình trồng thêm chanh, sả, rau cần, tía tô, gừng để nấu nước uống, thanh lọc, giữ ấm cơ thể. Hơn 3 năm làm vườn, chị Nguyễn Thị Nga (285/34 Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) tạo được “cơ ngơi” nào dưa lưới, thanh long ruột đỏ, mận, ổi, chanh ngón tay, quýt đường và các loại rau, cà tím, bầu, bí…

Chị bảo khu vườn trở thành nơi lao động, thư giãn và phục vụ bữa ăn cho gia đình. Sáng lên sân thượng ngắm những hạt sương còn đọng trên lá, tối ngửi hương thơm của dưa lê, dưa lưới vừa kịp chín, cảm giác tuyệt vời đó khiến vợ chồng chị thêm yêu thích việc trồng rau. Chồng phụ trách hiên tầng 3, trồng hoa các loại; vợ chăm rau, cây ăn quả trên sân thượng tầng 4. “Hồi mới trồng chỉ dám thử nghiệm các loại rau mầm nhưng cũng “lên bờ xuống ruộng” khi cây không lên, nước, đất thì chảy xuống nền nhà nhưng mãi trồng rồi rút kinh nghiệm, rau củ trong vườn cứ đầy lên theo thời gian. Ba năm nay, nhà chị không mua rau bên ngoài. Có dịp Tết, gia đình trồng cả su hào, bắp cải, xà lách, rau thơm, diếp cá, tỏi, hành, ngò, tần ô, rau cần phục vụ những bữa ăn đoàn viên”, chị Nga chia sẻ.

Tự nhận là nông dân chính hiệu, yêu thích công việc làm vườn, chị Nguyễn Thị Mơ (quận Sơn Trà) tận dụng tất cả không gian trong nhà để trồng rau, từ sân thượng, mái tôn đến khoảng sân trước hiên nhà. Khó có thể đếm hết những tên rau trong khu vườn trên sân thượng của chị Mơ, có thời điểm vườn rau có cả trăm cây bắp cải xanh um, vô cùng đẹp mắt. Vườn rau không chỉ cung cấp đủ lượng rau cho bữa ăn gia đình, mà chị còn dành một phần để biếu, tặng người thân, bạn bè.

Kết nối người đam mê trồng trọt

“Mình đang có 20 cây đu đủ con, ai cần thì ghé nhà mình lấy nhé. Mình đi làm nên sẽ treo cây trước cổng nhà”, “Vụ trước em thu hoạch kha khá củ nghệ, giờ mọc rất nhiều cây con, anh chị nào muốn trồng nghệ em tặng, nhà em gần Vincom, Sơn Trà”… là những thông tin thường xuyên được thấy trên fanpage “Thích trồng cây - Đà Nẵng” có gần 7.500 hội viên.

Cùng với sự phát triển công nghệ, xu hướng trồng rau sạch trên sân thượng tại Đà Nẵng lan tỏa trên nhiều diễn đàn, hội, nhóm. Tại fanpage “Thích trồng cây - Đà Nẵng”, các hội viên kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và tặng nhau từ cây con đến hạt giống. Phần lớn thông tin được đưa lên fanpage này xoay quanh chuyện cây cỏ như vì sao dưa leo không kết trái, làm thế nào để diệt đám côn trùng gây hại, hay kinh nghiệm làm đất, bón phân. Từ năm 2019, những người thích trồng cây sinh sống trên cùng một phường, quận bắt đầu hình thành những team (đội, nhóm) nhỏ như team Sơn Trà, team Thanh Khê, team Hải Châu, team Cẩm Lệ - Hòa Vang… có trên dưới 100 thành viên sinh hoạt, giao lưu, trao đổi hạt giống, cây con.

Với kinh nghiệm chăm sóc khu vườn rộng 100m2 trên sân thượng đầy đủ rau, củ, quả, chị Hoàng Thị Sinh (đường Lê Độ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) là một trong những quản trị viên của fanpage “Thích trồng cây - Đà Nẵng”.

Chị cho biết, dù fanpage hoạt động trên tinh thần tự nguyện nhưng có những quy định cụ thể như: mọi người không được đăng nội dung quảng cáo, bán hàng; không nói tục, chửi thề, không có lời nói gây mâu thuẫn nội bộ; không đăng những nội dung khác ngoài thông tin liên quan cây cối; không đăng duyệt thành viên kinh doanh, dịch vụ, sử dụng hình ảnh phản cảm. Ngoài ra, hội cũng quy định việc tặng, nhận, rủ nhau mua chung giống cây trồng phải ghi rõ thông tin, thời gian, địa chỉ, hình thức cho - nhận và giữ uy tín cá nhân.

Tham gia fanpage “Thích trồng cây - Đà Nẵng” chừng 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Nga học được nhiều kinh nghiệm làm phân bón hữu cơ, cách chăm bón đúng thời điểm để hoa dễ kết trái và đạt chất lượng khi thu hoạch. “Trong nhóm không biết gì thì cứ đăng lên hỏi, sẽ có người giải đáp ngay, điều này khiến tôi thấy mình được động viên và tiếp sức. Trồng, quan sát, thấy cây phát triển thì chụp ảnh gửi mọi người xem, cây héo cũng chụp ảnh đăng lên hỏi nguyên nhân, thấy vui và tình cảm lắm”, chị Nga nói.

Giỏ rau củ thu hoạch trên sân thượng của gia đình chị Trần Thị Hòa. Ảnh: T.Y
Giỏ rau củ thu hoạch trên sân thượng của gia đình chị Trần Thị Hòa. Ảnh: T.Y

Từ môi trường mạng, team thích trồng cây bắt đầu tổ chức các “Phiên chợ mầm xanh”, “Phiên chợ 0 đồng”, nơi mọi người tìm đến để chia sẻ, trao tặng hạt giống, cây con. Đơn cử, tại “Phiên chợ mầm xanh” của team Thanh Khê tổ chức ngày 24-5, chị Như Bình, thành viên team Cẩm Lệ tặng 100 cây giống cải thảo tím, loại cây chịu nhiệt 40 độ, phù hợp với khí hậu mùa hè ở miền Trung; chị Đỗ Cẩm, team Sơn Trà tặng 10 cây đu đủ; chị Trương Thị Bích tặng 100 hạt mướp hương và 10 cây ớt chuông các màu…

Chị Hoàng Thị Sinh chia sẻ, định kỳ mỗi quý, hội những người thích trồng cây ở Đà Nẵng tổ chức gặp mặt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và trao tặng cây giống. Để tham gia, mỗi người góp quỹ 20.000 đồng/lần tổ chức để chi trả mặt bằng tổ chức, chi phí “ship” xin hạt, bảo đảm mỗi người tham gia đều có cây giống, hạt giống mang về. Cũng theo chị Sinh, fanpage là nơi mọi người học hỏi kinh nghiệm làm vườn nên bất kỳ hội viên nào có thắc mắc đều được giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm.

Các hội viên không chỉ cho giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, “phủ xanh” sân thượng, hình thành lối sống tích cực, nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe gia đình, mà còn tận dụng thức ăn thừa như vỏ trứng, vỏ trái cây, gốc rau, củ, quả để làm phân hữu cơ góp phần giảm thiểu chất thải sinh hoạt. Những ngày này, ngoài tự cung tự cấp cho bữa ăn gia đình, nhiều hội viên fanpage “Thích trồng cây - Đà Nẵng” cũng chia sẻ nguồn rau sạch cho những bếp ăn từ thiện phục vụ những người cách ly do Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Đất quyết định 40% thành công của cây trồng

Đất quyết định 40% thành công của cây trồng. Ngoài ra, nên chọn những trang bán hạt giống uy tín, ngâm hạt với tỷ lệ 1 nước sôi, 2 nước lạnh trong khoảng 2 giờ, xong bỏ vào bông ướt hoặc giấy ướt bọc kỹ, để nơi mát thêm 24 giờ nữa. Đất ươm dùng xơ dừa đã qua xử lý, trộn thêm ít phân trùn quế, khi cây mọc chừng 4 lá thì sang ra chậu để cây phát triển. Đối với đất trồng, trộn 50% đất thịt, 30% chất tạo xốp như tro trấu, xơ dừa, tro bếp, 20% phân bò đã ủ mục, phân trùn quế, bột bánh dầu, bột, bả đậu nành, thêm một ít vôi vừa bổ sung canxi, vừa khử mầm bệnh cho đất. Đối với loại dây leo, từ lúc mới trồng đến khi chuẩn bị ra hoa bón thêm phân gà viên, trùn quế định kỳ 10 ngày/lần, thêm dịch chuối cho cây đậu quả và phun phòng sâu bệnh bằng tỏi, ớt, gừng ngâm với rượu hoặc thuốc lào...
Chị Trần Thị Hòa (313-315 Phạm Hùng, quận Cẩm Lệ)

TIỂU YẾN

 

.