Đà Nẵng cuối tuần

Thế giới nghệ thuật của Huỳnh Lê Nhật Tấn

13:57, 02/08/2020 (GMT+7)

Huỳnh Lê Nhật Tấn thuộc thế hệ 7X, anh sống tại thành phố Đà Nẵng bằng nghề chính là thiết kế. Ngoài ra, Tấn còn làm thơ, viết văn và vẽ tranh… Tôi gặp anh khoảng mươi lần, nhưng chưa lần nào nói chuyện và tâm sự về văn nghệ.

Tác phẩm Dại khờ.
Tác phẩm Dại khờ.

Tôi quan tâm Tấn ở lĩnh vực mỹ thuật. Tấn vẽ tranh, vẽ bìa và trình bày sách, vẽ minh họa cho báo. Tấn từng triển lãm tranh tại Đà Nẵng quê nhà, rồi đem ra Hà Nội triển lãm. Tấn cũng từng tham gia dự án “Vẽ nhạc Trịnh” từ ý tưởng của tôi, do tôi cùng một người bạn đồng chủ dự án tại Festival Huế năm 2018.

Cảm giác đầu tiên về hội họa của Tấn là màu sắc rất riêng, gam màu blues pha sẫm khi hoàng hôn buông gợi trạng thái nửa thực nửa mơ, giữa tĩnh và động, giữa buồn và vui. Những cặp đối ngẫu đó hòa trộn để tạo ra thế giới hội họa của họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Các hình thể trong tranh của Tấn như luôn vận động, chuyển biến nhưng Tấn để ngõ những khoảng trống lạnh lùng, đậm chất huyền bí, chẳng hạn trong bức Gọi hai tiếng âm dương hoặc Giai cảm sóng, Vết trượt.

Tác phẩm Giấc mơ.
Tác phẩm Giấc mơ.

Không gian trong hội họa thường được thể hiện bởi hình học, luật viễn cận, dựng hình... Nhưng không gian trong tác phẩm của Tấn được biểu hiện bởi sắc độ của màu, cảm xúc dẫn đưa màu sắc đi theo từng nét cọ. Tranh của Tấn được hòa điệu giữa ký ức và hiện thực một cách hài hòa, nhưng cũng có chiều hướng trừu tượng, siêu thực, biểu hiện ở một số bức như Giọt linh hồn rơi vào đêm, Thi sĩ ôm bầu chữ gió…

Xem tranh của Tấn, cảm giác cây cọ trên bàn tay tài hoa đó đang cố hướng đến một miền xa thẳm, trừu tượng như chính thơ của anh vậy - dòng thơ khó hiểu và thường được gọi là thơ hậu hiện đại. Trong họa có thơ, trong thơ có họa. Vì vậy, người xem tranh Tấn dù muốn hay không sẽ được hoặc bị gợi nhắc và dẫn đưa vào thế giới suy tưởng của chính họ. Thế giới đó chính là ký ức xa xăm của mỗi chúng ta, mà trong triết học và tâm phân học phương Tây gọi là tiềm thức, còn trong duy thức học Phật giáo gọi là mạt na thức, như sợi dây kết nối giữa ý thức và những bí ẩn của sáng tạo.

Tấn có nhiều ý tưởng và ấp ủ những dự án, hồi tháng 12-2019 là một cuộc triển lãm tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng đang chờ anh với những dự án mới, để cảm xúc của người nghệ sĩ được thăng hoa, để hiểu đầy đủ hơn về thế giới nghệ thuật của anh.  

LÊ HUỲNH LÂM

.