Đà Nẵng cuối tuần

'Người mới' mê 'cái cũ'

15:40, 15/08/2020 (GMT+7)

Xuất thân là cán bộ Đoàn của Quận Đoàn Cẩm Lệ, cộng với niềm đam mê các phong tục, truyền thống văn hóa dân gian, Lê Văn Hoàn (sinh 1990, phường Khuê Trung) không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, lưu giữ và thực hành các giá trị văn hóa phi vật thể ông cha để lại.

Anh Lê Văn Hoàn đang dịch “văn tự cổ”.                                                               Ảnh: NGUYỄN TRẦN
Anh Lê Văn Hoàn đang dịch “văn tự cổ”. Ảnh: NGUYỄN TRẦN

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học, 9 tuổi, Hoàn được ông cố truyền dạy chữ Hán - Nôm. Năm 12 tuổi, Hoàn được gọi vào đội hình “Học trò gia lễ” (phụ trách dâng lễ cúng trong phần nghi lễ - PV) tham gia Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung. Tại đây, Hoàn may mắn được ông Trần Quang Chánh, một cao niên am tường chuyên sâu về nhạc lễ, tế lễ và các nghi lễ hướng dẫn, truyền dạy. Với năng khiếu xướng đọc, tố chất từ nhỏ cùng những hiểu biết căn bản về nghi lễ, anh chính thức bước vào nghề tế lễ, điều hành và đọc văn tế của các chương trình lễ hội truyền thống trong và ngoài địa phương.

18 năm trong “nghề tế lễ”, Lê Văn Hoàn đã sưu tầm, soạn mới hàng trăm bài văn tế cũng như các nghi lễ, nghi thức cổ truyền, trở thành người hành nghề tế lễ chuyên nghiệp, có mặt trong hầu hết các lễ hội đình làng Cổ Mân, Nhơn Hòa, Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), đình làng Miếu Bông, Cồn Mong (xã Hòa  Phước, huyện Hòa Vang), đình làng Quảng Lăng (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)… Với kinh nghiệm này, anh đã truyền dạy, hướng dẫn cho nhiều người, nhiều làng xóm về các nghi thức tế lễ.

Là người vui tính, dễ gần, hễ lễ hội mời là Hoàn tới, nhiều khi làm không công, kể cả phải bù thêm chi phí cho nhạc lễ và đi lại.“Họ nhờ mình vì họ không biết hoặc không làm được, mình biết mà không giúp là trái lương tâm. Làm nghề này thì cái tâm cái đức phải đặt lên hàng đầu, còn tiền bạc chỉ là thứ yếu, hơn nữa công việc chính là đi dạy và thiết kế cũng đủ sống nên nghề này tôi làm để vui, tạo phước đức cho bản thân, gia đình và con cháu sau này”, Lê Văn Hoàn bộc bạch.

Ông Trần Quang Chánh chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay rất ít người am tường các nghi lễ truyền thống, kể cả người lớn tuổi. Do đó, có những người trẻ yêu thích văn hóa dân gian như Hoàn rất đáng quý và cần khuyến khích, phát huy trong thời gian tới. “Dù tuổi còn trẻ nhưng Hoàn có một chất giọng đọc văn tế rất hào sảng, uy nghiêm, các nghi thức, nghi lễ đều tường tận, chu đáo và đúng chuẩn mực”, ông Chánh nói.
Đối với nghề hành lễ, Lê Văn Hoàn cho biết bản thân cần giữ gìn sức khỏe, không để mình cảm hoặc viêm họng trước giờ đọc văn tế, vì như thế sẽ không đủ sức xướng ngôn.

Theo anh Hoàn, ngày trước ai làm việc tế lễ này luôn được mọi người nể trọng, người làm nghề này rất ít. Bây giờ theo nhu cầu, nhiều dịch vụ mới xuất hiện, người làm nghề này không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa, mục đích của câu hô xướng, cách xướng và giọng điệu xướng đối với mỗi lễ tế; cách bày biện sắm soạn lễ phẩm; cách dùng từ, xưng hô, đề thần mỗi loại văn tế; điệu bộ đi đứng, lạy quỳ của chánh bái, học trò gia lễ, các ban bệ tế lễ… Từ đó những cái hay, cái đẹp trong thuần phong mỹ tục của lễ hội truyền thống, nghi thức tế lễ ngày càng mai một, pha tạp nhiều lễ nghi không phù hợp.

Mới đây, Lê Văn Hoàn vừa hoàn thành tập bản thảo “Tuyển tập Tế lễ và Văn tế”, dự kiến xuất bản trong thời gian đến. Anh hy vọng sản phẩm này sẽ góp phần hoàn thiện, lưu giữ được tinh hoa trong lễ nghi truyền thống.

NGUYỄN TRẦN

.