Đà Nẵng cuối tuần

Góp lời ca đồng hành với thành phố

08:35, 16/08/2020 (GMT+7)

Những ngày này ở Đà Nẵng, ai ai cũng mong muốn góp sức nhỏ cùng thành phố vượt qua đại dịch Covid-19. Nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Đình Thậm cũng vậy. Ông đã dành tâm huyết sáng tác nhiều ca khúc để mượn âm nhạc động viên “tiền tuyến” cùng người dân.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hai ca khúc mới hướng về “tiền tuyến”

Ca khúc Chiến binh áo trắng (thơ Nguyễn Việt Chiến) vừa được nhạc sĩ Đình Thậm hoàn thành với nhịp nhanh, giai điệu khí thế nhằm cổ vũ, khích lệ cũng như tri ân đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch ở tuyến đầu: Họ thầm lặng ra đi/ Và không cần ngoảnh lại/ Dám chấp nhận hy sinh/ Cho mọi người cuộc sống/ Không cần mọi huân chương/ Không cần bao tán tụng/ Các chiến binh áo trắng/ Xông tới mọi chiến trường…

Trước đó, nhạc sĩ Đình Thậm và nhạc sĩ Đinh Gia Hòa đã cho ra đời nhạc phẩm Nếu anh không về phổ theo bài thơ cùng tên của tác giả Vũ Tuấn. Cũng viết về những người ở tuyến đầu chống dịch, Nếu anh không về là niềm tự sự đầy suy tư nhưng không vương nỗi buồn. “Khi được nhạc sĩ Đinh Gia Hòa giới thiệu bài thơ này, tôi rất xúc động trước tình cảm cao cả, chấp nhận hiểm nguy của các y, bác sĩ với những bữa cơm ăn vội hay các chiến sĩ bộ đội đội gió sương ngủ rừng, lán trại để mang bình yên đến mọi người. Trong lúc sáng tác, tôi không ngăn được sự nghẹn ngào, rưng rưng trong tim mình”, nhạc sĩ Đình Thậm trải lòng.

Không chỉ sáng tác hai ca khúc mới gửi tặng tiền tuyến, ông còn hòa âm, phối khí và thể hiện hai ca khúc được phát đi từ “tâm dịch”: Đà Nẵng ngày bão giông (nhạc: Nguyễn Minh Châu, thơ: Nguyễn Thị Ngọc Uyển - giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh) và Vững tin Việt Nam (bác sĩ Huỳnh Hữu Năm và bác sĩ Hồ Văn Phước công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng sáng tác). Cứ thế, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đã góp phần lan tỏa, cổ vũ tinh thần phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng từ việc làm giản dị như thế.

Đà Nẵng - mạch nguồn sáng tác

Nhạc sĩ Đình Thậm quê ở Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) nhưng gắn bó hơn nửa đời người với thành phố bên sông Hàn. Ông bảo, dù không sinh ra ở mảnh đất Đà Nẵng nhưng tổ ấm của ông ở đây, hạnh phúc của ông dào dạt nơi này. Thương yêu theo ngày lớn lên, Đà Nẵng trở thành quê hương thứ hai, là mạch nguồn sáng tác của hơn 40 nhạc phẩm cũng như hàng trăm ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Trung bộ. Nhiều ca khúc của ông được yêu mến như: Đà Nẵng tình người, Chỉ còn biển thôi, Miền Trung quê mẹ, Đà Nẵng mộng mơ…

Hai ca khúc mới Chiến binh áo trắng và Nếu anh không về gửi tặng những người ở tuyến đầu chống dịch.
Hai ca khúc mới Chiến binh áo trắng và Nếu anh không về gửi tặng những người ở tuyến đầu chống dịch.

Trong đó, ca khúc Đà Nẵng tình người (phổ thơ Ngân Vịnh) là tiếng lòng thấu hiểu và sẻ chia với một Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, gian khổ khi vừa tách ra từ tỉnh Quảng Đà: Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng/ Như tình cha muối mặn/ Như tình mẹ gừng cay/… Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu/ Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến/ Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình…

Vui với một Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ, ông chuyển thể bài thơ của Đỗ Quý Doãn bằng chất liệu dân ca Trung bộ, với điệu lý tang tích: Những con đường rộng mở thênh thang/ Những chiếc cầu nối bao khát vọng/ Những công trình vươn tới những tầm cao/ Đà Nẵng ơi, huyền thoại mới bắt đầu… Bài hát Huyền diệu sông Hàn mộc mạc với nền dân ca nhưng đầy sức sống của thành phố trẻ đang trỗi dậy từng ngày cũng là khúc hoan ca trong lòng người nhạc sĩ.

Có thể nói, mỗi ca khúc là một câu chuyện, là một thương nhớ, là một kỷ niệm của người nhạc sĩ khi gắn bó với Đà Nẵng. Lúc Đà Nẵng đang căng mình chống dịch, các ca khúc của nhạc sĩ Đình Thậm được nhiều người chia sẻ, ngân nga để khích lệ, động viên nhau. Nhạc sĩ Đình Thậm bày tỏ rằng, với sự đồng lòng của người dân và chính quyền thành phố cũng như tình cảm cả nước hướng về Đà Nẵng, thành phố sẽ sớm chiến thắng Covid-19 và hân hoan gửi lời mời: Nhớ dề nghe mi, tau đợi mi đó nghe/ Nhớ dề nghe, nhớ dề nghe, tau sẽ đợi tới hè… (ca khúc Dề đi mi, nhạc: Đình Thậm, thơ: Nguyễn Truyền).

Tôi rất hạnh phúc khi thấy các ca khúc của mình âm vang trong những khung hình nghĩa tình như người dân sẻ chia nhau bao gạo, gói mì; y, bác sĩ tận tụy vì bệnh nhân; từng đoàn xe chở niềm yêu thương về với các khu vực cách ly…”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm

NAM BÌNH
 

.