Túi ni-lông: Nhiều tiện ích nhưng lắm hiểm họa

.

Nhìn các điểm tập kết rác ở bất cứ nơi nào trên địa bàn Đà Nẵng cũng dễ cảm nhận bằng mắt về việc rác túi ni-lông chiếm đa số. Túi ni-lông bị sóng đánh tấp vào bờ biển khá nhiều, lềnh bềnh trên mặt nước âu thuyền Thọ Quang dày đặc. Men theo các bờ sông Cổ Cò, Cầu Đỏ, Cu Đê, sẽ nhìn thấy những hàng tre dọc bờ các sông này có rất nhiều túi ni-lông dày đặc đủ màu bu bám.

Sở dĩ có hiện tượng đó là đến mùa lũ lụt hằng năm, nước từ thượng nguồn đổ về cuốn theo đủ rác rưởi, trong đó có quá nhiều túi ni-lông đã qua sử dụng. Nước lũ dâng cao, các bờ tre ven sông ngập trong nước nên túi ni-lông trôi mắc vào các bụi gai tre rậm rạp. Cứ thế túi ni-lông dày đặc ở các bờ tre mỗi năm càng nhiều thêm.

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Việt Nam mỗi năm sản xuất và tiêu thụ 5 triệu tấn nhựa, thải bỏ hơn 30 tỷ túi ni-lông, tương đương 1,8 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường, trong đó có 730.000 tấn thải ra biển. Trong số này có khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu và chỉ 27% được thu gom tái chế - con số quá nhỏ so với đống rác khổng lồ đang đe dọa môi trường sinh thái. Chưa nói đến các chai lọ hoặc nhiều loại đồ nhựa sử dụng một lần, chỉ tính riêng mỗi gia đình ở nước ta hằng ngày sử dụng từ 5-7 túi ni-lông, ước tính mỗi tháng thải bỏ 1kg túi ni-lông. Trong khi đó, túi ni-lông rất khó để phân hủy trong tự nhiên nên tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người, sinh vật.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai, thực hiện chiến lược, chính sách để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa; mục tiêu đến năm 2021, các chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đến năm 2025 áp dụng quy định này trong cả nước. Vì vậy, từ nhiều năm qua, các ngành, các cấp, các địa phương đã tập trung phổ biến, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa; qua đó vận động, kêu gọi cộng đồng tìm kiếm, sử dụng các vật thay thế túi ni-lông, song thói quen sử dụng túi ni-lông vẫn chưa được kiềm chế, thậm chí càng tăng thêm.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp hạn chế sản xuất túi ni-lông như: nâng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất túi ni-lông nhằm đẩy giá lên cao, từ đó người tiêu dùng sẽ bỏ dần thói quen dùng thứ sản phẩm gọn nhẹ và tiện lợi này. Hiện tại, việc sản xuất túi ni-lông phải nộp thuế bảo vệ môi trường cao nhất trong nhóm hàng hóa phải chịu thuế, song giá thị trường của túi ni-lông vẫn chưa tăng theo tỷ lệ thuận. Tuy biểu thuế cao như vậy nhưng các cơ sở sản xuất túi ni-lông cả nước cũng chỉ đóng vào ngân sách 70 tỷ đồng/năm về loại thuế này nên người tiêu dùng vẫn sử dụng thỏa mái.

Hãng Reuters dẫn thông tin từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho hay, trên thế giới đến nay có 91 quốc gia cấm sản xuất, tiêu thụ túi ni-lông, trong đó có 55 quốc gia áp đặt lệnh cấm trên phạm vi cả nước. Có nước áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn như cộng hòa Kenya xử phạt người sản xuất tới 38.000 USD hoặc 4 năm tù. Nhìn lại thì thấy công tác tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni-lông của chúng ta đạt hiệu quả không cao bởi giá túi ni-lông quá rẻ; thậm chí tại các chợ, siêu thị, các tiệm tạp hóa ở khắp nơi đều tặng túi ni-lông cho người mua sản phẩm để đựng hàng. Nhiều người biết túi ni-lông gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường nhưng không ít người coi đó chỉ là khẩu hiệu...

Một biện pháp mạnh mẽ nhất và giải quyết tận gốc rễ là cấm tuyệt đối việc sản xuất túi ni-lông. Khi bị cấm, thị trường ắt sẽ tự tìm kiếm thứ khác, qua đó sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Cấm sản xuất túi ni-lông cũng giống như cấm sản xuất và đốt pháo nổ trước đây, chỉ cần có chính sách hỗ trợ  phù hợp thì hoàn toàn có thể. Chỉ có cắt đường cung thì cầu mới chủ động tìm vật liệu thay thế, tình trạng xả thải túi ni-lông bừa bãi như lâu nay mới được chấm dứt.

KIỀU VY

 

;
;
.
.
.
.
.