Sách giả bán tràn lan trên mạng

.

Thay vì bày bán công khai, các đối tượng chuyên buôn bán sách giả, sách lậu đã lập các trang facebook rồi quảng cáo, dùng chiêu thanh lý, giảm giá sâu để hút độc giả. Hàng trăm tựa sách bán chạy của các đơn vị xuất bản đã bị in lậu, bán công khai không chỉ khiến người mua sách bị thiệt mà còn ảnh hưởng đến các tác giả, các đơn vị xuất bản…

Bộ sách của Đông A giữ bản quyền bị in lậu.
Bộ sách của Đông A giữ bản quyền bị in lậu.

Kính vạn hoa cùng hàng trăm tựa sách bị in lậu

Mới đây, nhiều đơn vị xuất bản đã lên tiếng khi phát hiện những đầu sách “hot” đã bị in lậu và bán công khai trên mạng xã hội facebook. Trong số này, có cả những cuốn sách bán chạy của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cho biết, trên facebook xuất hiện những trang bán sách rao bán bộ Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Kính vạn hoa gồm 18 cuốn, đã được NXB Kim Đồng ký độc quyền với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ năm 2000. Từ đó đến nay, NXB Kim Đồng đã tái bản bộ sách này nhiều lần với các hình thức khác nhau. Hiện sách được in trên giấy chống lóa và bán trọn bộ giá 1.442.000 đồng. Tuy nhiên, các đối tượng in lậu chỉ bán bộ sách Kính vạn hoa với giá 499.000 đồng - mức giá mà “các nhà xuất bản chân chính không thể cạnh tranh nổi”. 

Tương tự, NXB Trẻ đang giữ bản quyền hầu hết các đầu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; trong đó có những cuốn sách tới trên 100.000 bản ngay lần in đầu và liên tục được tái bản. Nắm bắt được các tựa sách Làm bạn với bầu trời, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Cô gái đến từ hôm qua… đều bán chạy nên các đối tượng đã làm lậu và rao bán công khai trên mạng, thậm chí chạy quảng cáo để tiếp cận được với nhiều độc giả tiềm năng ở khắp mọi vùng miền.

Điều đáng chú ý, chủ các trang facebook này đều “ẩn danh, ẩn diện”, họ chụp ảnh bộ sách thật, nhưng khi giao sách cho khách hàng lại là sách giả.

Không chỉ những tựa sách ăn khách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bị in lậu, cũng không chỉ riêng sách của NXB Kim Đồng hay NXB Trẻ bị “luộc”, mà hầu hết các cuốn sách bán chạy của các đơn vị các đơn vị xuất bản đều lọt vào “tầm ngắm” của những kẻ chuyên in lậu sách.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt cho biết, hơn 500 đầu sách của đơn vị này đã bị in lậu trong thời gian qua, có những tựa bị hàng chục nơi in lậu. Những cuốn sách càng được độc giả quan tâm như Đắc nhân tâm, Hành trình về Phương Đông, Nghĩ giàu làm giàu, Dám nghĩ lớn, hay bộ 18 cuốn Hạt giống tâm hồn... càng dễ bị in lậu.

Các đơn vị xuất bản khác như Đông A, Nhã Nam, Alphabooks, Thái Hà Books… cũng đều có những tựa sách bị in lậu. Đại diện Công ty sách Đông A cho biết, đơn vị này vừa phát hiện bộ sách của nhà văn Mario Puzo gồm Bố già, Luật im lặng, Cha con Giáo hoàng, Đất máu sicily, Ông trùm cuối cùng bị in lậu. Đáng chú ý, các đối tượng in lậu đã sửa giá bìa theo chiều hướng tăng lên rồi quảng cáo “thanh lý kho” giảm giá để lừa bạn đọc. Cụ thể, fanpage “Ngôi nhà tri thức” nâng giá bìa của bộ sách lên gần gấp đôi, từ 610.000 đồng lên 1.192.000 đồng, sau đó rao bán với giá 499.000 đồng. Mức giá này vẫn cao hơn mức giá bán (giảm 30%) của bộ sách trên trang web chính thức của Công ty Đông A cũng như một số đối tác uy tín. Đại diện Đông A cũng khẳng định, hiện nay, Đông A là đơn vị duy nhất giữ bản quyền dịch và in thương mại các tác phẩm của nhà văn Mario Puzo tại Việt Nam.

Nhiều cuốn sách khác của NXB Kim Đồng cũng chung số phận, ví như cuốn 90% trẻ thông minh nhờ cách trò chuyện đúng đắn của cha mẹ trong tủ sách "Làm cha mẹ", hoặc các bộ truyện tranh Doraemon, Thám tử lừng danh Conan… Mặc dù NXB Trẻ chưa đưa ra con số thống kê có bao nhiêu đầu sách bị in lậu, nhưng qua khảo sát của chúng tôi, con số này có thể hàng trăm tựa. Trong đó, những cuốn như Chạng vạng, Đừng bao giờ đi ăn một mình, Từ tốt đến vĩ đại, thậm chí cả bộ Harry Potter bị rao bán với giá từ 399.000 - 435.000 đồng. Cuốn Suối nguồn dày 1.200 trang cũng bị in lậu và bán chỉ 150.000 đồng.

“Dập dịch” sách giả

Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội và thói quen mua hàng trực tuyến đang hình thành, nhất là ở các đô thị, nhiều đối tượng kinh doanh sách lậu, sách giả đã nhanh chóng tiếp cận. Họ lập ra nhiều trang facebook với những tên gọi khác nhau, như “Hiệu sách Mặt trời”, “Kho sách của bạn”, “Cách nghĩ để thành công”, “Deepix - Tủ sách thành công 4.0”, “Tổng kho sách Việt”, “Tủ sách Tinh hoa”, “Ngôi nhà tri thức”, “Tiệm sách giá rẻ”…

Gần đây, một số đơn vị xuất bản có những động thái “dập dịch” sách giả bán trên facebook. Ví như First News - Trí Việt kết hợp với Alphabooks công bố danh sách 45 fanpage chuyên trưng bày quảng cáo sách thật nhưng lại bán sách giả, sách in lậu kém chất lượng, sách có nhiều sai sót. Hoặc NXB Trẻ đưa ra những dấu hiệu để độc giả dễ phân biệt sách thật - sách giả. Đặc điểm chung của các cuốn sách lậu là in xấu, không có tem thông minh ở bìa 4…

Mặc dù nhiều trang bán sách cam kết bán sách thật và đồng ý cho người mua kiểm tra trước khi thanh toán, nhưng nhiều độc giả do thiếu kinh nghiệm hoặc nhờ người quen nhận hàng nên bị “mắc bẫy”. Có độc giả vì thấy sách bọc trong màng co cẩn thận nên không muốn bóc ra. Chỉ đến khi cầm sách đọc thì mới hay mua phải sách giả. Nếu có phản hồi vào trang bán hàng thì lập tức bị block (chặn) ngay lập tức.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NXB Trẻ, những cuốn sách in lậu, sách giả chất lượng rất kém, bìa bị nhòe, giấy mỏng và xấu. Với tình trạng sách giả thì trước tiên bạn đọc là người thiệt thòi vì mua phải sản phẩm kém chất lượng. Người thiệt tiếp đến là các tác giả, vì khi sách bị làm giả hay in lậu, số lượng bán ra thị trường rất nhiều, nhưng các tác giả không có tiền tác quyền. Trường hợp xấu hơn là các NXB nước ngoài sẽ không muốn hợp tác với NXB hay công ty sách ở Việt Nam nếu việc này tiếp diễn. Đồng quan điểm, đại diện NXB Kim Đồng cũng cho rằng, sách lậu đang làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của các tác giả chân chính - những người cống hiến cho văn học nghệ thuật bằng tài năng, kiến thức, kinh nghiệm sống của mình, nhưng lại không hề được hưởng nhuận bút.

Trước tình trạng bán sách giả tràn lan trên mạng, các đơn vị xuất bản bắt đầu cố gắng thu thập chứng cứ, chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng và chờ đợi sự vào cuộc “dập dịch”. Song song với điều này, giới xuất bản cũng cần “xoay trục” mạnh mẽ. Thay vì chờ đợi độc giả tìm đến thì cần có chiến lược truyền thông, quảng bá thường xuyên để tiếp cận các đối tượng độc giả khác nhau. Đồng thời, cần liên tục đưa ra những cảnh báo, hoặc cách phân biệt sách thật và sách giả để độc giả phổ thông có thể nhận biết và kịp thời phòng tránh.

HOÀNG THU PHỐ

;
;
.
.
.
.
.