Dạy trẻ cách dùng tiền

.

Để trẻ sử dụng và tự quản lý tiền bạc được xem là kỹ năng sống quan trọng, cũng là thử thách đối với không ít bậc làm cha mẹ ở Việt Nam. 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có rất nhiều bạn nhỏ mỗi ngày được ba mẹ cho ăn bữa sáng, tận tụy chở đến trường, về nhà có cơm ngon, canh ngọt. Ba mẹ nghĩ như vậy là đủ, con còn quá nhỏ nên chưa cần dùng đến tiền. Tuy nhiên, có một điều ba mẹ quên để ý, rằng ở ngay trước cổng trường hay trong căng-tin trường, trên tay các bạn nhỏ cùng lớp là những gói bim bim, quà vặt thơm phức, là nhiều món đồ chơi, hình dán đủ sắc màu. Không được ba mẹ cho tiền tiêu vặt, một số bạn bắt đầu để ý đến nơi mẹ cất tiền và ăn trộm; tệ hơn là bắt đầu sử dụng bạo lực để trấn lột đồ của các bạn cùng lớp.

B., 7 tuổi, bị phát hiện khi đang trộm số tiền khá lớn từ ví mẹ. Chị L.T.K.Oanh (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu (mẹ B.) kể: “Tôi bất ngờ vì không những một lần mà đến ba lần B. ăn trộm tiền, trộm khi vẫn chưa biết chính xác mệnh giá cao - thấp ra sao. Bé cứ nghĩ có tiền sẽ mua được đồ chơi, ăn trộm xong B. còn nói dối và nói dối ngày càng nhiều hơn”.

Từ khi biết con quan tâm tới tiền, chị Oanh thực hiện biện pháp kiểm soát mới: cho trong giới hạn. Mỗi cuối tuần hoặc sau khi đi chợ về, chị Oanh đều bỏ một ít tiền lẻ vào chiếc ví nhỏ, gọi là “ví tiêu vặt”. B. được phép lấy tiền ở đó để mua quà vặt trên trường. Bé có thể lấy một lần hoặc để dành lấy nhiều lần, nhưng hết thì sẽ không được xin thêm. Chị Oanh tính toán không bỏ vào “ví tiêu vặt” quá nhiều nhưng cũng không quá ít, đủ để con vui đùa với bạn bè. Đôi lúc cần mua món đồ gì với số tiền lớn hơn thì B. sẽ chủ động xin mẹ, còn như ngày thường thì một đứa trẻ như B. chỉ cần 10.000 đồng, 15.000 đồng là đã đủ.

Với nhiều bạn nhỏ, làm việc nhà cũng là cách để có tiền tiêu vặt. Nhiều ý kiến cho rằng, để trẻ nhỏ làm việc nhà mang đến một số lợi ích như tạo tính tự lập, học tính kỷ luật (khi được phân công phải làm cho xong), và khi hoàn thành sẽ được cha mẹ trả thù lao, từ đó tiết kiệm để tự mua những món đồ yêu thích.

Quản lý tiền lì xì cũng là cách giáo dục con biết gìn giữ và sử dụng đồng tiền hiệu quả. Chị H.Phương (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) bắt đầu cho cô con gái tự giữ tiền lì xì năm con 10 tuổi. Tết năm đó, chị sắm cho con một chú heo đất để bỏ tiền lì xì. Sau Tết, hai mẹ con “mổ heo”, mang tiền ra tiệm đổi thành vàng và cùng cất vào chỗ bí mật của hai mẹ con. Đến nay, khi con gái 20 tuổi, những chỉ vàng đó được bạn đổi thành điện thoại, ti-vi cho phòng riêng, máy tính để học bài, tiền đi du lịch cùng nhóm bạn mà không làm phiền đến ba mẹ. Mỗi lần rút ra là mỗi lần con chị trân quý và tính toán cẩn thận.
Có thể nói, được giáo dục về tiền bạc sớm sẽ giúp trẻ cẩn thận và chu đáo hơn trong các khoản chi tiêu, góp phần tạo nên những kế hoạch rõ ràng và chi tiết cho cuộc đời.

THẢO CHUYÊN

;
;
.
.
.
.
.