Chiếc mũ trưởng thành

.

1. Mới đây, em họ tôi gọi điện và khóc nức nở. Em muốn đăng ký ngành học em yêu thích nhưng ba mẹ kiên quyết định hướng ngành khác. Không thể thuyết phục ba mẹ, em ấm ức. Việc chọn trường, chọn nghề mỗi mùa tuyển sinh đại học dường như là chuyện “đến hẹn lại lên”, và vẫn còn xuất hiện đâu đó trong các gia đình câu chuyện ba mẹ can thiệp vào quyết định chọn trường của con cái.

Khá tình cờ, tôi biết đến câu chuyện “chiếc mũ trưởng thành” ở Đan Mạch do một người quen chia sẻ. Chị kể, vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, trên những con phố ở Đan Mạch, nhiều bạn trẻ tự hào đội mũ lưỡi trai màu trắng đính kèm một dải màu (gần giống mũ thủy thủ). Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc trưởng thành của một người Đan Mạch. Chị cho biết rất thích cách tôn vinh sự trưởng thành ở đất nước này, vừa truyền thống, ý nghĩa, vừa không kém phần vui vẻ.

Qua tìm hiểu, được biết, đó là những học sinh tốt nghiệp trung học. Dải màu và loại huy hiệu mũ cho biết loại chương trình họ đã hoàn thành. Các mũ trông khá giống nhau, nhưng thực tế có rất nhiều chi tiết mà học sinh được lựa chọn và đặt hàng. Khoảng nửa năm trước khi tốt nghiệp, một công ty may mũ uy tín đến từng lớp và đo kích cỡ đầu từng học sinh. Tên của học sinh được thêu chỉ vàng ở phía sau. Giá thành của chiếc mũ khá cao và học sinh phải tự trả bằng tiền tiết kiệm. Học sinh chỉ để một người có ý nghĩa quan trọng với họ đội mũ lên đầu ngay sau kỳ thi cuối cùng.

Vào ngày tốt nghiệp, bạn bè viết và ký tên bên trong mũ. Bạn gái có vòng đầu to nhất và bạn trai có vòng đầu nhỏ nhất sẽ phải mua bia cho cả lớp. Họ cùng nhau lên một chiếc xe buýt diễu phố và đến thăm nhà của từng thành viên trong lớp. Học sinh nào có điểm thi tốt nghiệp cao nhất sẽ phải chạy bộ theo xe buýt cho đến điểm dừng đầu tiên. Ai chia tay người yêu trong ngày tốt nghiệp thì gỡ viền mũ…

Họ sẽ đội mũ trong khoảng hai tuần khi đi bất cứ đâu và được mọi người chúc mừng. Các quán bia sẽ tặng một ly miễn phí. Chiếc mũ này không chỉ khẳng định người đội đã hoàn thành kỳ thi trung học mà còn có ý nghĩa từ đây họ được quyền tự quyết hành trình tương lai của mình. Gia đình sẽ tổ chức lễ mừng nhưng không ai đặt câu hỏi về dự định của họ. Cũng từ đây, họ sẽ lựa chọn dọn ra ngoài đi làm hoặc ở nhà với ba mẹ thì phải đóng tiền ăn ở mỗi tháng.

2. Tôi không có ý định so sánh hai trường hợp trên. Chỉ là hai câu chuyện về những người trẻ cùng độ tuổi đến cùng thời điểm khiến tôi ít nhiều trăn trở. Tôi bỗng nhớ ba - người duy nhất ủng hộ lựa chọn của tôi ở ngưỡng cửa đầu tiên vào đời. Trong khi cả gia đình ngăn cản, ba lặng lẽ đưa tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh đi thi đại học, để tôi tự do bắt đầu hành trình theo đuổi giấc mơ tuổi trẻ. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in câu nói của ba: “Cuộc sống của con là do con lựa chọn. Đã lựa chọn thì phải theo đuổi đến cùng và hạnh phúc đến cùng…”. Mỗi lần nhớ đến chuyện này, tôi luôn biết ơn ba vì đã luôn là người bạn đồng hành lớn của tôi.

Tim Cook, Giám đốc điều hành (CEO) Apple, từng chia sẻ: “Khi tìm ra công việc mình thực sự đam mê, bạn sẽ làm việc chăm chỉ ngoài sức tưởng tượng và không nề hà khi phải làm điều đó. Bên cạnh đó, mọi thứ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn khi bạn yêu thích việc mình đang làm”. Quả thật, cho đến bây giờ, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi có thể nỗ lực vì công việc mình yêu thích. Tiếc thay, không ít người trẻ không thể quyết định ngành học theo ý nguyện của bản thân.

3. Thật khó để đưa ra con số chính xác về độ tuổi trưởng thành. Thế nhưng, thật dễ để trao niềm tin về sự trưởng thành cho một ai đó. Nói như Peter Jones, Giáo sư khoa học thần kinh Đại học Cambridge (Anh), trưởng thành là một quá trình dài hạn và nhiều người trong chúng ta mới chỉ đang bước trên con đường trưởng thành mà thôi. Thế nhưng, nếu cha mẹ không học cách “buông” để con được đi trên đôi chân của chính mình, tự học hỏi, tìm kiếm, vấp ngã và đứng lên thì hành trình trưởng thành sẽ còn kéo dài rất lâu, đôi khi không thể nhìn thấy điểm cuối…

KHA NIÊN

;
;
.
.
.
.
.