Nợ ân tình…

.

Khi mới chào đời, tôi nợ mẹ những giọt sữa ngọt ngào, những vòng tay trìu mến và cả những cái ôm ấp đầy yêu thương. Mẹ đã cực khổ mang tôi trong bụng 9 tháng 10 ngày, để rồi khi tôi chào đời mẹ còn chưa hết lo âu, bật khóc vì sợ tôi không khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tôi đã hiểu tình mẹ dạt dào và bao la ngay từ lúc sinh ra, mặc dù lúc đó tôi chưa thốt nên lời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lời ru của mẹ trong như suối, đôi tay mẹ mềm như hoa, ru tôi từng giấc ngủ say trên chiếc võng trước hiên nhà. Mẹ như cô gà mái bảo vệ gà con trước những móng vuốt của lũ quạ, lũ diều hâu. Tôi suýt bị chó cắn, mẹ không ngần ngại lao vào ôm lấy tôi, để rồi nhận lấy cả dấu răng to tướng của con vật không trung thành với chủ. Trên đường đến trạm xá, mẹ vẫn không quên hỏi ba rằng, tôi ra sao, có bị trầy xước chỗ nào không. Tôi nợ mẹ quá nhiều!

Sau khi tôi ra khỏi “chiếc giường lửa”, tôi bắt đầu nợ ba tôi. Ba tập cho tôi đi, tập cho tôi nói, dạy cho tôi những điều hay lẽ phải ở đời. Rồi lần đầu tiên đi học, tôi được ba cõng đến trường trong mùa nước nổi. Hai cha con bì bõm trong cánh đồng mênh mông nước nhưng thật vui, ba dạy tôi phải lễ phép với thầy cô, khi vào lớp nhớ khoanh tay cúi đầu chào. Ba còn bảo: “Hai cha con mình chơi trò cưỡi ngựa nha”. Ba làm ngựa, tôi làm chú nài tí hon. “Ngựa” của tôi khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chở tôi băng băng qua những cánh đồng để đến trường làng. Rồi những năm tháng lớn dần trong vòng tay của ba mẹ, ba tiếp tục dạy tôi những công việc thường nhật.

Ba khuyên bảo kèm theo lời trêu ghẹo tôi: “Là đàn ông thì phải biết xây nhà, sửa bàn ghế, đào mương… để sau này lập gia đình vợ mới thương”. Nhớ cái đêm tôi bị sốt cao, ba cõng tôi chạy một mạch trong đêm tối để đến trạm xá. Trời mưa tầm tã, đường thì trơn trợt nhưng đôi chân của ba thật phi thường, không té ngã. Tôi nợ ba quá nhiều!

Tuổi thơ tôi được tắm mát nhờ những con sông trĩu nặng phù sa, được ấm no nhờ những hạt thóc vàng óng ả, được giải nhiệt trong những ngày hè nắng cháy bằng các loại cây trái ngọt lành… Tôi được vui chơi trên cánh đồng thơm hương rạ, được thổi sáo, chăn trâu, thả diều cùng lũ bạn cạnh nhà. Ở trường tôi có ba mẹ dạy cái phải, cái khôn; đến lớp thì được thầy cô dìu dắt bằng những con chữ, con số đáng yêu. Suốt những năm tháng sống ở làng quê, tôi yêu sao những con người chân chất, thật thà, san sẻ tình cảm láng giềng cho nhau dù trong mọi hoàn cảnh. Tôi nợ quê hương quá nhiều!

Sau nhiều năm miệt mài đèn sách ở ngôi trường làng yêu dấu, cuối cùng tôi cũng bước chân vào giảng đường đại học. Xa gia đình, xa quê, tôi có những người bạn cùng phòng chia sớt vui buồn. Những lúc tôi ốm đau, không có ba mẹ bên cạnh, bạn bè đưa tôi vào bệnh viện, túc trực bên tôi suốt đêm không ngủ. Khi tôi buồn, bạn là người sẻ chia, an ủi, giúp tôi vượt qua những những trở ngại của cuộc sống. Tôi nợ bạn bè quá nhiều!

Giờ đây, khi đã có sự nghiệp trong tay, tôi lại nợ người phụ nữ mà tôi gọi là vợ. Nàng là chiếc bóng bên cạnh tôi, giúp tôi lo việc nhà, kể cả lo cho tôi cái quần, cái áo, đôi tất, cà-vạt… Khi công việc tôi đi vào bế tắc, nàng là người “vẽ đường” cho tôi, động viên tôi, thức cùng tôi trắng đêm. Nàng lo cho tôi từng ly nước cam, chén cháo, viên thuốc. Những đêm tôi bận công việc về nhà quá khuya, nàng vẫn ngồi chờ tôi ở phòng khách, trên bàn thì mâm cơm đã lạnh nguội tự bao giờ. Tôi hỏi: “Em ăn chưa?”. Nàng cười: “Em đợi anh về ăn cùng”. Hình ảnh dễ thương đó càng làm tôi yêu nàng hơn và tôi nguyện sẽ không bao giờ làm điều gì trái với lương tâm mình. Tôi nợ nàng quá nhiều!

Tôi nợ tất cả mọi người quá nhiều, không biết sao đền đáp cho trọn. Có lẽ cả cuộc đời này, tôi vẫn không sao trả hết món nợ ân tình, nợ đời, nợ dưỡng dục sinh thành, nợ với quê hương đất nước… Nhưng tôi chợt nghĩ đến lời ba mẹ dạy rằng: “Cho đi không có nghĩa là nhận lại. Cái chính là con hiểu được ý nghĩa của nó mới đáng trân trọng, nâng niu. Cần trao sự đền đáp đó cho những người khó khăn mà con gặp phải, con sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Và món nợ đó sẽ được trả xong khi suốt cuộc đời này con không bao giờ làm điều gì xấu”.

NGUYỄN THANH VŨ

 

;
;
.
.
.
.
.