Những thay đổi từ Covid-19

.

Thông qua việc thực hiện đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay - xịt kháng khuẩn, tăng cường thể lực, nghiêm túc thực hiện khai báo y tế… trong thời gian cả nước chung tay phòng, chống Covid-19 đã giúp người dân Đà Nẵng hình thành nhiều thói quen tốt cho sức khỏe. 

Chị Huỳnh Thị Sau hình thành thói quen đạp xe đạp vào mỗi buổi sáng. Ảnh: H.L
Chị Huỳnh Thị Sau hình thành thói quen đạp xe đạp vào mỗi buổi sáng. Ảnh: H.L

Chị Huỳnh Thị Sau (trú tổ 14, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) bắt đầu làm quen với việc đạp xe mỗi sáng từ 2 tháng nay. Mỗi ngày, chị Sau ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng, gặp vài người bạn đồng hành tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà). Từ điểm xuất phát này, nhóm của chị sẽ đạp về hướng bán đảo Sơn Trà, hướng Hội An hoặc vòng quanh khu vực sông Hàn. Vượt qua những ngày đầu ê ẩm mình mẩy vì tư thế khom người, đạp nhanh theo kịp bạn bè, chị Sau bắt đầu thích thú và tự đặt ra những giới hạn buộc mình phải vượt qua. Ví dụ như đạp từ Công viên Biển Đông đến InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort, chặng đường này không quá dài nhưng phải vượt qua nhiều đoạn dốc, nếu không có sức bền sẽ dễ dàng bỏ cuộc.

Chị Sau chia sẻ, vì muốn cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và gầy dựng cho mình một lối sống tích cực, chị đã vượt qua những trở ngại ban đầu, tận hưởng không gian trong lành mỗi sớm. “Thời điểm Covid-19, công việc ít hơn nên tôi dành nhiều thời gian để rèn luyện sức khỏe và quyết định chọn môn xe đạp. Tập hoài cũng quen, tôi cố gắng đi đều để rèn luyện nhịp tim, nhịp thở và độ dẻo dai. Đi xe đạp có thú vui của nó, nhất là khi bạn đã đủ sức chinh phục những con dốc và đoạn đường dài hàng cây số”, Sau cho hay.

Thời gian qua, các giải pháp phòng bệnh do Chính phủ quy định đã tạo cơ hội cho người dân sống chậm, chú trọng gìn giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Ông Nguyễn Minh (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho biết, những quy định của Chính phủ trong thời điểm cách ly toàn xã hội phòng, chống Covid-19 đã giúp ông hình thành nhiều thói quen tốt như: cùng vợ con ăn sáng ở nhà, đeo khẩu trang khi ra đường, giữ khoảng cách với người khác khi ho, dành thời gian tìm hiểu các dịch vụ trực tuyến, hành chính công để “rút ngắn” thời gian đi lại. Ông Minh cho biết: “Điều tôi thích nhất là cả nhà có ý thức giữ gìn sức khỏe, sống khoa học hơn, tham gia khai báo y tế để thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh sau này”.

Từ đầu tháng 5, Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu triển khai ứng dụng khai báo y tế trực tuyến nhằm tăng cường hiệu quả sàng lọc đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19; đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục, hạn chế tụ tập đông người. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, người dân có thể chủ động khai báo y tế tại nhà thông qua việc truy cập các địa chỉ http://bvdn.danang.gov.vn hoặc http://dananghospital.org.vn/. Khai báo thành công, người dân được cung cấp mã cá nhân hoặc QRCode. Khi có nhu cầu đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, người dân chỉ cần cung cấp 1 trong 4 thông tin như số điện thoại, số CMND, QRCode, mã cá nhân cho nhân viên y tế. Việc khai báo y tế thường xuyên sẽ giúp người dân có một hồ sơ sức khỏe hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho việc khám, chữa bệnh (nếu có) trong tương lai.

Bác sĩ Ngô Đức Hải, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân cũng cho rằng, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân thông qua những việc làm đơn giản như: nghiêm túc rửa tay, vệ sinh cá nhân và nơi ở, không đến nơi đông người khi không thật cần thiết, có ý thức tự cách ly khi bản thân có nguy cơ nhiễm bệnh cao, hạn chế di chuyển để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng là cách ứng xử có văn hóa, không chỉ trong thời điểm Covid-19 diễn ra mà cần duy trì như một thói quen trong cuộc sống hằng ngày. Theo bác sĩ Hải, các nghiên cứu cho thấy có tới gần 40.000 vi khuẩn trên 1cm2 da của người bình thường, đặc biệt ở lòng bàn tay, chỉ tay… Do đó, chúng ta cũng có nguy cơ cao bị các bệnh truyền nhiễm nếu không rửa tay thường xuyên. Rửa tay thường xuyên với xà phòng giúp giảm 35-50% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, người dân cần tuân thủ 6 bước rửa tay theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải, phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn phường tiếp tục được người dân ủng hộ trong thời gian gần đây. Đơn cử mới đây, hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2020, hơn 150 cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể, lực lượng dân quân phường tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang; qua đó đã thu gom, xử lý rác thải, quét dọn sạch sẽ bờ kè khu vực âu thuyền, đoạn Hồ Hán Thương - Lê Đức Thọ.

“Thời gian qua, chúng tôi thật sự rất vui khi nhận thấy ý thức của người dân địa phương về vấn đề môi trường ngày càng tăng. Đặc biệt trong giai đoạn cao điểm xảy ra Covid-19, dù không thể ra quân dọn dẹp, nhưng tình hình vệ sinh môi trường, cảnh quan tại địa phương khá ổn định, không hình thành điểm nóng, người dân tập kết rác đúng nơi quy định, vệ sinh từ nhà ra cổng ngõ với tinh thần tự nguyện, tích cực. Đây là những điểm cộng của người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cần được khuyến khích và nhân rộng”, ông Hải nói.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.