Nhớ Đà Nẵng xưa...

.

Trong ký ức tuổi thơ của bạn tôi - một người xa quê hương nhiều năm trở về, Đà Nẵng đầy ắp kỷ niệm. Gặp tôi, điều đầu tiên anh ấy nhắc là rạp xi-nê Chợ Cồn bây giờ ra sao. Thật vậy, Đà Nẵng dẫu không thiếu rạp chiếu bóng tấp nập một thời như Trưng Vương, Li Đô, Kinh Đô, Kim Châu, Kim… nhưng ngày ấy, với trẻ thơ, rạp Chợ Cồn (về sau đổi tên thành Tân Thanh) mới thật diệu kỳ, thật xi-nê-ma. Bây giờ, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy rõ mồn một những tấm pa-nô quảng cáo phim với hình ảnh các nhân vật huyền thoại như Hecquyn, Tarzan, Ba chàng ngự lâm pháo thủ... treo dọc một con đường đất hàng quán ngổn ngang. Mỗi ngày, sau buổi học trở về, tôi và bạn vội vã đến cổng rạp Chợ Cồn với hy vọng nhìn pa-nô thay đổi các bộ phim mới, hoặc xin những tờ chương trình thơm mùi mực in để sao chép nguệch ngoạc đầy trên từng xấp vở học trò.

Những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hàn thay cho những chuyến phà ngày xưa.  Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hàn thay cho những chuyến phà ngày xưa. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

Cái rạp xi-nê ấy còn thú vị ở chỗ: Bọn trẻ con mặc quần xà lỏn chỉ việc chạy theo bám chân một người lớn đi xem phim là chui tọt được vào cửa soát vé, “hiên ngang” tọa lạc ở những hàng ghế bỏ trống. Có lần, rạp chiếu một bộ phim khá hấp dẫn với lượng khách quá đông, chúng tôi chen vào chỉ đứng được bên hông cửa phụ. Đến đoạn phim gay cấn, khi người hùng dùng sức mạnh lay chuyển những đền đài to lớn, bỗng dưng trên trần rạp, gạch đá cũng đổ ào ào xối xả. Chúng tôi, hai đứa níu vai nhau chạy, máu me, bụi đất đầy người. Chuyện xi-nê và đời thật đan xen nhau thời tuổi nhỏ, suốt đời nhớ mãi không quên.

Với những người đã vào tuổi trung niên, hay nói một cách ví von theo tựa một cuốn tiếu thuyết hiện đại - “cái tuổi hai lần thứ hai mươi”, ký ức đậm nét không chỉ ở thế giới tuổi thơ mà còn về thời tuổi trẻ. Thời tuổi trẻ cuồng nhiệt, mơ mộng, rong chơi cùng phố phường cà phê thời thượng. Những tên quán Ngọc Anh, Danuble, Lộng Ngọc, Star, La Sirène, Quỳnh Châu, Thiên Nga... lãng mạn nằm trầm tư trên các góc đường vắng lặng không dễ dàng tìm được nơi đâu. Ở đó, chỉ với một tách cà phê phin, một gói thuốc Basto và giọng ca rền rĩ của Lệ Thu, Khánh Ly... tưởng cũng đủ làm chúng tôi ngồi triền miên ngày tháng.

Song, ấn tượng cà phê Đà Nẵng không chỉ là những quán hàng đóng hộp trong những ô kiếng bóng loáng, mà còn là những quán giản dị, điềm nhiên trên các vỉa hè, hẻm nhỏ như những nơi gặp gỡ không thể thiếu cho từng nhóm bạn bè. Những ngày hè, cà phê Thăng Long ở ngã tư Yên Bái - Trần Hưng Đạo, khách khứa, xe cộ tràn ngập cả lòng đường. Quán Việt trên trục ngã tư các Trường trung học Phan Chu Trinh - nữ Trung học Hồng Đức chỉ vài chiếc bàn con cùng một quầy sách báo ọp ẹp lại là một trục điểm quan trọng trong phong trào sinh viên, học sinh chống Mỹ. Ngã tư chợ Cồn, cà phê thao thức trắng đêm, giá cả bằng một nửa các nơi khác mà hương vị hết sức đậm đà. Chợ bến cá, một hàng quán cà phê, rồi về sau phát triển thành quán rượu…

Đà Nẵng lắm quán xá từ sang trọng đến bình dân, nhưng cái thú dừng chân tao nhã, phong lưu nhất chắc không nơi nào sánh qua các hiệu sách. Dù đi nhiều nơi chốn nhưng sao tôi vẫn chưa thấy hiệu sách nào tuyệt vời hơn hiệu sách Sông Đà (nay là hiệu may M.Thông, đường Trần Phú). Bên cạnh những bìa sách được trình bày ngăn nắp trang nhã, dọc các bờ tường còn treo các bức tranh phiên bản của Léonard de Vinci, Buffet, Van Gogh, Gauguin...

Tại đây, cũng là nơi duy nhất bán loại sách Le Livre de poche chuyên về hội họa. Hiệu sách Hồng Lam (nay gần Trung tâm Giới thiệu việc làm, đường Phan Châu Trinh) có cài tiếng nhạc leng keng trên các giá dựng sách quay tròn như chuyến xe ngựa sắp chạy ra từ trang cổ tích, nhất là khi nhìn thấy bên cạnh có những cô chủ quán đẹp tựa giấc mơ. Hiệu sách Trường Sơn (đối diện Nhà thờ Chính tòa) chỉ bán toàn sách tiếng Pháp. Hiệu sách Thái Sơn (bên hông Nhà thờ Chính tòa, đường Trần Quốc Toản) luôn vang vọng tiếng dương cầm...

Suốt thời gian dài, hầu như mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, chính trị của Đà Nẵng đều tập trung ở trung tâm thành phố. Qua khỏi chợ Cồn là ngã ba Cai Lang, Ngã ba Huế nghe xa vời vợi... Qua khỏi chợ Mới thì chẳng biết có gì để kể thêm. Mỗi một chuyến phà sang bên kia bờ sông Hàn là có rất nhiều câu chuyện mà đến giờ vẫn đọng lại trong ký ức của nhiều người. Dòng sông ngày ấy vẫn phải cần những chuyến phà ngang mỗi ngày đưa đón bao nhiêu lượt người qua lại. Những ai có việc sang sông đến 21 giờ chưa kịp quay lại thì e đã trễ phà.

Nhà thơ Vũ Hữu Định - người từng viết những vần thơ nổi tiếng về Pleiku “Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi không xa trời thấp thật gần. Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương...” vẫn hằng ao ước viết được dăm câu thơ bất hủ cho Đà Nẵng, trong một lần qua phà sang sông đã không bao giờ trở lại vì một tai nạn bất ngờ. Anh không còn dịp nào để làm được điều anh mơ ước.

Bây giờ, Đà Nẵng đã đổi thay rất nhiều. Những con đường rộng mở thênh thang, nhiều xóm nhỏ nghèo ở những khu dân cư chật chội được thay thế bởi những khu phố mới khang trang. Bắc ngang sông Hàn là những nhịp cầu hiện đại, được xem là điểm nhấn độc đáo của du lịch miền Trung. Cầu Vồng (cách gọi dân dã chỉ đoạn kéo dài từ ngã tư Ngô Gia Tự - Lê Duẩn đến ngã tư Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm hiện nay) cũng biến mất để nhường chỗ cho những con đường luôn sầm uất. Vẫy chào tuổi thơ và cái rạp xi-nê với những người hùng không có thực. Giã biệt tuổi trẻ cùng những đường phố, những quán xá, những câu chuyện phiếm miên man... Phải chăng trong chút luyến nhớ ngậm ngùi, người ta lại thêm tin yêu hơn về những đổi thay rộn ràng tất yếu của cuộc sống hôm nay.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
;
.
.
.
.
.