Đọc truyện tranh lợi hay hại?

.

Hôm nay, con gái rầu rĩ: “Mẹ ơi con hết truyện để đọc rồi”. Những cuốn truyện tranh đã trở thành bạn đồng hành cùng con trong kỳ nghỉ dài ngày “bất đắc dĩ” vừa qua khiến mẹ lại lang thang mua sắm online để chọn thêm cho con những cuốn truyện phù hợp. Mấy tháng qua, cùng với việc học tập trực tuyến, phụ giúp ba mẹ những việc lặt vặt, giải trí bằng nhiều phương tiện,… có thể nói, truyện tranh vẫn luôn bên con. Những quyển truyện Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, Truyện cổ tích Việt Nam, Danh nhân đất Việt, Thần thoại Hy Lạp… đi theo con vào tận trong giấc ngủ.

Tôi nhớ có ai đó từng nói: Truyện tranh vô bổ, truyện tranh làm thui chột tâm hồn trẻ em… Có lẽ, việc đọc truyện tranh có lợi hay có hại, có tác dụng với người này, tác hại với người khác không nằm ở bản thân trang sách, câu chuyện hay hình ảnh… mà thuộc về việc chúng ta chọn lựa, chọn mua những cuốn truyện như thế nào.

Truyện tranh là câu chuyện được thể hiện bằng một chuỗi các hình ảnh kết hợp với ngôn từ (lời thoại, suy nghĩ của nhân vật, từ tượng thanh). Sự kết hợp giữa hình ảnh với ngôn từ giúp truyện tranh đem lại cho người đọc những trải nghiệm mới mẻ, thú vị, nhất là trẻ em. Với nhận thức đơn giản của trẻ con, truyện tranh mở ra một thế giới phong phú, với biết bao điều hấp dẫn, kỳ lạ, kích thích trí tò mò, ham học hỏi của các con. Sự vật, hiện tượng được mô phỏng qua hình ảnh sinh động, ngôn từ ngắn gọn, cách diễn đạt dễ hiểu giúp các con tiếp nhận nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Nói một cách công bằng, chúng ta không thể phủ nhận rằng: Cùng với giá trị giải trí, những trang truyện tranh còn có giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Mỗi nhân vật bước ra từ trang sách tác động trực quan đến nhận thức, suy nghĩ của các con; từ đó có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển về tâm hồn, tính cách của trẻ. Những tấm gương về lòng hiếu thảo, hiếu học, trung thực, dũng cảm, kiên trì, không ngại khó ngại khổ, những thói quen tốt, những hành động đẹp… chắc chắn sẽ bồi đắp tâm hồn và tính cách các con sau này. Có những câu chuyện đã đi vào cả giấc mơ của con từ lúc nào không biết.

Con mếu máo khóc, con khúc khích cười… và sáng hôm sau tíu ta tíu tít kể lại cho chúng ta nghe về chàng hoàng tử, cô công chúa xuất hiện trong giấc mơ đêm qua. Những kỳ thú từ Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài); những hấp dẫn từ câu chuyện cuộc đời của Vua cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, Vị tướng trẻ dũng cảm Trần Quốc Toản, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, những thích thú từ trang văn cổ tích Tấm Cám, Sự tích cây vú sữa, Sự tích dưa hấu… đi suốt tuổi thơ hồn nhiên của các con. Câu chuyện có lúc khiến các con nghĩ ngợi, thắc mắc, tò mò… rồi theo thời gian hóa thành những ước mơ về một khoảng trời thật tươi đẹp và hạnh phúc.

Cậu bé Nobita cũng có lúc nhận thức được: “Vì mình chỉ sống một lần nên ít nhất mình sẽ không để mọi người thất vọng” hay “Bây giờ tớ đã hiểu rồi Doraemon ạ! Trên đời này, không ai có thể sống mà thiếu những người chung quanh”. Bạn nhỏ nào yêu thích nhân vật này, làm sao không quên được những câu nói bỗng chốc “trưởng thành” của cậu bé được “gắn mác” hậu đậu ấy. Tình bạn đẹp của chú mèo máy Doraemon và Nobita cũng đã lôi cuốn biết bao thế hệ bạn đọc mà có người gọi vui là “thế hệ 7 - 70” (đứa trẻ 7 tuổi biết đọc và đến khi 70 tuổi không còn nhìn rõ mặt chữ vẫn mê cuốn truyện tranh ấy).

Điều quan trọng là truyện tranh sẽ phát huy vai trò, giá trị đích thực đối với lứa tuổi nào, đối tượng nào. Nếu đứa trẻ say sưa với những mộng mơ, bay bổng của trang truyện mà quên đi những việc cần làm khác thì cần được nhắc nhở, điều chỉnh; nếu đứa trẻ chỉ đọc truyện tranh mà không được tiếp xúc với những thể loại khác khi độ tuổi đã thay đổi thì có thể trí tưởng tượng, khả năng liên tưởng sẽ dần dần bị hạn chế khi đã có thói quen nhìn hình ảnh - đọc lời thoai; nếu người lớn không cùng các con chọn lựa những cuốn truyện có nội dung và hình ảnh phù hợp với lứa tuổi thì lại thật đáng lo; nếu một người được xem là đã đủ tuổi trưởng thành cứ mải miết “không chịu lớn” cùng những trang truyện tranh thì lại thật nguy hiểm…

Với xã hội hiện đại, các đầu sách cũng được xuất bản khá phong phú, đa dạng nhưng chọn, mua và đọc là quyền của độc giả. Vậy bản thân mỗi chúng ta cần phát huy quyền lọc chọn ấy để cuốn truyện cầm trên tay thật sự là những trang sách có giá trị. Truyện tranh là người bạn tuổi thơ của con và cha mẹ là người đồng hành cùng con để chọn lựa “những người bạn” đáng tin cậy và phù hợp.

THIÊN DI
 

;
;
.
.
.
.
.