Bảo tàng - tương lai của truyền thống

Nơi thư giãn và nuôi dưỡng tâm hồn

.

Bảo tàng là địa chỉ để thế hệ đương đại tìm hiểu quá khứ dân tộc, các thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật mà cha ông đã đạt được, từ đó xác định trách nhiệm tiếp nối truyền thống. Bảo tàng cũng góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa đất nước với thế giới qua việc thu hút du khách và các nhà nghiên cứu… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bảo tàng hiện vẫn chưa phát huy được vai trò xã hội - thẩm mỹ do hoạt động thiếu tính hấp dẫn. Đây không chỉ là bài toán khó cho chính quyền địa phương mà còn cho cả những người làm trong công tác bảo tàng hiện nay.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật được sưu tập thông qua các cuộc triển lãm tranh do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức. Trong ảnh: Nghệ sĩ  tạo hình người Mỹ Mark Cooper giao lưu sáng tác với các họa sĩ Đà Nẵng trong triển lãm “Chiếc cầu - Bridge” vào tháng 3 năm 2019.  Ảnh: Đ.H.L
Nhiều tác phẩm nghệ thuật được sưu tập thông qua các cuộc triển lãm tranh do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức. Trong ảnh: Nghệ sĩ tạo hình người Mỹ Mark Cooper giao lưu sáng tác với các họa sĩ Đà Nẵng trong triển lãm “Chiếc cầu - Bridge” vào tháng 3 năm 2019. Ảnh: Đ.H.L

Sưu tập bằng nhiều hình thức

So với các bảo tàng mỹ thuật ở hai đầu đất nước, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có tuổi đời khá non trẻ (chỉ hơn 3 năm) nên hiện vật chưa đa dạng và phong phú. Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mới xây dựng bước đầu và không tránh khỏi những thiếu sót. “Chúng tôi vừa làm vừa học hỏi và định hướng đi cho riêng mình.

Bảo tàng xây dựng rồi mới sưu tầm hiện vật. Do đó, phải sưu tầm bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức trại sáng tác, vận động các họa sĩ, nghệ sĩ trao tặng hiện vật. Đến nay, Bảo tàng đã có khoảng hơn 1.300 hiện vật, trong đó có khoảng 300 hiện vật được trưng bày”, bà Trinh chia sẻ.

Trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã sưu tập được các tác phẩm đặc sắc, có giá trị như bộ sưu tập tranh tượng của nhà điêu khắc Lê Công Thành - một cây đại thụ của nền điêu khắc Việt Nam thế kỷ 20 quê ở quận Hải Châu hay tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái. Ngoài ra, còn có các họa sĩ tên tuổi của Đà Nẵng như: Vũ Trọng Thuấn, Vũ Dương, Hoàng Đặng, Duy Ninh… và các họa sĩ tên tuổi ở Việt Nam như: Vĩnh Phối, Hồ Hữu Thủ, Trương Bé, Hứa Thanh Bình…

Do mang tính đặc thù nên Bảo tàng Mỹ thuật cũng tương đối kén khách. Hiện khách nước ngoài đến với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhiều hơn khách trong nước. Khách trong nước chủ yếu là đối tượng nghiên cứu, những người yêu nghệ thuật và học sinh, sinh viên. Nhiều trường trên địa bàn thành phố thường xuyên đăng ký tổ chức các buổi học ngoại khóa. Ngoài khách Đà Nẵng và Quảng Nam, một số trường ở các nước Mỹ, Thái Lan cũng đến kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để tham quan, tìm hiểu mỹ thuật, giao lưu và trao đổi.

Các hoạt động của bảo tàng đã giúp kết nối các nghệ sĩ trong và ngoài nước, từ đó tạo cảm hứng sáng tác và tình yêu nghệ thuật để họ có những tác phẩm hay hiến tặng cho bảo tàng. Sắp tới, nghệ sĩ đương đại Mark Cooper (Mỹ) sẽ hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng một cụm tác phẩm sắp đặt tại đây nhằm tạo không gian bảo tàng mang tính nghệ thuật hơn.

Trong khi đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã sưu tầm nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử thông qua các hoạt động sưu tập, triển lãm. Nội dung trưng bày của bảo tàng khá đa dạng về chủ đề và phong phú về hiện vật. Đặc biệt, sau khi chính thức khánh thành và đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan từ tháng 4-2011, nhiều tài liệu, hiện vật gốc có giá trị điển hình về lịch sử, văn hóa, những bộ sưu tập cổ vật quý hiếm cũng lần đầu tiên được đưa ra giới thiệu.

Tất cả đã tái hiện khái quát và tiêu biểu tiến trình lịch sử - văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng từ buổi đầu khai phá mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho đến thời kỳ hòa bình, đổi mới, hội nhập và phát triển thành một đô thị năng động nhất miền Trung.

“Kiên trì xây dựng từng viên gạch”

Theo bà Nguyễn Thị Trinh, để bảo tàng thu hút khách phải có những tác phẩm chất lượng và đặc sắc. Bảo tàng cũng đã tổ chức nhiều sự kiện, kết nối các họa sĩ; các chương trình quốc tế, trại sáng tác có sự tham gia của các nghệ sĩ trên thế giới; đồng thời tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng đến xây dựng, nuôi dưỡng, khơi dậy khả năng sáng tạo của thế hệ trẻ, làm sao để cái đẹp được nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản nhằm phát huy giá trị và giáo dục.

Từng tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh ở các bảo tàng nước ngoài, họa sĩ Vũ Dương cho biết, bên cạnh trưng bày các tác phẩm có chất lượng cao, người trưng bày cần phải có chuyên môn về bảo quản và trưng bày tác phẩm.

“Tham quan ở Úc tôi thấy mỗi nơi trưng bày mỗi khác. Họ trưng bày tranh, tượng kéo dài cả tháng. Họ cũng quan tâm đến cách phục vụ bảo tàng để tạo cho khách có tình yêu với nghệ thuật. Một tuần hoặc nửa tháng, các bậc phụ huynh ở Úc đưa trẻ em đến bảo tàng nhằm tạo thói quen thưởng thức văn hóa từ nhỏ. Còn nếu cả đời không đi thì khi đến sẽ cảm thấy lạc lõng; do đó, cần kiên trì chứ không phải ngày một ngày hai mới có được”, họa sĩ Vũ Dương giải thích.

Anh Hồ Vũ Luân, hướng dẫn viên tự do ở Đà Nẵng cũng cho biết, hầu hết khách phương Tây thích tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm hơn các bảo tàng khác trên địa bàn thành phố là do họ thích tìm hiểu về tôn giáo, lịch sử cổ vật và văn hóa.

Theo anh Luân, cũng tùy quốc tịch mỗi nước mà họ có sở thích riêng. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng nên tiếp thị đến khách Việt và khách Hàn. Muốn thu hút khách phải xác định, tìm hiểu ai sẽ là người đến tham quam, từ đó có những hành động cụ thể để thu hút khách.   

Về vấn đề này, ông Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho rằng: “Muốn thu hút khách, cách đơn giản nhất là bảo tàng cứ trưng bày nhiều đồ đẹp và lạ, thông tin thuyết minh phải hấp dẫn. Vấn đề là đẹp, lạ, hấp dẫn đối với người này nhưng chưa chắc đẹp, lạ, hấp dẫn với người kia, cho nên các bảo tàng chuyên biệt cũng không thể thu hút tất cả các đối tượng tham quan khác nhau.

Theo ông Thắng, bảo tàng nào cũng đều muốn trưng bày đẹp, hay để nhiều người đến xem, nhưng kết quả có khi không như mong muốn do không có nhiều hiện vật, không biết cách trưng bày và chưa có đủ năng lực xử lý… Một số trường hợp bảo tàng trên thế giới muốn thu hút khách đến tham quan phải tổ chức nhiều hoạt động mở rộng như các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em, các dịch vụ giải khát, hội thảo, trình diễn nghệ thuật…

Trong thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố, duy trì hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố, nên vấn đề hiện nay là cần làm thế nào để các thiết chế văn hóa này khởi sắc. Trước mắt, cần chú trọng cập nhật và bắt nhịp xu hướng phát triển chung của các bảo tàng trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, thay đổi nhận thức và phong cách làm việc của người làm công tác bảo tàng; chú trọng hoạt động truyền thông, giới thiệu về bảo tàng để thu hút khách tham quan. “Làm sao để bảo tàng không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện cho người lớn mà còn cho trẻ em; đồng thời biến nơi đây trở thành nơi thư giãn và nuôi dưỡng tâm hồn. Khi gặp bế tắc trong cuộc sống, các em có thể đến bảo tàng chiêm ngưỡng nghệ thuật. Muốn làm được điều này không thể một sớm một chiều mà phải kiên trì xây dựng từng viên gạch một”, bà Nguyễn Thị Trinh nhấn mạnh.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.