Tựa ánh sao vàng

.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những năm tháng ấy dường như vừa mới xảy ra với những người tù “chiến thắng trở về”. Đặc biệt, những kỷ vật chiến tranh mà họ lưu giữ luôn nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ về công lao của những chiến sĩ bị địch bắt tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết, bảo tồn uy danh cách mạng.

Bà Lan xúc động xem lại chiếc khăn tay bà thêu lúc ở trong tù. Ảnh: Đ.H.L
Bà Lan xúc động xem lại chiếc khăn tay bà thêu lúc ở trong tù. Ảnh: Đ.H.L

Lần theo những kỷ vật chiến tranh trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, tôi tìm đến nhà bà Hà Thị Phương Lan (SN 1948) ở đầu một con hẻm nhỏ trên đường Bắc Đẩu (quận Hải Châu). Bà Lan hiện là Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Thanh Bình, cũng là Trưởng ban Liên lạc ngành binh địch vận thành phố Đà Nẵng.

Trước khi đến đây, chị Trương Thế Liên, Phó trưởng phòng Sưu tầm-Trưng bày và Bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết, bà Lan là một trong những người có nhiều đóng góp cho Bảo tàng Đà Nẵng, là nhân chứng sống trong các câu chuyện kể về chiến tranh khi bà được mời đến giới thiệu các hiện vật cho các học sinh, sinh viên ghé thăm Bảo tàng Đà Nẵng. Bà còn vận động các cựu tù yêu nước trao tặng kỷ vật cho bảo tàng.

“Mình đi cách mạng thì sao mà khai được!”

Trong câu chuyện đứt quãng do vết thương cũ tái phát, bà Lan kể cho tôi nghe những hồi ức gắn liền với từng kỷ vật chứa đầy những mất mát, đau thương mà bà phải gánh chịu trong những năm tháng lao tù. Mỗi kỷ vật như một thước phim tài liệu quay chậm tái hiện những hình ảnh chân thực về cuộc kháng chiến khốc liệt mà thế hệ cha anh đã trải qua để giành lấy hòa bình và độc lập cho Tổ quốc.

Bà Lan từng trải qua nhiều lao tù ở Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng trong 6 năm, trong đó có tù Tử ngục chín hầm ở Huế. Đây là một nhà tù khét tiếng của Ngô Đình Cẩn. Cho đến bây giờ, trong ký ức của bà vẫn còn ám ảnh câu nói độc ác của ông Cẩn chỉ gọn lỏn một từ “Chém!” với các đồng chí của bà sau khi bọn lính lên hầm báo cáo “Bẩm cậu, khai thác con đó không khai”.

Năm 13 tuổi, bà Lan được giao nhiệm vụ làm liên lạc mật cho nhiều cán bộ lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương. Cuối năm 1961, khi đưa đoàn cán bộ Trung ương băng qua cánh đồng ở Thăng Bình thì bà bị địch bắt. “Lúc đó, cô cầm một cây gậy chống xuống đất để đi khom qua cánh đồng. Máy bay trực thăng bay quần qua quần lại trên đầu khiến gió quật cô xiêu vẹo, rồi hạ cánh cho bọn lính chụp lấy cây gậy kéo cô lên máy bay nhưng không được. Chúng đành thả dây cho hai tên lính xuống đất mang theo rọ heo đẩy cô vào lồng, rồi thốc đứng rọ lên thổ mạnh để xốc cô vào sâu trong rọ, sau đó mang về Nha Công an Trung phần ở Huế”, bà Lan nhớ lại.

Lúc đầu chúng ra sức đánh đập: “Con nhỏ này, ai biểu mi đi theo Việt Cộng? Tài liệu bỏ mô hết rồi, giấu ở mô đưa đây?”. Nhưng bà Lan vẫn không khai. Chúng nhấn đầu bà vào thùng nước, rồi cho đi “tàu bay”, “tàu lặn” (“tàu bay” là đứng ở giữa rồi kéo tứ trụ, “tàu lặn” là nhấn đầu vô nước xà phòng cho gần chết rồi lôi lên). Sau đó, chúng nhốt vào xà lim, ngày hôm sau lại kêu lên đánh roi mây, bà Lan như chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần.

Một tuần sau không khai thác được gì, chúng lại chuyển qua nhà giam Mang Cá nhỏ, rồi chuyển bà về Tử ngục chín hầm. Khi máy bay thả bà xuống nhà lao Tử ngục chín hầm thì bọn “đầu trâu mặt ngựa” đến lôi bà đi nhốt. Bọn chúng lại hỏi: “Mi ưng cái chi? Mi có mua gạch, đá không?”. Mười viên gạch khi đó có giá 2 chỉ vàng được bán cho người tù để lót nằm hay ngồi cho đỡ lạnh. Rồi chúng đưa bà về hầm số 6 của Tử ngục chín hầm để tiếp tục tra tấn. Ở đây có nhiều người hoạt động chính trị cao cấp ở quân đội, công an và tỉnh ủy; một số tăng ni phật tử, sinh viên được đưa đến đây cũng bị đánh đập dã man trước khi đưa xuống hầm. Theo bà Lan, hồi đó cũng có 3 người hoạt động ở Đà Nẵng bị bắt nhốt ở đây, trong đó có ông Nguyễn Văn Thí.

Đặc biệt, trên nhà lao Tử ngục chín hầm, “mỗi gốc cam, một xác người”, tức là bọn chúng đào sẵn một cái hầm bỏ tro, lá cây, phân heo, gà, bò..., hễ có người chết là chúng lôi ra đó chôn. Hầm ở đây chìm 2/3 và nổi 1/3, ai cao thì ló được đầu lên mặt đất, còn thấp như bà Lan chỉ suốt ngày chìm trong tăm tối, lạnh lẽo.

Trong mỗi hầm có 10 phòng, mỗi phòng rộng bằng cái quan tài, chiều cao bằng 3 quan tài. Mỗi phòng có một dây xích to nịt tù nhân lại chặt cứng không ngọ nguậy được. Trong hầm không thiếu rắn, chuột; một bên ỉa đái hôi thối. Đến bữa ăn, bọn chúng ném vào cái gáo dừa một vắt cơm trộn dầu lửa, sạn, lúa... Chờ đến khi chuột vào ăn, vẫy cơm bay lên thì người tù lè lưỡi ra để hứng thức ăn. Ban đêm rắn rết và gió gầm rít, có người không sợ đánh đập tra tấn nhưng sợ rắn mà chết.

Bà không nhớ mình được thả ra năm nào. Ra tù bà tiếp tục hoạt động, rồi đến đầu năm 1964 bị bắt lần hai. Bọn chúng tra tấn và giam giữ bà ở các nhà lao Hội An, Lý Tín (Quảng Nam), Thừa Phủ (Huế), Nha Công an Trung phần, đặc khu, chi khu,... Trong những đợt tra tấn lần này, có lần chúng bắt bà ngậm cây sắt phi 6 dài khoảng 6 tấc. Hai thằng đứng hai bên hô:

- Mi khai không? Lãnh đạo mi là ai?
- Tui không biết. Tui còn nhỏ không biết chi hết!
- Tao cho mi 3 lần.

Sau đó, chúng bắt bà ngậm miệng lại rồi kéo thanh sắt, mỗi lần kéo là lôi bay từ 3-4 cái răng ra khỏi hàm, miệng phun đầy máu. Đến giờ bà Lan phải trồng răng giả.

Ở nhà lao Thừa Phủ, bà còn bị tra tấn bằng ớt bột, xà phòng, đánh tứ trụ. Đặc biệt, bọn chúng còn lấy kim châm đầu ngón tay rồi lấy lông gà găm vô, sau đó bật máy quạt chạy tốc độ cao nhất để cho lông gà xoay như chong chóng, rất đau đớn. “Nếu chịu không nổi thì khai cha khai mẹ khai anh khai em, chứ không được khai người ngoài. Mình đi cách mạng thì sao mà khai được”, bà Lan giải thích với tôi.

“Lòng con tựa ánh sao vàng sáng soi”

Những năm tháng ở lao tù chịu cảnh tra tấn độc ác, dã man của kẻ thù nhưng bà Lan vẫn lạc quan và tranh thủ thêu áo sơ mi, khăn tay rồi nhờ những người phục vụ lao tù đem đi bán. Một phần là để giúp bà cảm thấy cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, một phần kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, những người phục vụ tù khi đem bán, chúng lấy 60-70% số tiền bán được, còn bà chỉ được hưởng 30-40%.

Bao gối do bà Lan thêu khi còn ở trong tù, được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L
Bao gối do bà Lan thêu khi còn ở trong tù, được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

Khăn tay thì bà thêu hoa, gối thì thêu cặp chim bồ câu; bà còn thêu cả hình Bác Hồ nhưng thêu mờ mờ vì sợ chúng phát hiện. Một bao gối thêu mất mấy tháng mới xong. Bà vừa thêu vừa giấu vì bị phát hiện sẽ bị đánh đập. “Dù sợ nhưng cũng phải thêu vì mình đi làm cách mạng bảo vệ Tổ quốc thì phải kiên trung, bất khuất. Cái nào mình làm được thì đưa ra bên ngoài để mọi người biết những người trong tù vẫn sống lạc quan, kiên trung với Tổ quốc, với dân tộc”, nghe bà kể tôi không hình dung nổi tinh thần vượt qua đớn đau, kiên cường của bà.

Nhờ những ngày tháng thêu áo, khăn tay và gối trong tù, những kỷ vật này của bà Lan giờ thành vô giá. Thấy được ý nghĩa lịch sử của nó, bà đã trao tặng lại những kỷ vật của mình cho Bảo tàng Đà Nẵng, đồng thời vận động các hội viên Hội Tù yêu nước tập hợp những kỷ vật còn lưu giữ để gửi tặng cho bảo tàng trưng bày. Nhờ sự nhiệt tình, hăng hái và hết mình với công việc, đến nay, bà Lan đã vận động hội viên trao tặng hàng chục kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Đà Nẵng gồm: áo quần, khăn, thau, lựu đạn, xà ben vượt ngục...  Những kỷ vật này đã góp phần làm phong phú thêm tư liệu đấu tranh của bảo tàng; đồng thời giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ thêm về những năm tháng chiến tranh ác liệt và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, từ đó bồi đắp truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

“Nếu anh/chị cất thì chỉ mình anh/chị biết, nhưng anh/chị đưa ra bảo tàng thì các đoàn du khách đến thăm nơi đây, họ sẽ thấy được tinh thần kiên trung, bất khất của người cộng sản. Dù ở trong tù bị tra tấn dã man nhưng họ vẫn thêu được khăn, gối, và ảnh Bác Hồ... Anh/chị đi làm cách mạng thì đều biết rằng những kỷ vật này sẽ giúp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cho cán bộ và nhân dân. Khi được phân tích cặn kẽ thì họ sẵn sàng đưa cho cô để cô gửi cho bảo tàng”, bà Lan chia sẻ.

Chia tay bà Lan, tôi cứ bị ám ảnh những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù lên cơ thể bé nhỏ của bà. Con người rồi ai cũng phải trải qua quy luật “sinh lão bệnh tử”, nhưng những kỷ vật chiến tranh thì vẫn còn được lưu giữ để giúp các thế hệ mai sau không quên công ơn của những người đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Những câu thơ của bà mà tôi được bà đọc cho nghe như lý giải một phần nào về tinh thần kiên trung, bất khuất và lạc quan của bà trong những năm tháng lao tù bà đã cống hiến cho quê hương, đất nước: “Con nằm đây dưới hầm sâu/ Ngỡ nghe gió cuộn thét gào hờn căm/ Bao năm chịu cảnh giam cầm/ Vì quân bán nước buôn dân bạo tàn/ Dẫu cho cách biệt nhân gian/ Lòng con tựa ánh sao vàng sáng soi/ Vượt qua thử thách đòn roi/ Đọa đày thân xác không vơi nụ cười/ Một lòng luôn hướng về Người/ Nhớ thương trăm nỗi trọn đời khắc ghi…”.

Ghi chép của Đoàn Hạo Lương

;
;
.
.
.
.
.