Giữ gìn di sản

"Vỉa quặng" văn hóa Cơ tu

.

Du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm có sức hút mạnh mẽ không chỉ đối với khách quốc tế mà với cả khách nội địa. Ở Đà Nẵng, loại hình du lịch này càng trở nên đặc sắc hơn khi khách dịch chuyển không xa đã có thể tiếp cận được nét độc đáo của văn hóa truyền thống dân tộc Cơ tu.

Chị Nguyễn Thị Lang (thôn Tà Lang) bày cho con những thao tác cơ bản của nghề dệt thổ cẩm Cơ tu. Ảnh: V.T.L
Chị Nguyễn Thị Lang (thôn Tà Lang) bày cho con những thao tác cơ bản của nghề dệt thổ cẩm Cơ tu. Ảnh: V.T.L

Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 1.318 đồng bào Cơ tu sinh sống tại thôn Phú Túc (545 người) thuộc xã Hòa Phú và hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (773 người) thuộc xã Hòa Bắc. Đây là cơ sở để Hòa Vang triển khai các hoạt động phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại hai xã này.

Trải nghiệm cuộc sống đồng bào Cơ tu

Hôm 20-11 năm rồi lên thăm lại Khu Du lịch Sinh thái Suối Hoa (Suối Hoa), thấy nghệ nhân Alăng Đợi và các cộng sự người Cơ tu đến từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cắm cúi kẻ đẽo người đục các loại cây rừng, tiếp tục dựng 6-7 nhà Moong lợp bằng lá nón và một nhà Gươl trong Công viên Vườn tượng để xây dựng mô hình làng Cơ tu cổ phục vụ cho việc tham quan, trải nghiệm của du khách sớm nhất có thể trong năm 2020.

Bẵng một thời gian cả nước lo phòng, chống Covid-19, bất ngờ anh Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc điều hành Suối Hoa, thông báo rằng công trình làng Cơ tu cổ vừa chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 3-2020 với tên gọi “Làng Văn hóa Cơ tu Toom Sara” trong khuôn viên Suối Hoa. Công trình mới này góp thêm một nét cọ tươi mới cho bức tranh văn hóa truyền thống Cơ tu nơi vùng đất có đông đảo người Cơ tu sinh sống giáp ranh giữa thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và thôn Tống Cói (Xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Anh Pháp giải thích, Toom Sara tiếng Cơ tu có nghĩa là Suối Hoa. Được phục dựng dựa trên những giá trị văn hóa bao đời của người dân tộc thiểu số hiện sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Làng Văn hóa Cơ tu Toom Sara đang tiếp tục được hoàn thiện, phát triển từng ngày với các dịch vụ: homestay, thưởng thức múa Tungtung - Dadá, múa cồng chiêng; giao lưu cùng nghệ nhân Alăng Đợi; thưởng thức ẩm thực vùng miền... Khách đến tham quan nơi này có thể trải nghiệm thực tế 100% như một đồng bào Cơ tu thực thụ. Với dự án Làng Văn hóa Cơ tu Toom Sara, Suối Hoa mong muốn góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế cho đời sống đồng bào, bà con địa phương xã Hòa Phú ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước đó, vào hạ tuần tháng 4-2019, Trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ tu Hòa Vang được tổ chức tại Suối Hoa cũng đã cho một kết quả rất khả quan. Tác phẩm và tên các nghệ nhân dự trại được vinh danh vĩnh viễn tại khu Công viên Vườn tượng của Suối Hoa. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân nhận định: “Đây là điểm nhấn mà tất cả chúng ta mong muốn tạo ra để giới thiệu với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế hiểu, cũng như thêm yêu hơn một dân tộc anh em và là một tộc người có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc”.

Người vui nhất có lẽ là nghệ nhân Alăng Đợi, hồi còn đẽo tượng trên Đông Giang, làm xong có được mấy người xem. Chừ xuống “cắm chốt” ở Suối Hoa, không chỉ tượng được nhiều người nhìn ngắm mà cả tiếng trống, tiếng chiêng của ông cũng có người nghe đông hơn. Ông chỉ mong chóng hết dịch...

Cần lắm tiếng nói chung

Huyện Hòa Vang đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó là đề án Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc.

Đầu tháng 10-2019, nhân Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội người Cơ tu tại nhà Gươl Giàn Bí, UBND huyện Hòa Vang tổ chức khai trương Điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí giai đoạn 1 với những hạng mục cơ bản, sẵn sàng phục vụ du khách trong thời gian tới. Anh Đinh Văn Như, Bí thư kiêm Trưởng thôn Giàn Bí, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay tại điểm đến này cho biết, mô hình đã được triển khai thử nghiệm ở Hòa Bắc từ cuối năm 2017 với 3 nhóm phục vụ du lịch. Hơn nửa năm sau, đội ngũ này đã tăng lên 8 nhóm gồm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking (du lịch mạo hiểm dã ngoại), đan đát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh. 62 hộ dân địa phương tham gia vào đội ngũ này là cơ sở để tiến đến thành lập tổ hợp tác.

Nhóm dệt thổ cẩm 20 người ở Tà Lang - Giàn Bí cũng nhờ các “thầy” ở Đông Giang xuống dạy. Chị Nguyễn Thị Lan, nhóm trưởng cho biết, các chị được UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ khung cửi. Trước đây, UBND xã Hòa Bắc đặt may 116 bộ đồ thổ cẩm Cơ tu cho các cháu mẫu giáo lớn và tiểu học cả hai thôn để mặc đồng phục vào các thứ Hai, Tư, Sáu trong tuần; mỗi thôn được hỗ trợ 10 bộ đồ thổ cẩm người lớn. Từ khi nhóm dệt thổ cẩm bắt đầu sản xuất “lên tay”, các chị tự dệt và tự may đồ truyền thống dân tộc mình. Anh Trương Như Huy, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hòa Bắc vừa báo một tin vui qua điện thoại: Các chị đang dệt 150 khăn quàng cổ thổ cẩm Cơ tu để làm quà tặng tại Đại hội Đảng bộ xã sắp tới.

Để đưa điểm du lịch non trẻ này vượt ra ngoài “lũy tre làng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho  hay, huyện hợp đồng với ông Dương Minh Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn phát triển du lịch CBT, một chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng để tư vấn từ việc xây dựng, kiến trúc, kỹ năng, thiết kế các sản phẩm đến việc kết nối, hỗ trợ nguồn khách du lịch cho Hòa Bắc. Địa phương sẽ từng bước phát triển các sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng của huyện song song với công tác bảo tồn, khôi phục một số nghề truyền thống, lễ hội để phục vụ du lịch (thổ cẩm, chiếu cói; một số lễ hội của đồng bào Cơ tu như Mừng lúa mới, lễ Ăn thề kết nghĩa...).

Để văn hóa bản địa Cơ tu trở thành “vỉa quặng” trong hồ sơ điểm đến, cần lắm tiếng nói chung giữa người dân, chính quyền sở tại và nhất là ngành “công nghệ không khói” thành phố!

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng và do cộng đồng chủ động tham gia. Ở Đà Nẵng, công tác bảo tồn văn hóa Cơ tu đặt chúng ta trước những giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài. Thông qua loại hình du lịch này, ngoài việc xây dựng làng văn hóa Cơ tu, bảo tồn các ngành nghề như dệt thổ cẩm, nghề rừng... còn phải nhắm đến những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù phù hợp với nhu cầu của khách như các loại cây lá rừng có tính dược liệu, mật ong, rượu cần...”

Đinh Thị Hựu, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.