Thật đẹp, nghề y!

Mấy hôm nay, báo chí liên tục cập nhật, đưa tin, bài và hình ảnh về cuộc chiến khốc liệt của những y, bác sĩ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - tâm dịch của Covid-19. Họ đã chiến đấu đến kiệt lực. Khuôn mặt chằng chịt vết hằn vì đeo khẩu trang chuyên dụng, đôi mắt đỏ thẫm vì tăng ca thiếu ngủ, mái tóc phải cắt ngắn và thậm chí cạo trọc để tránh bị lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Họ đứng ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch mà vì sức lây lan và hiểm họa của nó, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Nhiều y, bác sĩ rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất ổn về tinh thần. Hình ảnh và thông tin đó càng ám ảnh, quấn riết lấy tâm trí tôi khi đi kèm những con số. Tính đến giữa tháng 2, đã có hơn 3.000 nhân viên y tế ở Trung Quốc bị nhiễm virus Corona - con số này cao gấp 2 lần số y,  bác sĩ bị lây nhiễm trong dịch SARS năm 2003! Có người vẫn đang từng giây, từng phút ngoan cường chống chọi để tự cứu lấy chính mình, có người đã mãi nằm xuống khi tuổi chưa kịp xanh...

Tất cả họ, đều là những con người bình thường - như chúng ta.

Họ có một sinh mệnh thiêng liêng cần phải gìn giữ, không chỉ cho mình mà còn cho những người thân yêu. Họ có một gia đình cần phải chăm lo - cha già mẹ yếu, vợ trẻ con thơ thắc thỏm chờ đón trở về. Họ có bao dự định và ước mơ dang dở cần viết tiếp…

Và bây giờ, trong khi dịch bệnh hoành hành, những nhân viên ngành y lại xông lên tuyến đầu ở tâm dịch. Họ làm việc quần quật suốt ngày đêm, đương đầu với bệnh tật hiểm nguy và đang bảo vệ sức khỏe cho chúng ta. Không chỉ chữa bệnh, các y, bác sĩ còn chia sẻ đến người dân những thông tin để giữ sức khỏe; các biện pháp phòng bệnh như rửa tay, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, hạn chế đến nơi đông người...

Những chiến sĩ khoác lên mình chiếc áo blouse của thiên sứ đã sống thật trọn và đẹp với bổn phận và trách nhiệm. Họ không hề lùi bước dẫu có lúc tưởng chừng mệt mỏi đến ngã gục. Họ luôn ở đó, bên giường bệnh, để thực hiện đúng triết lý ngành y cùng lời thề Hippocrates - đến gần và bảo vệ quyền được sống của bệnh nhân.

Không có tấm huy chương, huy hiệu, bằng khen nào có thể xứng với sự hy sinh cao quý và thầm lặng của những y, bác sĩ. Mà có lẽ, những người lính ấy cũng không cần đến việc ngợi ca và tung hô để thấy sự hiện hữu của mình có ích cho cuộc đời. Hạnh phúc của người làm nghề y -  là nỗi xúc động đến nghẹn lời khi đưa được người bệnh vượt phút giây sinh tử trở về với sự sống, là giọt nước mắt vui mừng của bệnh nhân khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm, là nụ cười vui khi người bệnh bình phục và được về nhà…

Họ - những y, bác sĩ, đã không chỉ làm đúng sự phân công ngành nghề trong xã hội. Họ đặt lý trí vào công việc để tỉnh táo, sáng suốt trong cuộc chiến giành sự sống. Họ mang cả trái tim yêu thương ấm nóng để đến gần hơn người bệnh. Họ đã làm nghề bằng cả niềm say mê. Và, trên hành trình sống với triết lý cao quý của nghề, những người anh hùng thầm lặng đã phải đánh đổi, hy sinh cuộc sống, và - cả sự sống của chính mình. Tôi tin, tất cả y, bác sĩ đều lựa chọn như vậy. Họ chọn đứng về phía lương tri và màu áo. Họ chọn trách nhiệm và sự xả thân. Chúng ta biết ơn và quý trọng biết bao những người hùng trong trận chiến cam go giành sự sống. Để cảm thông, sẻ chia cùng họ nỗi khó nhọc, vất vả và thiệt thòi trên hành trình thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Trên tất cả, để nhận ra, chẳng có danh xưng nào có thể ngợi ca hết sự cống hiến lặng thầm mà vĩ đại  của những thiên thần áo trắng với sự sống của con người.

Trần Thị Hồng Vân

 

;
;
.
.
.
.
.