Mô hình giáo dục dành cho trẻ thiệt thòi

.

Tròn 10 năm du học tại Mỹ, tốt nghiệp Đại học California, Los Angeles (UCLA) và đang là nghiên cứu sinh tại Trường Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), cô nữ sinh người Đà Nẵng Nguyễn Thị Sao Ly đang nuôi khát vọng mang dự án SARE do GS Douglas Robinson thành lập về với học sinh Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Du học từ sớm, đang là nghiên cứu sinh tại một trường danh tiếng ở Mỹ, Nguyễn Thị Sao Ly vẫn luôn hướng về quê hương với nhiều khát vọng cho trẻ thiệt thòi.
Du học từ sớm, đang là nghiên cứu sinh tại một trường danh tiếng ở Mỹ, Nguyễn Thị Sao Ly vẫn luôn hướng về quê hương với nhiều khát vọng cho trẻ thiệt thòi.

Nguyễn Thị Sao Ly sinh năm 1993 tại Đà Nẵng. Lên lớp 10, Ly sang Mỹ du học. Nhớ lại những ngày đầu trên đất khách, Ly bảo: “Cũng như nhiều du học sinh khác, khó khăn nhất của tôi là cách biệt ngôn ngữ. Nghe, hiểu và nói được là một chuyện, nhưng làm thế nào để thoải mái, tự tin với ngôn ngữ lại là chuyện khác. Đã 10 năm từ khi sang Mỹ nhưng ngày nào tôi cũng dành thời gian trau dồi tiếng Anh qua việc đọc sách trước khi ngủ, học tiếng Anh trên điện thoại và tập đối chất với bạn bè”.

Vượt qua rào cản ấy, Ly say mê học tập để đem về những thành quả tốt. Ở lĩnh vực y học, Ly có nhiều nghiên cứu hữu ích. Tại Trường UCLA, Ly tham gia nghiên cứu đề tài tìm ra thuốc có khả năng thuyên giảm những bệnh liên quan đến rối loạn hình thành mạch máu, trong đó có bệnh mất thị lực, ung thư và di căn. Ly đã thuyết trình nghiên cứu của mình tại hội thảo GTCBio Drug Discovery năm 2015 và hội thảo khoa học tại UCLA năm 2016.

Sao Ly cho biết, hiện cô tập trung nghiên cứu tại phòng nghiên cứu của GS Robinson về chủ đề bộ máy cơ học của tế bào và sự liên quan đến ung thư tụy. Cô đã thuyết trình đề tài này tại khoa Sinh học tế bào của Trường Johns Hopkins năm 2018 và 2019. Tháng 6 vừa qua, cô có buổi thuyết giảng về đề tài của mình tại Viện Nghiên cứu-Đào tạo Việt-Anh (VN-UK) thuộc Đại học Đà Nẵng. “Sắp tới, tôi sẽ mang nghiên cứu này trình bày tại hội thảo Sinh học tế bào toàn nước Mỹ (American Society for Cell Biology) tại thủ đô Washington”, Ly nói.

Tại diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu vừa diễn ra hồi tháng 11 ở Hà Nội, nhiều người chú ý đến chia sẻ của Sao Ly về mô hình giáo dục SARE nhằm kích thích tiềm năng của trẻ em thiệt thòi. Sao Ly cho hay, cô đến với diễn đàn với mong muốn được giới thiệu mô hình cho các chương trình trung học tại Việt Nam. Chương trình được sáng lập bởi giáo sư cô đang theo học – ông Douglas Robinson, nhằm hướng đến các học sinh THPT có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập thấp tại Baltimore. SARE tạo điều kiện cho học sinh nghèo được học tập trong môi trường chất lượng cao, do các nghiên cứu sinh ưu tú tại Trường Johns Hopkins hướng dẫn và những học sinh này còn được trực tiếp làm nghiên cứu tại các phòng nghiên cứu cùng các nhà khoa học. Chương trình cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm để cải thiện tình hình giáo dục của thành phố. Cô nhận thấy SARE là mô hình phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là giáo dục trước đại học.

Tuy các chương trình giáo dục tại Việt Nam đã cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn thiếu tính thực tiễn và ứng dụng trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo về STEM (các môn khoa học và công nghệ). “Vì thiếu cơ hội thực hành, các bạn trẻ khó có thể say mê các môn khoa học công nghệ vốn dĩ rất khô khan trên lý thuyết. Tôi hy vọng, thông qua SARE, học sinh có thể phát triển đam mê và hình thành, xác định sự nghiệp sớm”, Sao Ly chia sẻ.

Sao Ly dẫn chứng, chương trình này đã được áp dụng trong suốt gần 10 năm qua và rất thành công tại Baltimore, một trong những thành phố nghèo với tỷ lệ thất học và tội phạm cao nhất nước Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy, các học viên của chương trình có tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 98%, đỗ đại học 83%, trong khi mức trung bình của thành phố lần lượt là 65% và 48%.

Trở về sau diễn đàn, Sao Ly cho biết, cô đang trong quá trình hình thành một nhóm đồng hành triển khai dự án. Nhóm sẽ bắt đầu bằng mục tiêu Việt hóa mô hình sao cho phù hợp với chương trình chính thống và các điều kiện học thuật tại Việt Nam; đồng thời mở rộng các kết nối, trực tiếp tạo liên kết giữa các phòng nghiên cứu, các trường đại học và trường THPT. “Hiện tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và mong muốn hợp tác của các anh chị đi trước trong ngành giáo dục. Thời gian tới, khi kế hoạch được định hình cụ thể hơn, tôi sẽ tập trung kêu gọi hỗ trợ tài chính từ các hội khuyến học, mạnh thường quân và các chính sách của Nhà nước. Hy vọng trong năm tới, dự án sẽ được triển khai thí điểm tại Đà Nẵng”, Sao Ly nói.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.