Cơm áo không đùa với… công chức

.

1. Bữa đó, đang ngồi trong văn phòng thì nghe một anh đồng nghiệp cảm thán: “Giờ mình không cần đi chợ/siêu thị gì nữa. Ngồi một chỗ ở cơ quan lướt “phây” (facebook-mạng xã hội) là mua được đủ hết các mặt hàng tiêu dùng rồi”. Ai có mặt trong phòng hôm ấy cũng phì cười.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mà thiệt chớ, ngẫm lại thì không thiếu gì thật. Từ rau củ quả đến mỹ phẩm, đồ nhà bếp, quần áo… “Chẳng may” mà thiếu món gì thì các cơ quan khác, thuộc khối Văn phòng Sở cũng “lấp” vào. Toàn anh em công chức với nhau cả. Có những mặt hàng được cùng lúc 2, 3 người bán. Người mua, cũng là đồng nghiệp, đành phải chọn thứ tự ưu tiên “thân/sơ” mà mua. Hoặc để không mất lòng nhau thì cứ tháng này mua cho người này, tháng kia lại mua cho người kia. Mà đâu chỉ cơ quan của vợ bán, cơ quan của chồng cũng có người bán. Chẳng vậy mà có khi hôm đó vợ tính trong đầu là rằm này sẽ mua quả bơ về thắp hương, thì chồng đã nhắn tin trước: “Em ơi, rằm này mua cam Vinh nha. Anh T.A. mới nhắn tin cho anh rồi đó!”. Vợ phụng phịu trả lời lại: “Cái gì mà cam hoài vậy anh? Đợt trước mùng một cũng mua, giờ rằm cũng mua.

Em ớn cam lắm rồi”. Chồng “dỗ dành”: “Thôi kệ, ăn cam cũng… bổ mà em”. Trưa chồng đi làm về xách theo lỉnh kỉnh nào cam, đậu cô ve, cà tím… Trước ánh nhìn há hốc của vợ, anh phân bua: “Hì hì, anh mua giúp luôn cho anh T.A. Nghe anh ấy kể ở quê mùa này các loại nông sản như cà chua, cải bắp hay su hào, đậu cô ve đầy vườn, giá mỗi ký rau củ quả ở quê nhà Nghệ An đang giảm thê thảm, thương lái đến mua với giá cực thấp. Thương bà con ở quê vất vả, anh ấy đứng ra thu mua rồi nhờ ông bà đóng thùng gửi xe đò vào. Toàn là nông sản do bà con, chòm xóm nhà ảnh trồng, em yên tâm, đồ sạch hết!”. Từ lần đó, cứ dăm bữa nửa tháng, chồng lại xách đồ rau củ quả về. Câu chuyện trong bữa cơm trưa của hai vợ chồng có thêm chuyện về sự tảo tần, chịu khó của những người công chức xa quê, bám trụ nơi đất khách.

Anh T.A. (nhân vật xin giấu tên) trong câu chuyện của chồng là một công chức xa quê như thế. Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng cách đây gần 10 năm, anh cùng vợ (cũng là sinh viên cùng trường) quyết tâm bám trụ lại thành phố biển xinh đẹp. Vợ chồng anh hiện đã có hai con, đủ nếp đủ tẻ, song, cuộc sống ở thành phố, với đồng lương công chức, chưa bao giờ là dễ dàng. Vì vậy, chừng 5 năm trở lại đây, anh tranh thủ bán thêm rau củ trên mạng, vừa làm cầu nối giải quyết một phần nông sản cho bà con ở quê, vừa tự giúp mình có thêm đồng ra đồng vào. Từ đó, ở cơ quan, anh T.A. nổi tiếng là người chịu thương chịu khó. Trong cặp anh luôn có một cuốn sổ nhỏ, ghi lại đầy đủ biển số xe của các đồng nghiệp trong cơ quan.

Trước mỗi đợt rằm, hay mồng một âm lịch, ai mua món gì thì anh ấy ghi lại cụ thể. Đến ngày, anh đến từng xe, cẩn thận treo vào từng bịch nông sản. Mỗi tháng, anh ấy nhập hai đợt hàng từ quê vào. Người mua chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp, vài người thân quen. Chạy vạy như vậy, song anh cho biết, mỗi tháng chỉ kiếm thêm từ 2-3 triệu đồng, số tiền ấy anh gửi cả về cho ba mẹ. Ông bà ở quê lớn tuổi nên không làm được gì nặng nhọc, chỉ quẩn quanh với mảnh vườn nhỏ. Anh mang tiếng là con trai cả, có công việc ổn định ở thành phố lớn nhưng chẳng đủ sức nuôi ba mẹ lúc tuổi già. Cũng may làm thêm việc này, ông bà vừa có thêm chuyện làm cho vui, vừa có thu nhập mà lo những chuyện “phải không” ở quê nhà.

2. Chuyện của chị Q.C., cán bộ Đoàn cấp quận cũng không là chuyện hiếm trong bức tranh chung về đời sống công chức nơi phố thị. Chị C. là người Đà Nẵng, lấy chồng gốc Huế. Chồng chị cũng là công chức Nhà nước. Chị kể, ở quê chồng rất coi trọng chuyện mồ mả cho người đã khuất. Giàu nghèo gì chẳng biết, cứ nằm xuống là 1-2 năm sau con cháu phải chạy vạy lo mồ yên mả đẹp cho bằng với người ta. Mới đây, mẹ chồng chị gọi, bảo mẹ có chừng đó chừng đó, mấy đứa con đóng góp thêm để mẹ lo cho ba. Chị thừ người lo lắng, theo như mẹ tính thì mỗi đứa con phải đóng góp ít nhất 10 triệu đồng.

Trong khi đó, mấy đứa em chồng đứa chưa có gia đình, đứa thì cả hai vợ chồng làm nông, chỉ có mình vợ chồng chị là công việc ổn định. Chồng chị còn là con trai cả, trách nhiệm nặng nề hơn. Chị nói với chồng rằng mình sẽ gửi về cho mẹ 10 triệu đồng vì còn để dành tiền sắp tới đóng tiền học tiếng Anh cho thằng con lớn. Chồng chị ậm ừ nghe buồn thiu. Chị nghe mà xót ruột. Tiền chi tiêu tháng nào cũng phải cân đo đong đếm. Tháng nào dư ra được chút đỉnh thì dành riêng ra đó, để đến Tết là có một khoản tiền mua quà cáp cho ba má hai bên, mua chút quà cho mấy đứa cháu. Nói vậy chứ mang tiếng hai vợ chồng làm công chức ngay đô thị loại 1, ngày Tết giỏ quà về quê mà nhẹ hều coi sao được.

Tính thì tính như vậy chứ tháng nào mà có đám cưới, đám hỏi, nhà mới, thôi nôi… thì coi như đi tong tháng lương. Chị là người giỏi thu vén nên vợ chồng ra đường lúc nào cũng quần áo chỉn chu. Chẳng ai biết chị đã tranh thủ những buổi chiều tan làm muộn lội quanh các khu đồ bành ở chợ Đống Đa, chợ Cồn để mua cho anh, cho con những chiếc áo quần còn tươm tất với giá chỉ bằng 1/3, ¼ đồ mới. Chị tâm sự, bữa cơm trong nhà có thiếu hụt tí cũng không ai biết chứ ra đường là quần áo phải phẳng phiu. Trong mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cũng vậy, người ta sao thì mình vậy. Đó không phải sĩ diện mà là tự trọng. Cuộc sống dẫu có vất vả, khó khăn cũng tự mình thu vén mà vượt qua, đừng nên phơi bày ra cho thiên hạ biết. Hỏi chị, vậy lần đó chị gửi về cho mẹ chồng bao nhiêu, chị cười hiền: “Tôi gửi 20 triệu. Chừng đó nếu tính ra thì bằng 2 tháng lương của hai vợ chồng, nhưng đó là tính bằng số, còn tính bằng tình thì nó chẳng đáng là bao. Đó gọi là những khoản nợ ân tình. Không chi không được”.

3. Anh T.L, là giáo viên, dạy môn Giáo dục công dân (tại một trường THPT trên địa bàn quận Sơn Trà) - môn học mà ai cũng mặc định là “môn phụ”, không có thu nhập từ việc dạy thêm. Mức lương của anh tính cả thâm niên, hệ số… rơi vào khoảng 4,7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, ngoài 19 tiết dạy/tuần tại trường, anh còn chạy “sô” dạy chính trị hợp đồng ở các trường khác. Ngoài ra, anh còn đi làm gia sư. Hầu như bất kỳ khi nào bạn bè tụ tập, gọi điện cho anh cũng nghe giọng anh thì thầm: “Mình đang dạy”. Có người nói vui: “Làm việc như ông thì giàu chứ khá chi nổi”. Anh chỉ cười: “Tôi chỉ cần làm đủ “đắp” vào 4 miệng ăn thôi mà nghe đuối đây”.

Nói rồi, anh kể chuyện thật mà ngỡ tiếu lâm: “Mấy ông thầy cùng đi dạy với tôi thường chơi cờ tướng với nhau mỗi khi có tiết rảnh. Bàn cờ chỉ 2 người đánh, mấy người còn lại chia làm 2 phe ngồi 2 bên. Cả nhóm “cá độ” nhỏ cho ván cờ thêm gây cấn. Bên nào thua thì trả tiền chầu cà-phê. Cà-phê cóc 6.000 đồng/ly đen đá, sữa đá thì 8.000 đồng. Tính ra bên thua thì trả tầm 50.000 đồng tiền cà-phê, chia ra thì mỗi người hơn 10.000 đồng. Chừng đó tưởng chẳng đáng bao nhiêu nhưng mỗi khi nghe đến “độ cà-phê nghe” là hai phe không phe nào dám uống. Ván cờ vui hóa căng thẳng. Chẳng ai hó hé nửa lời. Hồi nào ván cờ đến hồi sắp kết thúc, chắc mẩm 99% đội mình thắng thì mới dám gọi cà-phê ra uống. Dĩ nhiên, bên thua thì không ai uống nghe!”. Câu chuyện đang hồi vui vẻ thì anh cáo từ, bảo phải chạy về trường bốc thăm.

Hỏi bốc thăm gì, kêu bốc thăm chơi biêu (hụi). Mấy giáo viên trong trường rủ nhau chơi biêu bằng cách đóng mỗi tuần 100.000 đồng. Mỗi lần “hốt biêu” được 2 triệu đồng. “Mấy năm trước thì “hốt 5 phân vàng”, sau này thấy vàng lên xuống thất thường quá, người lời thì mừng rơn, người lỗ thì buồn thiu, sau mọi người thống nhất không vàng viếc gì nữa, cứ quy ra tiền cho nhanh gọn. Ai bốc được mấy số đầu tiên, được hốt trước thì mừng như trúng số”. Anh kể vội rồi cũng vội vã ra về. Nhìn dáng anh quýnh quáng chạy về cho kịp “bốc thăm” mà nghe xôn xao thương…

Thạch Lam

 

;
;
.
.
.
.
.