Có một ký ức Hà Nội từ những ngôi nhà cũ(*)

.

Có một Kim Liên đậm văn hóa làng quê từng tồn tại hơn nửa thế kỷ giữa lòng phố xá thủ đô. Năm tháng đổi thay, những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, văn hóa hàng phố đẩy lùi nét quê sâu vào ký ức của những thế hệ 6x, 7x, 8x từng một thời lớn lên trong khu tập thể Kim Liên. Nhưng ký ức ấy không phải là những điều xưa cũ bị đóng tập, lãng quên. Ký ức ấy mang sức sống mãnh liệt, như những nét sử được ghi bằng tâm thức những ai đã từng sống, từng đi qua thời bao cấp khó khăn, từng nhớ Kim Liên, yêu Hà Nội! 

Tôi yêu Hà Nội bằng tình yêu của một lữ khách, mỗi năm đôi lần vội đến và vội đi vào những ngày Hà Nội sang thu lá nhuộm vàng đường phố. Hà Nội đọng lại trong tôi với ký ức về những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, những gánh hàng rong thơm ngát mùi ngô khoai nướng, xanh màu cốm, vàng hoa cúc hay đỏ thắm màu hoa hồng tỉ muội… Đương nhiên Hà Nội có vô vàn những góc khác đầy hiện đại và sang trọng nhưng tôi yêu hơn những điều nhỏ bé ấy. Đó cũng là lý do tôi tìm đọc cuốn sách Kim Liên một thuở - Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ… của Vũ Công Chiến ngay từ lần đầu bắt gặp.

Với 13 phần viết về những năm tháng sống ở khu nhà cao tầng Kim Liên, Vũ Công Chiến trong vai người kể chuyện – người từng gắn bó với Kim Liên hơn nửa thế kỷ đã khái quát cuộc sống thường nhật ở Kim Liên từ những năm 1962 cho đến bây giờ. Với 279 trang sách, xuyên qua hơn nửa thế kỷ, có một Kim Liên hiện ra không khói bụi ô-tô, không có sự hiện diện của đời sống hiện đại. Kim Liên trong ký ức của Vũ Công Chiến mộc mạc, hiền hòa, êm đềm như một làng quê. Đó là hình ảnh về những dãy nhà tập thể cao tầng được sơn màu vàng, những lối cầu thang chật hẹp được co kéo thiết kế thêm con đường dắt xe đạp lên tầng lầu; những ổ khóa giống nhau như đúc và một chìa có thể mở được tất cả các cánh cửa phòng khác nhau dù chúng vẫn được đánh số thứ tự.

Trong khu tập thể ấy, nhiều gia đình đến từ nhiều miền quê khác nhau, công việc khác nhau, cơ quan xí nghiệp khác nhau… nhưng họ nhanh chóng thân nhau không chỉ bằng tình thân láng giềng. Giữa thời buổi tem phiếu, bao cấp khó khăn, mỗi người đều biết lùi về phía sau để cùng chia niềm vui chung nhau cái bếp, chung vòi nước rửa rau vo gạo, chung cả không gian nhỏ bé của khu công cộng...

Kim Liên trong ký ức Vũ Công Chiến hiện hữu đủ đầy nhiều ngóc ngách của cuộc sống tinh thần và vật chất thời bao cấp đầy khốn khó, bận bịu. Từ những vật dụng cũ mèm, ẩm mốc, ngai ngái mùi gạo mốc, củi ẩm, dầu hỏa cho đến những âm thanh phát ra từ chiếc loa truyền thanh kể câu chuyện cảnh giác tối thứ bảy như món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là với cư dân Kim Liên. Cơ hồ đấy là những kỷ niệm khó phai nhất, khó khỏa lấp nhất mặc cho bây giờ cuộc sống đã hiện đại và đã có hàng ngàn kênh thông tin, giải trí.

Ở một góc khác, có một Kim Liên kiên cường dưới làn bom đạn, những lớp trẻ viết đơn tình nguyện bằng chính máu của mình để xung phong ra chiến trường. Sự kiên trung mang bản lĩnh của đất và người Hà Nội, sự quyết tâm và tinh thần dân tộc bất diệt.

Kim Liên bây giờ nhiều cái tên đã được thay đổi, mất đi. Khu tập thể có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nơi gắn liền kỷ niệm của nhiều thế hệ người Hà Nội thời gian khó không còn đơn thuần là nơi ở. Đó là hồn cốt Hà Nội, là ký ức của những người từng lớn lên, trưởng thành gắn bó với Kim Liên ngày xưa ấy. Trước xô bồ đổi thay của cuộc sống, trước những thông tin Kim Liên sẽ được cải tiến, sửa sang để tiến kịp sự phát triển của đời sống hiện đại, hiển nhiên Vũ Công Chiến cũng như nhiều thế hệ từng lớn lên ở Kim Liên sẽ nuối tiếc và nhớ nhung về nơi họ lớn lên, gắn bó máu thịt đầy thân thương. Nhưng ông vẫn nhìn nhận một cách khách quan rằng, Kim Liên hôm nay và ngày mai đang thuộc về những chủ nhân mới và ông mong nơi này có một bức tranh tươi sáng. “Một lúc nào đó có dịp trở lại nơi xưa chốn cũ, ta thường giật mình khi nhìn lại quãng thời gian cách xa, thấy nó trôi sao nhanh thế. Xa lâu đến nỗi ở vùng đất năm xưa đó, người xưa không còn mà cảnh cũ cũng đổi thay chẳng thể nhận ra. Khu tập thể Kim Liên là một vùng đất như thế trong tôi”.

Yêu Hà Nội, tò mò về một góc Hà Nội những năm tháng xa xưa, đọc thật kỹ cuốn sách nhưng tôi vẫn có chút e ngại khi đặt bút viết về nó. Bởi lẽ, với tình yêu lữ khách, tôi ngại mình chưa đủ thấm, chưa đủ tình để truyền tải những gì Vũ Công Chiến chắt lọc từ trái tim mình trong hơn nửa thế kỷ đi qua về nơi ông đã và đang sống, gắn bó và yêu thương. Nhưng ngẫm lại, có cơ hội tìm hiểu về Kim Liên một thuở cũng coi như là cái duyên. Đó là tư liệu quý cho tôi, cho những ai muốn biết về một góc Hà Nội trong lòng Hà Nội!

Phan Vĩnh Yên

(*) Đọc Kim Liên một thuở – Ký ức Hà Nội từ những khu nhà cũ…, NXB Thế giới – Công ty CP văn hóa truyền thông Sống. In xong và nộp lưu chiểu 2019.

;
;
.
.
.
.
.