Sớm có một ngày về...

.

Giữa Thiện và Ác, Sáng và Tối, nếu nhận thức của con người nghiêng về nửa này thì nửa kia dần bị đẩy lùi. Những cảnh đời lầm lạc nếu biết hướng thiện, sẽ sớm có một ngày về. Tôi tin rằng, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn với họ, bởi phía sau những bộ quần áo kẻ sọc cũng vẫn là những trái tim con người.

Anh Phạm Duy Khánh (phải), đại diện Công ty TNHH MTV Sản xuất nội thất Xuân Hoàng Gia, hướng dẫn anh N.V.C cách làm sườn ghế sofa. Ảnh: V.T.L
Anh Phạm Duy Khánh (phải), đại diện Công ty TNHH MTV Sản xuất nội thất Xuân Hoàng Gia, hướng dẫn anh N.V.C cách làm sườn ghế sofa. Ảnh: V.T.L

34 tuổi, N.V.C trú quận Hải Châu (Đà Nẵng), can tội cố ý gây thương tích, bị tuyên án 4 năm. Được chuyển “hộ khẩu” lên Trại tạm giam Hòa Sơn từ 28 tháng nay, anh muốn học một nghề gì đó để khi án hết hạn có thể mưu sinh bằng chính công sức của mình.

Lúc C. mới vào trại, bấy giờ có một xưởng gia công ván ép do ban giám thị trại hợp đồng với một đơn vị kinh doanh đặt ngay trong khuôn viên trại. Gỗ tươi nguyên cây được nhập về, bóc vỏ, dùng máy tách quanh từng lớp rồi cắt thành tấm theo quy cách định sẵn.

Xong đâu đấy, từng lớp ván mỏng được đem đi sấy khô rồi dán keo cho vào máy ép ra thành phẩm. C. phụ trách việc đóng pallet (tấm kê hàng) cho ván ép thành phẩm. Mọi công đoạn được tiến hành theo dây chuyền công nghệ, ai làm bộ phận nào chỉ biết “nghề” công đoạn đó, vì thế khó có thể định hình được một nghề độc lập để các phạm nhân học việc có thể kiếm sống bằng nghề khi ra trại. C. đang lo thì sau hơn một năm chuyên đóng pallet, xưởng ván ép giải thể vì hết hạn hợp đồng.

Thay vào đó Công ty TNHH MTV Sản xuất nội thất Xuân Hoàng Gia (đóng trên đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) mở phân xưởng sản xuất ghế sofa, do anh Phạm Duy Khánh làm đại diện. Đây là cơ hội để C. và 4 bạn tù khác quyết chí học cho được nghề.

Để cho ra một ghế sofa, anh Khánh mô tả, phải qua các công đoạn ra ván theo mẫu thiết kế, lên khung sườn, cắt mút (mousse) xốp, cắt vải may vỏ đệm và bọc đệm. Phân xưởng có 5 phạm nhân trực tiếp sản xuất, C. và P.D.H là hai “công nhân” cũ từ xưởng gia công ván ép chuyển sang, 3 người còn lại là “lính mới”. Hơn một năm chăm chú học nghề, C. giờ có thể làm được phần thô của ghế sofa. Vợ con nghe tin anh học nghề, ai cũng mừng. Lên thăm anh, vợ anh nói gắng cải tạo tốt, kiếm cái nghề về với gia đình.

P.D.H năm nay 28 tuổi, chạy Grab Bike trên Đăk Lăk, chưa có gia đình, vi phạm pháp luật nên bị án 33 tháng. Ba mẹ anh xuống thăm, động viên anh học cho được nghề để sau ông bà sẽ tạo điều kiện mở xưởng làm ghế sofa, bởi trên đó chưa phát triển rộng rãi mặt hàng này.

Nói về những công nhân - phạm nhân này, Thiếu úy Trịnh Quốc Huy, cán bộ Trại tạm giam Hòa Sơn, người trực tiếp phụ trách từ xưởng gia công ván ép đến xưởng làm ghế sofa, cho biết, có người làm việc mà như bị bắt buộc, cũng có người làm với tất cả cái tâm của mình. Người nào muốn tranh thủ kiếm cái nghề trong thời gian thụ án sẽ chú tâm vào từng công đoạn, từng mẹo luật cụ thể, cốt sao học cho được cái tinh túy của nghề. Bởi tương lai của họ tùy thuộc vào chính những việc làm của mình trong thời gian thụ án.

Đại diện Công ty Xuân Hoàng Gia, anh Phạm Duy Khánh kể, đã có 3 người thôi “tạm trú” ở Trại tạm giam Hòa Sơn và đem cái nghề làm ghế sofa này về với gia đình, một người ở Quảng Nam, hai người ở Đà Nẵng. Sau thời gian làm ở đây, cả ba đều có tay nghề đạt yêu cầu. Vừa rồi, họ liên lạc bày tỏ nguyện vọng muốn vào làm việc cho Xuân Hoàng Gia, anh Khánh cho biết lãnh đạo công ty đồng ý sẽ nhận họ.
Trại tạm giam Hòa Sơn có số phạm nhân dao động tầm 70 đến 100 người.

Đại tá Lê Tấn Hùng, Giám thị trại, cho biết đây là trại tạm giam nên việc phục dịch là chính, dạy nghề cho phạm nhân chỉ là việc phụ. Một số phạm nhân tham gia sản xuất rau xanh, chăn nuôi ngay trong khuôn viên trại. Số khác lo việc phục dịch như nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh quanh trại... Một số học nghề như nghề làm ghế sofa nói trên.

Vừa qua, trại mời một nghệ nhân cây cảnh nghệ thuật đến dạy cho một nhóm 5-7 phạm nhân nghề chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh trong khuôn viên trại. Nhưng rất tiếc, được một thời gian thì nghệ nhân này qua đời. Theo Đại tá Hùng, sắp tới sẽ hợp đồng với một nghệ nhân khác, vừa dạy nghề cho phạm nhân, vừa cải tạo cảnh quan tươi đẹp cho toàn trại để phạm nhân và ngay cả người nhà của họ không có cảm giác đây là một trại giam, nhất là khi năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý sắp đến.

“Trong công tác quản giáo, quản lý và giáo dục phạm nhân, chúng tôi luôn động viên phạm nhân chấp hành tốt nội quy của trại. Từng đợt hằng tháng, hằng quý có phát động thi đua để từng phạm nhân nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí thi đua, trong đó có tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ học nghề thật tốt. Đây là cơ sở để xét giảm án, đặc xá ra tù trước thời hạn”, Đại tá Hùng thông tin.

12 năm trước, người viết cũng đã có lần lên Trại tạm giam Hòa Sơn hỏi chuyện các phạm nhân học nghề. Lúc đó, một phạm nhân tên là T.Q.H, con của một nhà điêu khắc, đã phác họa về bố cục “Vườn hoa 19-8” và được Ban giám thị trại tán thành sau khi có những chỉnh sửa nhất định. Sau đó, việc xây dựng vườn hoa được giao cho H. cùng hơn chục phạm nhân đã lõm bõm biết nghề để vừa giúp H., vừa học hỏi thêm nhằm nâng cao tay nghề. Thượng tá Nguyễn Văn Ngại, Phó Giám thị trại lúc đó nhận xét rằng, H. đã làm việc với tất cả trách nhiệm của mình.

Lúc đó, bên hành lang khu trọng án, nơi giam giữ các đối tượng bị kết án tử hình, có một chiếc hộp gỗ nhỏ, bên trên là tượng mấy con sư tử được phạm nhân chạm khắc rất tinh xảo từ những cục xà phòng. Chạnh nghĩ, nếu ở ngoài đời, mỗi người biết cách chạm khắc cuộc sống mình một cách tỉ mẩn như thế thì đâu đến nỗi phải vướng vào vòng lao lý.

Giữa Thiện và Ác, Sáng và Tối, nếu nhận thức của con người nghiêng về nửa này thì nửa kia dần bị đẩy lùi. Những cảnh đời lầm lạc nếu biết hướng thiện, sẽ sớm có một ngày về. Tôi tin rằng, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn với họ, bởi phía sau những bộ quần áo kẻ sọc cũng vẫn là những trái tim con người.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.