Đà Nẵng cuối tuần

Hãy nói ra thay vì chịu đựng

08:22, 03/11/2019 (GMT+7)

ThS.BS Nguyễn Thành Long, một chuyên gia tư vấn tâm lý tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội - cùng hệ thống với Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng) nói rằng, có khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm có suy nghĩ tự sát do cảm thấy chán nản, không còn thiết tha với cuộc sống xung quanh. Và, để đến với sự lựa chọn này, họ đã từng trải qua một hành trình dài cô đơn và thiếu người chia sẻ…

Trong xã hội hiện đại, việc tham gia các lớp học yoga cũng giúp tinh thần mọi người thoải mái, hạn chế thấp nhất căn bệnh trầm cảm. Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG
Trong xã hội hiện đại, việc tham gia các lớp học yoga cũng giúp tinh thần mọi người thoải mái, hạn chế thấp nhất căn bệnh trầm cảm. Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG

Một người quen của tôi vừa lựa chọn kết thúc cuộc đời bằng cách gieo mình xuống sông tự vẫn, để lại cô con gái 4 tuổi do chị “tự túc” mà có. Chuyện phụ nữ không chồng mà có con thời nay không hiếm, nhưng ở giữa miền quê nghèo, chuyện của chị cũng trở thành đề tài bàn tán xôn xao. Trái ngang cho chị, người đàn ông “gieo duyên” đã có gia đình và khi biết tin chị mang thai đã vội vàng phủi sạch mọi trách nhiệm lẫn tình thương. Một mình vượt cạn, một mình chăm bẵm, nuôi nấng con gái giữa lúc công việc không ổn định, kinh tế thiếu trước hụt sau khiến chị luôn trong tâm trạng buồn bã, chán nản.

Nhưng bất hạnh của chị không dừng lại ở đó, khi con vừa chập chững bước đi cũng là lúc gã chồng hờ mỗi khi say xỉn lại chặn đường dọa nạt nếu không đưa tiền gã sẽ bắt con. Thương và không muốn rời xa đứa con mình đứt ruột đẻ ra, chị liều vay nợ nóng để đưa cho gã, đến khi lãi mẹ đẻ lãi con, vay bên này không đủ bù đắp bên kia, đến khi sức cùng lực kiệt, chị đã gieo mình xuống dòng sông tự vẫn.

Cái chết lạnh lẽo và bất ngờ của chị khiến người thân day dứt mãi, rằng vì sao chị không chịu chia sẻ những uất ức và khó khăn tài chính của mình, vì sao chị không nhờ chính quyền địa phương bảo vệ mẹ con chị trước người đàn ông tệ bạc kia. Và, chắc chắn mọi chuyện đã có thể khác đi nếu những người thân bên cạnh nhận ra những biểu hiện tâm lý buồn bã, mất ngủ, lo âu của chị đã tồn tại suốt một thời gian dài.

ThS. Bác sĩ Nguyễn Thành Long cho biết, đối với người mắc chứng bệnh trầm cảm, biểu hiện đầu tiên thường liên quan tới những nỗi buồn dai dẳng mà không có người để chia sẻ, lâu dần sẽ cảm thấy bị ức chế tâm lý, dẫn tới tự ti, không hiểu nổi mình và luôn cảm thấy lạc lõng với mọi chuyện. Đặc biệt, cuộc sống áp lực khiến cho số người bị trầm cảm ngày càng nhiều. Trong đó ngoài yếu tố hạnh phúc gia đình, thì công việc khó khăn, áp lực tài chính, xung đột quan hệ giữa con người với con người cũng khiến những người có “thần kinh yếu” suy nghĩ, âu lo.

Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng trầm cảm là một căn bệnh mà chỉ đơn giản là một trạng thái cảm xúc nên ít chia sẻ, ít chấp nhận mình mang bệnh. “Với những bệnh nhân thể nhẹ, chúng tôi đều khuyên họ cần gầy dựng một mối quan hệ đủ tin cậy để có thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, tránh chịu đựng đến mức phát bệnh. Đối với bệnh ở thể nặng như mất ngủ liên tục, rối loạn ăn uống, không kiểm soát được hành vi, ngoài sự theo sát của chuyên gia tư vấn và người thân, thì người bệnh còn phải uống thuốc theo đơn, tái khám định kỳ, được khuyến khích thường xuyên thư giãn, ra ngoài thiên nhiên, tránh nhốt mình trong phòng và tìm người bầu bạn”, bác sĩ Long nói.

Nếu chịu khó quan sát, có thể thấy rằng nhiều người trong chúng ta hiện nay đang bị áp lực công việc đè nặng, khiến họ ít cười, ít chia sẻ và sẵn sàng nhăn nhó, cáu bẳn hoặc phản ứng ngay lập tức nếu thấy điều không hợp ý với mình. Bác sĩ Trần Thiện Thanh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, việc thường xuyên theo dõi mạng xã hội facebook sẽ khiến con người nảy sinh sự so sánh, đố kỵ, dễ đặt ra những câu hỏi như “tại sao người ta làm được/đạt được/có được - mà mình không làm được”, hoặc “tại sao mình lại không hạnh phúc/không xinh đẹp/không giàu có như họ”.

Những cảm xúc tiêu cực này sẽ giết lần giết mòn con người, khiến họ áp lực, thất vọng về bản thân, từ đó xa lánh bạn bè, cộng đồng, thu mình lại trong thế giới cô đơn do chính mình tạo nên. Dù vậy, khi tiếp xúc với bác sĩ hay các chuyên gia tâm lý, không phải bệnh nhân nào cũng sẵn sàng kể ra câu chuyện của mình, điều này khiến cho quá trình điều trị kéo dài và không hiệu quả.

Thông qua người đồng nghiệp, chúng tôi biết đến Lee, một người đàn ông Hàn Quốc 57 tuổi đã tìm thấy hạnh phúc ngay tại Đà Nẵng, nơi ngày ngày ông đi dạy và bán quán ăn vặt Hàn Quốc tại địa chỉ 17 Nguyễn Thiếp, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Lee bảo, khi sang Đà Nẵng, ông cảm thấy cuộc sống trôi qua thật nhẹ nhàng, không bị áp lực về kinh tế, về các mối quan hệ trong xã hội, sống thoải mái không so bì, tị nạnh ai.

Điều này ông đã không tìm thấy được nơi chính quê hương của mình. Ở Hàn, sự phân biệt giàu - nghèo ảnh hưởng đến cả một đứa trẻ, học sinh chơi thành từng nhóm mà gia đình có sự tương đồng về kinh tế. Dù có phải đi vay tiền thì người ta cũng cố mua nhà, mua xe để cảm thấy không thua kém người khác. Kể từ khi chuyển tới Đà Nẵng sinh sống, gia đình ông đã thoát khỏi những áp lực vô hình trên và tâm trạng thoải mái mang lại cho họ một cuộc sống hạnh phúc hơn.

“Nói ra” chưa bao giờ là việc làm dễ dàng, tuy nhiên, ở bất kỳ hoàn cảnh hay độ tuổi nào, thì “nói ra” vẫn là nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Lựa chọn cách mở lòng chia sẻ sẽ giúp con người bớt cô đơn, bớt u sầu và hơn hết là bớt tạo áp lực cho bản thân cũng như học cách chấp nhận và hạnh phúc với những gì mình đang có.

TIỂU YẾN

.