Cuối tuần bên những thước phim xanh

.

Hơn một tháng nay, vào những tối cuối tuần, màn hình ti-vi tại ngôi nhà số 61 đường Thanh Tân (quận Thanh Khê) lại đều đặn chiếu những bộ phim tài liệu về môi trường và biến đổi khí hậu mà khán giả đa phần là những bạn trẻ có chung niềm đam mê bảo vệ môi trường.

Các bạn trẻ đang theo dõi phim tài liệu cuối tuần. Ảnh: HUYỀN TRÂM
Các bạn trẻ đang theo dõi phim tài liệu cuối tuần. Ảnh: HUYỀN TRÂM

Buổi tối thứ bảy tuần đầu tháng 11, đồng hồ đã điểm 8 giờ hơn, cũng là lúc phần thứ nhất của bộ phim Inside Bill’s Brain: Decoding Bill Gates (Bên trong bộ não của Bill: Giải mã Bill Gates) kết thúc. Ngay sau đó là cuộc thảo luận của những khán giả trẻ về nội dung và tầm quan trọng của môi trường được đề cập trực tiếp trong bộ phim. Buổi xem phim hôm ấy có sự góp mặt không chỉ của sinh viên mà còn có những người đã đi làm. Ở họ có điểm chung là đều dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

Ý tưởng cho hoạt động xem phim này đến từ chị Nguyễn Thị Anh Thư (SN 1990), đang công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Là một người có niềm đam mê phim tài liệu, thuộc chủ đề sức khỏe, văn hóa, đặc biệt là môi trường, chị Thư đã lập fanpage có tên gọi “Danang Documentary Nights – Xem phim tài liệu cùng nhau” để chia sẻ rộng rãi đến mọi người về hoạt động này với mong muốn thu hút nhiều bạn trẻ cùng đến xem phim, cùng trau dồi, bàn luận những thông tin mà phim đề cập. Hoạt động bắt đầu từ tháng 10-2019, đến nay đã có nhiều bộ phim ý nghĩa được trình chiếu mỗi cuối tuần.

Từ ý nghĩa và thông điệp trong những bộ phim tài liệu, chị Thư hy vọng những người trẻ sẽ quan tâm hơn nữa về môi trường xung quanh và nhận thức sẽ làm gì để bảo vệ nó trước sự ô nhiễm. “Mình rất vui vì buổi chiếu phim của bọn mình ngày càng nhiều người biết đến.

Sau mỗi tập phim, chúng mình lại cùng nhau bàn luận, trao đổi để bổ sung kiến thức môi trường cho nhau. Mình nghĩ, điều quan trọng là chúng ta có những kiến thức về môi trường và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của nó”, chị Thư chia sẻ.

Những bộ phim được chiếu từ hệ thống xem phim bản quyền Netflix, đa số đều có phụ đề tiếng Việt, có thể kể đến: Our Planet (Hành tinh của chúng ta); Cowspiracy: The sustainability secret (Âm mưu về bò sữa: Bí mật sự bền vững)... Mỗi một bộ phim là một câu chuyện về môi trường sống, gởi gắm tới người xem khung cảnh vĩ đại của thiên nhiên và cuộc sống sinh tồn của các loài vật, sự kết nối chặt chẽ giữa môi trường sống với sinh vật trong đó có con người.

Từ đó, người xem có thể hiểu được một hành động nhỏ của con người trên trái đất có thể tác động lớn đến các tảng băng ở vùng cực Bắc hay những con khỉ ở rừng núi xa xôi; hoặc đó có thể là câu chuyện về một túi ni-lông nhỏ phải mất hàng trăm năm để phân hủy.

Chia sẻ về nội dung những bộ phim được xem, bạn Lê Thanh Sơn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho hay: “Thay vì chỉ trích hay chiếu những cảnh đau buồn về sự thay đổi của môi trường, nhiều bộ phim đã chọn cách cho chúng ta thấy hành tinh của chúng ta đẹp như thế nào, từ đó tự khắc mỗi người sẽ thôi thúc mình cần phải làm gì để bảo vệ hành tinh xinh đẹp này”.

Anh Nguyễn Quốc Nghệ (SN 1991), công tác tại Công ty CP Thủy điện miền Trung cho biết, anh tình cờ biết hoạt động xem phim qua fanpage “Bọn mình thương rác”, một trang trên mạng xã hội Facebook chuyên đăng tải, chia sẻ các hoạt động bảo vệ môi trường. “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên. Thông qua những bộ phim, tôi thấy có sự tương đồng trong các vấn đề về môi trường, những cảnh quay phong cảnh thật đẹp, những con vật trong rừng bình yên vui sống nếu không có sự tác động quá nhiều từ phía con người”, anh Nghệ cho hay.

Để thu hút giới trẻ xem phim tài liệu là điều không dễ dàng trong thời đại hiện nay, bởi có quá nhiều bộ phim chiếu rạp hấp dẫn, mang nội dung tâm lý nhẹ nhàng, tình cảm, phù hợp lứa tuổi. Tuy vậy, bản thân chị Nguyễn Thị Anh Thư cũng như các thành viên nhóm “Bọn mình thương rác” vẫn hy vọng hoạt động chiếu phim này sẽ ngày càng lan tỏa để nhận thức của các bạn trẻ về bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao.

HUYỀN TRÂM
 

;
;
.
.
.
.
.