Đà Nẵng cuối tuần

Chuyện không của riêng ai

08:23, 03/11/2019 (GMT+7)

Tôi gặp T. (sinh năm 1990, trú quận Sơn Trà) khi T. vừa hoàn thành giải chạy bộ Phố Cổ (Hanoi Heritage Marathon) về. Nhìn cô gái tràn đầy sức sống, tươi trẻ, tự tin, không ai nghĩ T. từng có 3 năm dài chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.

“Em bắt đầu thấy mình khác mọi người vào khoảng năm thứ 3 đại học. Cái khác đó lúc ấy em rất khó gọi tên. Chỉ biết là em luôn thấy lạc lõng, cô đơn, không muốn tiếp xúc, không thể hòa đồng với ai. Trong đầu lúc nào cũng đông đặc với bản vẽ, số liệu, giáo trình, đồ án (T. học Trường Đại học K. Đà Nẵng - PV).

“Hãy cho trẻ có cơ hội chạm tay vào cuộc sống thực” là một trong những cách hạn chế trầm cảm ở trẻ. Trong ảnh: Cô Loan và các em học sinh trong một buổi trải nghiệm thực tế. (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Hãy cho trẻ có cơ hội chạm tay vào cuộc sống thực” là một trong những cách hạn chế trầm cảm ở trẻ. Trong ảnh: Cô Loan và các em học sinh trong một buổi trải nghiệm thực tế. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chuyện học làm em mệt mỏi, hụt hơi, em sợ mình không theo nổi. Từ nỗi sợ đó lại sinh ra nỗi sợ khác, sợ mình không tốt nghiệp được, sợ ra trường không có việc làm, sợ sẽ tiếp tục làm phiền ba mẹ khi mình đã lớn”, T. kể. Hồi đầu, thấy T. cả ngày lầm lì, ít nói hẳn, ba mẹ cũng nghĩ do T. bị áp lực học hành, vậy là mẹ bồi bổ nào thịt bò, cá tươi, yến sào… Bà cũng đưa T. đến bác sĩ để mua thuốc bổ não. Tình hình không cải thiện cho đến khi T. bước qua năm thứ 4 đại học.

Đã có lúc sợ nhìn thấy mọi người đến nỗi T. chui vào tủ quần áo và đóng cửa lại. Thậm chí, không ít lần T. nghĩ đến việc rạch tay bằng lưỡi dao lam. “Giai đoạn đó em luôn nhìn mọi thứ tiêu cực rất nhiều. Ví như em lên facebook thấy bạn bè đăng hình đi chơi, ăn uống vui vẻ thì em nghĩ: Tại sao họ được hạnh phúc như vậy còn mình thì không? Ngược lại, nếu thấy những hình ảnh đau lòng thì em lại nghĩ: Cuộc sống này sao đầy rẫy những chuyện khổ đau? Em cứ tự dằn vặt bản thân mình vì những chuyện không đâu như vậy. Đầu óc chẳng lúc nào yên. Đến khi vượt qua được nó, em mới biết gọi tên nó là bệnh trầm cảm”, T. nhớ lại giai đoạn đầy khó khăn đã qua.

Qua một người quen, tôi biết chuyện về P. (21 tuổi, trú quận Hải Châu). Cách đây hơn 1 năm, bác sĩ chẩn đoán P. bị rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorder). Đúng như tên gọi của căn bệnh, thời gian ấy P.  thay đổi tâm lý rất bất thường, lúc vui vẻ năng nổ (cực trên), lúc sầu thảm tiêu cực (cực dưới). Song đa phần thời gian P. ở “cực dưới”, không thích đi ra ngoài, không thích nói chuyện với ai trong nhà, suốt ngày ở với chiếc điện thoại. Gia đình đưa P. đến các bác sĩ có tiếng tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cũng không giải quyết được gì. P. vốn ham mê đọc sách, nhất là sách khám phá bản thân và hiểu bản thân mình, những lời động viên khích lệ của bác sĩ, vì thế P. từng đọc hết rồi, thành ra lời khuyên không còn tác dụng. Trong nhà có người bị bệnh nên không khí lúc nào cũng trầm mặc. Những lúc P. “trái tính trái nết”, cả nhà cũng mệt mỏi theo.

Đa số mọi người thường nghĩ, người mắc bệnh trầm cảm luôn cảm thấy “rất buồn”, nhưng thực tế, cả người trầm cảm cũng không rõ được cảm giác của họ. Trầm cảm thể hiện ra bên ngoài theo nhiều cách khác nhau, một số người thể hiện rõ, một số thì không. Có người hiểu về bệnh tình của mình, nhưng cũng có người mơ hồ về nó. Dù vậy, phải khẳng định, trầm cảm là một căn bệnh thuộc về tâm lý, nó không đơn giản như việc có bệnh uống thuốc là khỏi.

Khi đi tìm nhân vật cho bài viết này, tôi đến một phòng khám điều trị tâm thần trên đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê). Phòng khám có khá đông bệnh nhân, không biết có phải do trùng hợp không nhưng hôm tôi đến, bệnh nhân đa số là người trẻ, có người đi cùng mẹ, có người đi một mình. Trong lúc đợi người nhà khám, một phụ nữ lớn tuổi nói bâng quơ: “Sao giờ tụi trẻ dễ trầm cảm quá. Học hành nhiều cũng trầm cảm, ba mẹ khắt khe chút cho con nên người thì con cũng trầm cảm, ở với mẹ chồng khó tính cũng trầm cảm, sinh con xong cũng dễ trầm cảm…

Như mình hồi xưa khổ cực trăm bề, đi làm đầu tắt mặt tối, về nhà là lao vào cơm nước, giặt giũ, lo cho con ăn uống, học hành, chồng lại đi biền biệt. Mình cũng chẳng có được cái gì gọi là giải trí về tinh thần. Mà hồi nớ có thấy ai trầm cảm chi đâu?”. Những người xung quanh đều gật gù đồng tình. Một người khác cảm thán: “Tụi nhỏ bây giờ bị nỗi ám ảnh về điểm số, khao khát xây dựng hình ảnh của bản thân.

Cứ lên mạng xã hội là tụi nó “tốt khoe, xấu che”, đến khi ngoài đời không được như ý thì thất vọng, hụt hẫng, dẫn đến chán nản. Những lời bình luận của người không quen biết cũng khiến tụi nó âu sầu, suy nghĩ. Mà đâu có dễ đứa nào chia sẻ với cha mẹ. Tâm trạng tiêu cực cứ kéo dài ngày này qua ngày khác, trở nên khó vượt qua hơn, thậm chí không thể vượt qua được nữa, nó trở thành bệnh chứ sao”.

Hành trình chữa bệnh

T. kể, khoảng thời gian bất ổn về tâm lý, cô không tìm được ai để chia sẻ, hoặc là mọi người trong gia đình đều muốn chia sẻ, nhưng T. không hợp tác. Kể cả khi được mẹ dẫn đến gặp bác sĩ tâm lý, T. cũng rất khó chia sẻ với họ, cảm giác như đó là người hoàn toàn xa lạ, không hề hiểu mình. Bác sĩ nhìn vào các triệu chứng, nhóm các bệnh nhân lại thành từng nhóm rồi kê đơn thuốc. “Em nghĩ thuốc không phải là không có tác dụng. Thuốc bổ sẽ làm mình khỏe mạnh lên. Thể chất đi lên đồng nghĩa tinh thần cũng sẽ có chuyển biến.

Dù vậy, em nghĩ, tâm bệnh thì phải chữa bằng tâm dược. Em may mắn có gia đình kề bên, nếu không có ba, mẹ, em trai thì em không thể vượt qua được giai đoạn tồi tệ ấy”, T. chia sẻ. Trong câu chuyện kể với tôi, T. nhấn mạnh nhiều lần rằng, cô thật may mắn. T. biết chuỗi ngày mình bệnh, cả nhà đều mệt mỏi nhưng cố giấu. Ba mẹ lúc nào cũng tạo không khí vui vẻ bằng những bữa cơm ngon, những câu chuyện xưa cũ của cả gia đình.

Ba mẹ rủ T. đi chỗ này chỗ kia chơi. Ngày T. bảo vệ đồ án, cả nhà đều đến dự với tâm thế thoải mái, động viên, cổ vũ hết mình. “Sau này em mới biết, mẹ đã đến gặp Ban Chủ nhiệm khoa trình bày về bệnh tình của em. Các thầy cô trong khoa đều rất thông cảm. Không khí trong buổi bảo vệ rất gần gũi, thân thương khiến tinh thần em phấn chấn hẳn. Nghĩ lại, em thương mẹ thật nhiều”, T. bộc bạch.

So với T. thì P. hiểu bệnh tình của mình hơn. Sau lần uống thuốc bác sĩ kê khiến cơ thể ngủ li bì 2 ngày, P. chủ động ngừng thuốc. P. thừa nhận với cả nhà rằng mình đang gặp vấn đề về tâm lý, đó thực sự là một căn bệnh, não của người bệnh vận hành không giống bình thường.

Vốn là một người thông minh, thích đọc sách, thời gian đó, P. chọn đọc nhiều sách về tôn giáo rồi tự chọn cho mình một “tôn giáo ưa thích” là đạo Phật (dù vẫn không theo đạo). P. bắt đầu đi chùa. Dần dần, P. hiểu được những nguyên lý của cuộc sống. Những bài học trong sách Phật được cô gái trẻ quy chiếu sang cuộc sống của mình. P. bắt đầu buông bỏ các mối quan hệ tiêu cực. Điều này khá khó khăn, bởi P. đang phải sống một mình xa nhà, gia đình không giúp cô nhìn ra đâu là quan hệ tiêu cực, đâu là quan hệ tích cực. May thay, P. có vài người bạn thân tử tế.

Mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý người trẻ

Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội là nhu cầu thiết yếu không chỉ có ở giới trẻ mà ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Tuy nhiên, thực tế, hiện có rất nhiều bạn trẻ dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, kể cả khi họ đang ngồi nói chuyện cùng bạn bè, ăn cơm với gia đình hay đang học tập. Họ bị cuốn vào những câu chuyện, thông tin có thể chính xác hoặc không chính xác trên mạng xã hội; họ vui buồn cùng mạng xã hội và dành cảm xúc thật với thế giới ảo. Đó cũng chính là lý do nhiều chuyên gia tâm lý đồng tình với quan điểm mạng xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm cho giới trẻ hiện nay.

Trên trang facebook cá nhân, cô Phạm Thị Thùy Loan (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, người mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho học sinh) chia sẻ câu chuyện: “Có một phụ huynh từng chia sẻ với tôi rằng, con của bà dạo này bỗng lầm lì, không chơi với ai, dễ nói lời tức tối, thô tục với mọi người xung quanh kể cả người nhà. Bà bắt đầu thấy lo lắng và chia sẻ việc này với chồng. Chồng bà cho rằng vấn đề này chẳng sao cả, cả tuổi thiếu niên của ông cũng không chơi thân với ai và giờ ông vẫn chẳng sao. Tôi nói với bà: Trước đây ba của cháu có thể không chơi với ai nhưng quá trình đi học ông có thể nhìn thấy nhiều điều quanh cuộc sống. Bước ra cửa ông còn có thể nhìn thấy trời đất, cỏ cây, thấy những rung chuyển của thiên nhiên hoặc khi làm việc nhà ông có thể chạm tay, chạm những cảm xúc của mình vào lúa, gạo, rau, tôm, cá…

Còn bọn trẻ bây giờ, đường đi học phía trước mặt là lưng mẹ, hai bên là những hình ảnh vụt qua, về nhà tay chạm vở, điều khiển ti-vi, điện thoại thông minh…, tất cả trong 4 bức tường. Mở cửa sổ thì con úp mặt vào bờ tường nhà hàng xóm, bước chân ra có thể là bụi bặm, kiệt hẻm với những dây nhợ chằng chịt… Con chẳng được đi đâu, chẳng được tiếp xúc với ai. Những cái đó tác động vào mắt con, vào tay, vào não con làm con bí bách, rối rắm và con đang có hiện tượng trầm cảm…”.

Cô Loan chia sẻ thêm: Nếu như trước đây, các bạn trẻ tham gia nhiều hoạt động xã hội trong quá trình học tập, rèn luyện và làm việc nhà thì hiện nay các bạn đang giảm dần thời gian tương tác với các hoạt động thực tế. Thời gian học tập nhiều, cơ hội trải nghiệm cuộc sống ít lại nên người trẻ thường tìm đến mạng xã hội để nhanh chóng có được cảm giác giải trí. Tuy nhiên, quá trình đó luôn có hai mặt và có nguy cơ đẩy các bạn vào tình trạng suy nghĩ một chiều, không được chia sẻ thực, dễ rơi vào cảm giác bức bối, u uất không lối thoát.

Stress trong cuộc sống của các bạn tăng lên và ở mức độ không kiểm soát được nữa thì các bạn bị trơi vào trầm cảm. “Tôi hy vọng rằng, người lớn đừng so sánh cuộc sống của mình trước đây với cuộc sống của trẻ. Hãy cho trẻ có cơ hội chạm tay vào cuộc sống thực, cho trẻ cơ hội được giao lưu, học tập, trải nghiệm thực để con trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn, biết sử dụng mạng xã hội trong thời gian phù hợp, đáp ứng đủ nhu cầu tra cứu, học tập, giao lưu với những ý nghĩa tích cực mà mạng xã hội mang lại”, cô Loan chia sẻ.

Quỳnh Trang
 

.