Xây dựng Trường học hạnh phúc: Khi thầy cô là bạn đồng hành

.

Để câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, bằng những nỗ lực cũng như những tâm huyết và sự sáng tạo của thầy cô giáo, các trường học đã vun đắp để xây dựng một môi trường học đường mà ở đó, học sinh (HS) thực sự tìm thấy niềm vui khi đến trường thay vì những áp lực từ bài vở, điểm số…

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) chia sẻ kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc mà các trường ở Đà Nẵng đang hướng đến. Ảnh: H.T
Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) chia sẻ kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc mà các trường ở Đà Nẵng đang hướng đến. Ảnh: H.T

Dạy học theo hướng phân hóa

Trong hai năm học lớp Một và lớp Hai, em Q. Ph, HS Trường tiểu học Ngô Gia Tự (Quận Sơn Trà) chỉ học chung với các bạn cùng lớp 7 buổi/tuần, 3 buổi còn lại, Ph. học tại phòng sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) đặc biệt dành cho những HS khó khăn về học. Ph. gặp phải hội chứng khó khăn về học, gần hết học kỳ I của năm học lớp Một, em không thể nhớ nổi các chữ cái nên chuyện ghép vần là vượt quá khả năng của em. “Bằng nhiều phương pháp như gắn chữ cái vào các trò chơi, dụng cụ trực quan, phóng to những chữ khó dán lên tường… cho đến cuối tháng 8, khi HS tựu trường thì Ph. cũng đủ điều kiện để lên lớp Hai”, cô Nguyễn Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Gia Tự chia sẻ.

Căn phòng dành riêng cho CLB đặc biệt sinh hoạt của Trường tiểu học Ngô Gia Tự cũng được trang bị những phương tiện, đồ dùng học tập đặc biệt. “Nếu để cho những HS này tham gia đầy đủ 10 buổi/tuần học chung với các bạn thì lượng kiến thức mà các em tiếp nhận được cũng không thay đổi được bao nhiêu, chưa kể là sẽ khiến cho các em cảm thấy căng thẳng, áp lực. Trong khi đó, những kỹ năng khác các em cũng thiếu hụt nhiều nên nhà trường dành 3 buổi học tại CLB nhằm giúp HS học hòa nhập đúng với khả năng mà mình có và có điều kiện để tham gia giáo dục cá nhân phù hợp”, cô Kim Bình chia sẻ.

Mô hình CLB đặc biệt dành cho những HS khó khăn về học được Trường tiểu học Ngô Gia Tự duy trì 4 năm nay. Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thường gần kết thúc học kỳ I, Ban Giám hiệu cùng với giáo viên (GV) chủ nhiệm khối lớp Một chọn ra những em có khó khăn về học để phụ đạo thêm cho các em lúc GV trống tiết hoặc cuối giờ. “Chúng tôi biết nhiều phụ huynh không đủ can đảm để đối diện với sự thật là con mình rơi vào trường hợp khó khăn về học. Có phụ huynh đã khóc khi nghe nhà trường mời lên để thông báo kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ của trường đối với con mình”, cô Bình nói.

Từ hiệu quả của năm đầu thí điểm, sang năm học 2016 – 2017, đầu tháng 10, nhà trường “lọc” ra 17 em thuộc diện khó khăn về học, đưa các em đi khám. “Việc đưa HS đi khám chỉ để nhà trường có căn cứ xây dựng phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm sức khỏe, năng lực của từng HS. Chúng tôi chủ trương với những HS này, GV phải quan tâm, yêu thương nhiều hơn, khích lệ đến từng tiến bộ dù là nhỏ của các em”, cô Bình cho biết.

GS Hà Vĩnh Thọ, nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc dân Butan tại Hội thảo Trường học Hạnh phúc ở Việt Nam – Giấc mơ trở thành hiện thực được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh tháng 10 năm 2018 đã chia sẻ rằng, với trường học hạnh phúc thì GV phải nhìn thấy được những thành công và phẩm chất mà các em có chứ không phải là nhìn thấy thứ mà HS mình đang thiếu, đang yếu. Để xây dựng trường học hạnh phúc đôi khi chỉ cần HS được tạo điều kiện để hiện thực hóa các ý tưởng của mình ngay tại trường học, ví dụ như Ngày hội sáng chế, các CLB các môn văn hóa, năng khiếu… Hay chỉ đơn giản như HS Trường tiểu học Núi Thành (Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vào ngày thứ tư hằng tuần đều không phải mặc đồng phục mà mặc tự do.

Lắng nghe và chia sẻ

Dự án “Trường học hạnh phúc tại Việt Nam” được xây dựng từ mô hình Happy School của UNESCO, ứng dụng mô hình học tập và cảm xúc xã hội. Dự án kỳ vọng hướng đến mục tiêu phát triển một khung chương trình rõ ràng và các phương pháp thực hành kỹ năng hạnh phúc cho hệ giáo dục tại Việt Nam, từ mầm non cho đến khi trưởng thành để “gieo mầm” hạnh phúc trong nhà trường. Dự án đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam phê duyệt.

Học sinh trường vùng trung tâm thành phố và học sinh vùng khó Hòa Bắc tặng quà cho nhau trong lễ phát động chương trình Ngày yêu thương năm 2018. Ảnh: H.T
Học sinh trường vùng trung tâm thành phố và học sinh vùng khó Hòa Bắc tặng quà cho nhau trong lễ phát động chương trình Ngày yêu thương năm 2018. Ảnh: H.T

GS. Hà Vĩnh Thọ cho rằng “Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và xử lý các cảm xúc mạnh mẽ là những kỹ năng đầu tiên để giáo dục các em. Để lan truyền được những cảm xúc tích cực đó, trước hết GV phải luôn mang trong mình cảm xúc tích cực. Nói cách khác, đó phải là một người GV hạnh phúc. Và điều quan trọng nhất đó là GV phải dám chấp nhận thay đổi mình”. Theo đó, muốn có trường học hạnh phúc thì GV phải thực sự hạnh phúc, sống tích cực, vui vẻ để truyền năng lượng tích cực ấy cho mọi người xung quanh. “Có 3 điều cần lưu ý để lớp học thực sự là niềm vui. Đó là cần chăm sóc cho chính bản thân mình, kế đến là chăm sóc cho người khác và xã hội, sau cùng là chăm sóc thiên nhiên. Nhiều nhà giáo đang kiệt sức vì làm việc quá tải, do đó cần chăm sóc sức khỏe cho mỗi người thầy. Sau đó, mỗi GV cần học cách lắng nghe học sinh. Cuối cùng, cần cho HS tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên để bình tĩnh, vui vẻ hơn”, GS Hà Vĩnh Thọ lưu ý. Các trường học ở Đà Nẵng, dù đã đạt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia hay chưa, đều đang cố gắng nỗ lực xây dựng và duy trì mô hình trường học xanh như là một cách để kết nối HS với thiên nhiên.

Trong nỗ lực giảm bớt áp lực và cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, 2 năm trở lại đây, ngành giáo dục Đà Nẵng đã tiến hành rà soát để loại bỏ khoảng 50% các cuộc thi không cần thiết tổ chức trong các trường học. Ngoài giảm thiểu tối đa hồ sơ sổ sách, báo cáo, thống kê, hội họp… Những cuộc họp không cần thiết thì sẽ được trao đổi qua Internet, tin nhắn; tích hợp, lồng ghép một số cuộc họp với nhau để đỡ tốn thời gian, công sức đi lại của GV. Sở cũng xem xét loại bỏ các loại hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho GV, HS. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Đà Nẵng chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học, quản lý giáo dục để GV tập trung vào công tác chuyên môn. Ban giám hiệu nhiều trường học không “giao khoán” cho GV chủ nhiệm phải theo dõi và đốc thúc các khoản tiền trường để GV chuyên tâm vào công tác chuyên môn.

Cũng theo bà Lê Thị Bích Thuận, năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục và đào tạo Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực tạo môi trường giáo dục để HS có điều kiện phát triển toàn diện. “Tùy theo điều kiện của mình, các trường học sẽ đẩy mạnh và thực hiện đa dạng các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo dưới nhiều hình thức như câu lạc bộ, sân khấu tương tác, dã ngoại, hội thi,... tổ chức thường xuyên theo chủ đề từng tháng để các em có cơ hội tham gia, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cho bản thân. Với những nội dung bài học phù hợp, giáo viên tổ chức cho HS học tập ngoài trời như quan sát vườn trường, hoạt động trò chơi nhỏ liên hoàn, thực hành các kỹ năng sống, miêu tả cây cối, trường lớp, tập giới thiệu về ngôi trường của mình, ... hoặc tổ chức cho HS đi trải nghiệm thực tế như đến thăm khu di tích lịch sử, tham quan danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống địa phương...; mời cảnh sát phòng cháy chữa cháy về tập huấn cho HS kỹ năng xử lý khi có thảm họa”, bà Thuận chia sẻ.

Tiếp nối thành công của chương trình Ngày yêu thương tổ chức liên tiếp trong hai năm 2017, 2018, năm học 2019 – 2020 này, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chủ trương tiếp tục duy trì việc khuyến khích các trường học và HS tự xây dựng những chương trình đồng hành nhân đạo để chia sẻ khó khăn về vật chất, tinh thần với những bạn bè gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đây, đã có nhiều HS tiêu biểu trong phong trào Giúp bạn đến trường, HS học được tinh thần tương thân tương ái, biết quan tâm, chia sẻ, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, bạn bè…

Hà Trần
 

;
;
.
.
.
.
.