Người Hàn ở thành phố bên sông Hàn

.

Dù phải trao đổi qua cô phiên dịch, nhưng tôi cảm nhận được ở ông vẻ chân tình, sự gần gũi. Ông cười hồn hậu khi nói về nơi mình đang sống: “Tôi sẽ sống luôn ở Đà Nẵng cho đến hết đời, trừ trường hợp không được phép nữa.

Ông là Park Sang Pil, Giám đốc chuỗi Siêu thị K-Market tại Đà Nẵng và Hội An.

GS.TS Lee Chando (giữa): Mỗi sáng tôi đều theo dõi phiên bản Tiếng Anh của Báo Đà Nẵng Online trên Internet. Ảnh: V.T.L
GS.TS Lee Chando (giữa): Mỗi sáng tôi đều theo dõi phiên bản Tiếng Anh của Báo Đà Nẵng Online trên Internet. Ảnh: V.T.L

Quê hương thứ hai

Park ban đầu sống ở Hà Nội, vào Đà Nẵng thấy chưa có mô hình K-Market, ông bèn làm thử với Siêu thị K-Market đầu tiên được mở vào năm 2013 trên đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà. Chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, nước giải khát nhập khẩu từ Hàn Quốc, K-Market có lượng khách hàng khá đông, người Việt và người Hàn với tỷ lệ 50-50.

Thành công ngoài mong đợi, ông mở tiếp nhiều siêu thị vệ tinh khác trên đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Bạch Đằng, khách sạn Golden Bay, Bà Nà (Đà Nẵng), đường Cao Hồng Lĩnh, khách sạn The Pearl Hoi An (Hội An). Sắp tới sẽ mở thêm 5 cơ sở nữa tại Đà Nẵng.

Khi được hỏi, ngoài kinh doanh, ông còn có các hoạt động nào khác với cộng đồng người Hàn Quốc tại Đà Nẵng, Park Sang Pil đưa ra tấm danh thiếp ghi chức danh của mình: Trợ lý Lãnh sự Hàn Quốc tại miền Trung.

Rồi ông kể, trong lúc chờ Chính phủ Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Đà Nẵng, ông quan tâm đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ người Hàn tại Đà Nẵng, trong đó tiêu biểu nhất là vụ 14 khách du lịch Hàn Quốc bị tai nạn giao thông hồi trung tuần tháng 2 năm nay tại đường dẫn phía nam Hầm đường bộ Hải Vân. Mọi người được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng, chính quyền thành phố giúp đỡ để họ được về nước an toàn.

Thời thơ ấu, Park từng sống ở Philippines, đất nước vừa có núi vừa có sông, có biển-một cảnh quan môi trường mà ông luôn mơ ước. Đến Đà Nẵng lần đầu vào năm 2007, ký ức tuổi thơ trong ông ùa về và ông thầm nhủ, giá như được sống ở thành phố thiên nhiên tươi đẹp này thì quả là... đáng sống! Và, như người Việt thường nói, “cầu được ước thấy”, 4 năm sau đó ông chính thức sống ở Đà Nẵng và bắt tay vào xây dựng Siêu thị K-Market đầu tiên tại đây.

Dù phải trao đổi qua cô phiên dịch, nhưng tôi cảm nhận được ở ông vẻ chân tình, sự gần gũi. Ông cười hồn hậu khi nói về nơi mình đang sống: “Tôi sẽ sống luôn ở Đà Nẵng cho đến hết đời, trừ trường hợp không được phép nữa. Minh chứng cho điều này, ông khoe rằng mình vừa kết thúc 4 tháng học lớp dự bị Tiếng Việt tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, nếu thi đỗ, ông sẽ chính thức làm sinh viên của trường, dành 4 năm để học tiếng nói làm “người Đà Nẵng”. Ông tặng học bổng cho sinh viên khoa Tiếng Hàn tại trường, hỗ trợ các hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng, tổ chức các đợt từ thiện...

Ông nói, nếu chọn một khẩu hiệu (slogan) cho Siêu thị K-Market thì sẽ là “Chúng ta là Một”. Một nền văn hóa tương đồng, một tình hữu nghị bền vững. Đó là tâm tình của một người Hàn Quốc chọn thành phố bên sông Hàn này làm quê hương thứ hai của mình.

Biển và chữ Nhân

Yu Kyoungae sinh ra ở Seoul, nơi không có biển nên đâm ra... yêu biển, từng ước mơ được sống gần biển trong một căn nhà nhìn ra biển. Ở Hàn Quốc, điều này là không thể, bởi phải bỏ ra một số tiền rất lớn. Cũng như người đồng hương Park Sang Pil, cô đến Đà Nẵng và nhanh chóng “phải lòng” với núi, sông, biển nơi này. Từ nhà cô đang ở, đi bộ chỉ 5 phút là ra đến biển Mỹ Khê.

Qua phiên dịch của cô Nguyễn Hà Phương, giảng viên dạy Tiếng Hàn tại Trường CĐ Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn, Yu cho biết khi được tin mình sẽ được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cử sang Việt Nam, cô nghĩ ngay đến một cái tên cho riêng mình khi đến đất nước nằm bên bờ Biển Đông này: Biển. Trong mắt cô, Đà Nẵng là điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, được nhiều người Hàn Quốc đến thăm.

Lúc đầu, cô được cử đến một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, giờ chót lại chuyển về Đà Nẵng. Cô hơi lo, bởi Đà Nẵng không lớn bằng TP. Hồ Chí Minh, có khi mình sẽ bất tiện hơn trong sinh hoạt. Nhưng khi đến thành phố biển này rồi, cô cảm thấy yên tâm với một thiên nhiên kỳ thú như cô từng ước mơ và yêu thích. Thêm vào đó, được tiếp xúc với con người thân thiện, chân chất cô cảm thấy được đổi từ TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng là một điều may mắn.

Với cô, Đà Nẵng gợi lên bao điều đáng yêu: “Xa nhà sống một mình, lúc đầu tôi cảm thấy cô độc. Gần biển nhưng không phải ngày nào cũng ra được với biển. Nhưng cảm giác gần biển, đắm mình trong hương biển làm tôi vơi bớt cô đơn”.

Lúc Yu mới đến, cô Võ Thị Thanh Ngà, Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ, khoa Cơ bản của Trường CĐ Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn, dành riêng một ngày để đưa cô đi mua sắm các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Cô Ngà thậm chí còn bày cho cô một số mẹo vặt để tránh bị hớ giá khi đi mua sắm ở chợ.

“Cũng may là nhà cô Ngà ở gần nhà tôi nên mọi việc cũng rất thuận tiện. Tôi càng yêu quý cô hơn khi cô gọi tôi là “sister”, một từ tiếng Anh xưng hô thân mật trong gia đình. Tôi yêu mọi người. Tôi yêu Đà Nẵng. Và tên tôi là Biển”.

Ông Park Sang Pil (phải) mong muốn học thêm tiếng Việt để thành “người Đà Nẵng”Ảnh: V.T.L
Ông Park Sang Pil (phải) mong muốn học thêm tiếng Việt để thành “người Đà Nẵng”Ảnh: V.T.L

Đồng hương của cô Yu là GS.TS. Lee Chando, cũng đang công tác ở Trường CĐ Công nghệ thông tin Hữu Nghị Việt – Hàn. 14 năm trước ông từng đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy chuyên ngành của ông là nghiên cứu về AI (trí tuệ nhân tạo), nhưng vừa qua ông hướng dẫn các giảng viên Khoa CNTT ở trường về lập trình điện thoại di động.

Ông không có nhiều bạn bè Hàn Quốc ở Đà Nẵng, chủ yếu là giao lưu với người Việt Nam. Cuối tuần ông đạp xe đạp trên dưới 20km, hoặc lên tới đỉnh núi Sơn Trà, hoặc vào tận phố cổ Hội An. Trước đó, ông còn dành thời gian đi tìm hiểu một số nơi như Bà Nà, Huế... Để có thể giao lưu, tìm hiểu đời sống của người Việt, ông đăng ký vào CLB Tennis của trường, vừa rèn luyện thể thao, vừa có dịp gặp gỡ, chuyện trò với người Việt trong và ngoài trường.

Ông ở tại khu nội trú dành cho giảng viên. Ngoài giờ hành chính làm việc ở trường, buổi tối ông ít ra ngoài, tập trung cho việc viết thư pháp. Ông thích nhất chữ Nhân (仁). Ông là người hướng nội, có xu hướng chia sẻ những gì mình có cho người khác: “Tinh thần chữ Nhân đó là xuất phát điểm cho công việc của tôi ở trường. Ở Đà Nẵng, tôi không quen biết nhiều, nhưng sẵn sàng chia sẻ các kỹ năng chuyên môn về AI cho mọi người. Nếu cần, xin hãy gọi cho tôi”.

Nghe tôi đến từ Báo Đà Nẵng, ông nói mỗi sáng ông đều theo dõi phiên bản Tiếng Anh của Báo Đà Nẵng Online (Danang Today) trên Internet. “Hy vọng bài báo này cũng sẽ được chia sẻ lên đó để bạn bè tôi ở Hàn Quốc hiểu rõ hơn về công việc của chúng tôi ở Đà Nẵng”, ông cười.

Hơn 10.000 người Hàn Quốc sinh sống tại Đà Nẵng

Theo bà Mai Huỳnh Thị Dung, chuyên viên Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng hiện có 10.758 người Hàn Quốc đang sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Đại hội lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2019-2024) Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng hôm 28-6 vừa qua, ông Park Seong Lim - Chủ tịch Cộng đồng người Hàn tại miền Trung - chia sẻ rằng đây là một con số đáng kể, chứng tỏ thành phố Đà Nẵng là một điểm đến thu hút.

Nhiều người Hàn Quốc đang sinh sống tại Đà Nẵng mong muốn làm được những việc hữu ích cho bản thân và cộng đồng, nhưng gặp khó khăn về thủ tục hành chính hoặc ngôn ngữ. Ông hy vọng, Hội Hữu nghị Việt - Hàn thành phố sẽ hỗ trợ họ để đóng góp nhiều hơn nữa cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.