Không chỉ Tắk Pổ…

.

Những ngày này, câu chuyện về điểm trường Tắk Pổ qua lời kể của cô giáo trẻ Trà Thị Thu xuất hiện khắp nơi: từ mặt báo đến truyền hình rồi mạng xã hội. Một làn sóng những sự hỗ trợ đã nhanh chóng đến với điểm trường khó khăn của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) này, nhưng nếu Tắk Pổ được mọi người biết đến thì hàng ngàn điểm trường khác vẫn đang lặng lẽ khuất mình trong những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc.

Niềm vui khi nhận quà của những đứa trẻ Lăng Lương là phần thưởng lớn nhất đối với các bạn trẻ làm công tác thiện nguyện. Ảnh: L.D.T
Niềm vui khi nhận quà của những đứa trẻ Lăng Lương là phần thưởng lớn nhất đối với các bạn trẻ làm công tác thiện nguyện. Ảnh: L.D.T

Sau bài viết và những hình ảnh về điểm trường Tắk Pổ của cô Trà Thị Thu xuất hiện trên báo vào sáng ngày khai giảng 5-9, tối hôm đó chúng tôi lên mạng kêu gọi sự chung tay của các anh chị là doanh nhân, cán bộ, công chức ở Đà Nẵng thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Sở Công thương Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Và sau 2 ngày chuẩn bị quà, ngày 8-9 chúng tôi lên đường đến xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Xin đừng chỉ tập trung vào Tắk Pổ

Chỉ trước khi khởi hành gần 24 giờ tôi mới liên lạc được với cô Thu, sau khi phải nhờ từ Tỉnh Đoàn Quảng Nam đến Đoàn xã Trà Tập giới thiệu. Từ ngày khai giảng, mỗi ngày cô Thu phải nghe hàng chục cuộc gọi đến đề nghị hỗ trợ, thậm chí mọi người còn đang bàn nhau để xây một ngôi trường khang trang, kiên cố ở Tắk Pổ!

Chúng tôi, cũng như những đoàn hỗ trợ khác, ngay sau khi đọc bài viết về Tắk Pổ đã lập tức phát động kêu gọi đến những người bạn, đến cơ quan, đơn vị chúng tôi đang công tác, đến những mối quan hệ xã hội khác để đem đến một món quà Trung thu cho các cháu. Mọi thứ đều diễn ra đúng như kế hoạch: tiền hỗ trợ các cháu liên tục đổ về, các phần quà được gửi đến, thầy hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) liên hệ để tặng 40 bộ bàn ghế…

Khi tôi ngỏ ý đến thăm và tặng quà cho các cháu ở điểm trường Tắk Pổ, cô Thu tâm sự thật lòng: “Mọi người xin đừng chỉ tập trung vào Tắk Pổ, xung quanh vẫn còn nhiều nơi khó khăn lắm. Mọi sự hỗ trợ đối với Tắk Pổ đều đáng được trân trọng, nhưng sẽ là hoàn hảo hơn nếu tất cả những điểm trường khác cũng được san sẻ ít nhiều…”.

Chúng tôi cảm thấy hoang mang sau cuộc nói chuyện với cô Thu, rồi sau đó là cô Trà Thị Lệ, Hiệu trưởng trường mẫu giáo Phong Lan. Các cô cảm ơn sự hỗ trợ, nhưng hy vọng chúng tôi dành những phần quà đã chuẩn bị cho các cháu ở những nóc khác ở Trà Tập vì đã có khá nhiều đoàn đến với Tắk Pổ rồi... Vài giờ trước khi khởi hành, chúng tôi quyết định bên cạnh Tắk Pổ, sẽ chuẩn bị thêm quà cho các cháu ở nóc Lăng Lương gần đó.

Những tưởng mọi thứ sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch, nhưng đến khi đặt chân đến bìa rừng để đi bộ vào Tắk Pổ, thì kế hoạch lại tiếp tục bị thay đổi. Chẳng là, khi chúng tôi vừa dỡ quà xuống xe thì bắt gặp anh trưởng nóc Răng Chuỗi - một nóc ở sâu hơn trong rừng, đứng bối rối gần đó cùng với nhiều người dân với ánh mắt đượm buồn, luôn hỏi: “Thế không có gì cho bọn trẻ ở Răng Chuỗi à?”.

Chúng tôi lúc đó đỏ mặt và không dám nhìn vào ánh mắt anh nóc trưởng trạc tuổi 35 đó. Phải làm sao, khi chúng tôi không hề biết đến và chuẩn bị quà cho Răng Chuỗi? Chúng tôi hội ý nhanh và quyết định thay đổi toàn bộ kế hoạch: chuyển số quà dự kiến tặng các cháu Tắk Pổ cho các cháu ở Răng Chuỗi, tuy nhiên, vì quãng đường quá xa và hiểm trở (sẽ mất gần 4 giờ đi bộ băng rừng để đến được nơi đó) nên chúng tôi đành nhờ các anh đưa quà về Răng Chuỗi cho các em, đành tiếc nuối từ chối lời mời của anh nóc trưởng và quyết định sẽ chỉ đến Lăng Lương.

Câu chuyện cổ tích giữa rừng

Hành trình 2 tiếng đồng hồ đến với Lăng Lương trông có vẻ nhẹ nhàng hết sức với những người Ca Dong vốn đã quen theo mẹ leo núi từ… trong bụng mẹ, nhưng với những người sống ở thành phố như chúng tôi thì thật không hề dễ dàng chút nào. Có lẽ hình ảnh mà tôi nhớ nhất trong chuyến hành trình (tất nhiên không phải là hơn một tá lần chúng tôi… chụp ếch khi cơn mưa bất chợt đổ xuống trên đường quay về) chính là cảnh những đứa bé Ca Dong vô tư vui đùa ở một dòng suối ngay trên sườn một ngọn núi bên rìa dãy Ngọc Linh. Những cảnh tượng hồn nhiên, trong trẻo kia, chắc có lẽ tôi sẽ khó mà quên được.

Đường  đi khá khó, nhưng động viên nhau, chúng tôi, những người trước đây không hề biết nhau, đã đến được điểm trường nơi cô giáo Đinh và hơn 30 cháu nhỏ từ 3 đến 10 tuổi đang dạy và học.

Những mệt mỏi được xua tan nhanh chóng. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc phát quà cho các cháu: một ít bánh kẹo, một ít sách vở, thêm cái lồng đèn, cộng với vài hộp sữa, gói mì… nhưng đó là cả một bầu trời niềm vui với cả trẻ con và người lớn ở cái nóc xa xôi này. Khi được hỏi về những nỗi vất vả, cô Đinh, người mà tôi chỉ kịp biết tên, cười xoà: “Ban đầu thì hơi vất vả, nhưng dần dần rồi cũng quen, cứ vài tuần em lại xuống núi để mua nhu yếu phầm, hoặc nếu không đi được thì nhờ người dân mua giúp…”.  Tôi lặng người đi, một phần vì cảm phục nghị lực của cô giáo trẻ, nhưng quan trọng là qua đôi mắt cô, tôi thấy được tình yêu với công việc, với những đứa trẻ Ca Dong, với điều mà chúng ta hằng ngày cứ nói hoài: sự nghiệp giáo dục – sự nghiệp trồng người.

Chia tay cô Đinh, bọn trẻ và người dân nóc Lăng Lương hiền hậu, chất phác, chúng tôi tự hứa rằng sẽ sớm thôi sẽ quay trở lại, với những chiếc áo ấm, đệm chăn… để bà con sẽ có thêm chút ấm áp, để mùa đông sắp tới qua nhanh.

Đoàn 13 cán bộ, giảng viên thuộc Vườm ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Sở Công thương, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tặng quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở các nóc của người Ca Dong tại xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, với 65 suất quà (34 suất cho nóc Lăng Lương và 31 suất cho nóc Răng Chuỗi) với giá trị mỗi suất quà là 300.000 đồng. Trường ĐH Sư phạm tặng 40 bộ bàn ghế đơn cho các điểm trường tại xã Trà Tập.

Lưu Duy Trân

 

;
;
.
.
.
.
.