Hiểu đúng, không đáng sợ

.

HIV/AIDS làm suy giảm hệ miễn dịch và vẫn được khoa học xem là căn bệnh thế kỷ của nhân loại. Thế nhưng, giờ đây, xin được khẳng định: HIV dù nguy hiểm nhưng không còn đáng sợ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những câu chuyện buồn…

Phải qua rất nhiều lần nhắn tin trao đổi, trò chuyện qua điện thoại, tôi mới gặp được S. (30 tuổi, người nhiễm HIV). “Em khai với trung tâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố-PV) là em ở phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) nhưng thực chất em không trú tại đó.

Chị đừng hỏi em ở đâu em không trả lời đâu”, S. nói khi trên mặt vẫn bịt kín 2 lớp khẩu trang. S. mặc quần jean, áo chống nắng dài tay, kín mít từ đầu đến cuối, chỉ để lộ đôi bàn tay gầy gò nổi những đường gân trắng xanh.

S. khai với trung tâm, em mắc HIV khi đi làm móng tay móng chân và bị chảy máu. Có lẽ, đây cũng là câu trả lời được nhiều phụ nữ lựa chọn khi điền vào mục thông tin của trung tâm. Chẳng sao cả, không ai xác minh thông tin đó có đúng hay không, vì không cần thiết. S. uống thuốc ARV đều đặn 2 năm nay. Hằng tháng, S. đến Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng nhận thuốc.

Đó là lý do em hẹn tôi ở quán cà-phê gần BV; “Ba mẹ em vẫn chưa biết em bị bệnh. Em không thể nói. Sau em còn 2 đứa em đang tuổi ăn học. Em không muốn miệng đời dị nghị. Mình em khổ đủ rồi… Thật may chị ạ, em chưa có gia đình, chưa có con, cuộc đời em tự em gây ra thì em chịu, không phải phiền lụy tới ai”…

Nói rồi, S. quàng lấy túi xách, bảo đã đến giờ vào bệnh viện lấy thuốc kẻo qua lượt. Theo thói quen, tôi níu tay em cùng qua đường vì giờ cao điểm, xe cộ qua lại như mắc cửi. Như đụng trúng luồng điện giật, S. rụt tay lại, những ngón tay run lên sợ hãi. Vào sảnh chờ, em thận trọng nhìn trước ngó sau.

Như thấy vẻ khó hiểu của tôi, S. cúi gằm mặt nói: “Em sợ gặp người quen”… “Chị cứ tưởng tượng chị đang mang trong mình một bí mật khủng khiếp nào đó. Chị không thể tiết lộ với ai được. Trong lòng chị lúc nào cũng nặng nề như đeo đá, sợ người khác đọc được nội tâm của mình. Đó chính là em đây. Em đang mang trong mình mầm bệnh mà cả xã hội lánh xa. Chỉ cần ai nhìn em là em bủn rủn tay chân. Cứ có cảm giác “hay là người ta biết mình bị HIV rồi?”.

Một ánh nhìn của người xa lạ cũng khiến em dày vò, đau đớn. Chị bảo làm sao em không sợ cho được?” S. tâm sự. Đây đã là lần thứ mấy chục S. đi nhận thuốc rồi. Lần nào cũng ngụy trang thật kỹ. Đến vội vàng, về gấp rút. Tuyệt đối không hé răng trò chuyện với ai nửa lời. Vẻ cô đơn lạc lõng của cô gái trẻ giữa hành lang bệnh viện khiến tôi nhói lòng.

Nhờ sự kết nối của cô H., nguyên cán bộ trạm y tế đã về hưu, tôi liên lạc được với cô L. (bệnh nhân nhiễm HIV, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Qua điện thoại, giọng cô L. khá vui vẻ, thoải mái: “Cô công khai mình nhiễm HIV hơn 10 năm nay. Cô không ngại gì cả nhưng chỉ mong con đừng quay phim, chụp hình nhé.

Con trai đầu của cô sắp cưới vợ. Cô sợ nó ngại với gia đình thông gia”. Cô L. không dùng khẩu trang khi trò chuyện với tôi. Ở tuổi 48 và đã 13 năm mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cô vẫn thật đẹp với làn da mịn màng và ánh mắt tinh anh.

Nhìn cô, tôi thầm trách nhiều kênh truyền thông chỉ đưa tin tức về người nhiễm HIV với hình ảnh những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, cơ thể tiều tụy da bọc xương, toàn thân nổi hạch cực kỳ ám ảnh và đáng sợ. Nhiều bài báo còn mô tả người nhiễm như những mối nguy hiểm, cần phải đề phòng, cách ly. Chính cách truyền thông này góp một phần khiến người HIV tự xa lánh khỏi cộng đồng và bị cộng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử.

Cô L. bị lây HIV từ chồng (nay đã mất). “Hồi ấy, phương tiện truyền thông không đa dạng như bây giờ. Nghe ti-vi nói về HIV, mình cũng tưởng ở nước ngoài mới nhiễm căn bệnh quái quỷ này chớ Việt Nam không có. Vậy mà mình lại nhiễm nó ngay trong thời gian mang bầu. Hồi đi thử máu phát hiện dương tính với HIV, tôi ngất xỉu tại chỗ. Tôi không sợ chết, chỉ sợ con mình không sống được.

Khi ông xã mất, ông ấy vẫn mang theo nỗi hối hận đã lây nhiễm HIV cho vợ con chứ không biết đứa con được trời thương mà không bị”, cô L. cho biết. Trước khi bị nhiễm HIV, cô L. là tổ phó tổ may thuộc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Người phụ nữ thôn quê chân chất, chăm chỉ, được nhiều người yêu mến bỗng một ngày mang trong mình căn bệnh đáng sợ. Chẳng ai xa lánh nhưng cũng không ai còn gần gũi. Biết phận mình, cô L. xin thôi làm việc ở tổ may, xin ra làm lao công. Công việc độc lập, một thân một mình, không phiền đến ai, không làm cho ai… sợ.

“Thời gian đầu tôi cũng giấu giếm cực khổ lắm. Khi thằng con được 2 tuổi, tôi quyết định công khai. Công khai rồi thì cũng có cái được, cái mất. Cái được là tâm mình đỡ khổ, bớt dằn vặt, đau đớn. Còn mất là mất người thân, bạn bè, xóm giềng. Hồi xưa chị em làm việc xong là túm tụm ăn uống. Giờ mình ăn riêng chớ đâu dám ngồi chung với họ. Thấy vẻ mặt họ sợ sợ là mình lo đi chỗ khác. Mình không dám trách ai, số phận bạc thì chịu thôi”, cô L. trải lòng.

Ở xã hiện có 11 người nhiễm HIV. Trong đó, chỉ 1, 2 người dám công khai. Số còn lại cũng sống trong tình cảnh không khác S. là mấy. Cô L. là trường hợp hiếm hoi công khai. Nhưng theo cô, phần công khai chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần chìm chiếm tỷ lệ lớn.

“Mỗi lần tôi ra Bệnh viện Da liễu nhận thuốc là mất nguyên cả buổi sáng. Lấy thuốc cho mình xong, tôi thường ở lại quanh quẩn để coi có ai cần lấy giúp không. Tôi biết những người nhiễm HIV thường bịt mặt cứng ngắc, rất dè dặt nơi đông người. Nhiều người vừa chớm thấy mặt người quen là tái mặt, núp miết góc cầu thang không dám bước ra”, cô L. kể.

Hơn 30 năm gắn bó với công tác y tế tại trạm, cô H. nói rằng, cô từng nghe nhiều câu chuyện về những người nhiễm HIV phải đi rất xa nơi đang sinh sống để tìm đến các cơ sở chăm sóc và điều trị với những cán bộ y tế họ không hề quen biết, cốt sao tránh lộ thông tin với bà con chòm xóm về tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Nhiều người chỉ tìm đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và bỏ phí mất những ích lợi về điều trị sớm nhằm giảm lây lan HIV.

Hiểu đúng về HIV

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12-1990 tại thành phố Hồ Chí Minh và dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy cũng tại thành phố này. Đến cuối tháng 12-1998, 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV. Như vậy, Việt Nam có gần 30 năm phòng, chống HIV/AIDS với rất nhiều nỗ lực và đây vẫn là một trong những vấn đề y tế công cộng nhức nhối nhất.

Chị Huỳnh Thị Thủy, Trưởng Trạm Y tế phường Mân Thái  (quận Sơn Trà) cho rằng, sở dĩ, bệnh nhân HIV bị kỳ thị hơn các bệnh nan y khác vì trong nhận thức của người dân, HIV có xuất phát điểm từ những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm và những hoạt động xấu xa khác…

Bản thân người nhiễm HIV khi phát hiện bệnh thì có tâm lý sợ hãi, lo đến cái chết, lo mất việc làm, lo bị kỳ thị, lo cả về kinh tế. Tự họ thu mình trong “ốc đảo” của riêng mình. Có những trường hợp khi vừa phát hiện bệnh liền bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống để không một ai biết đến mình. “Hiện tôi quản lý 7 người nhiễm HIV (5 nam, 2 nữ) trên địa bàn.

Trao đổi, trò chuyện với nhau hàng trăm lần rồi nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy mặt họ. Họ giấu mình rất kỹ. Mỗi khi liên lạc, tôi chỉ nhắc đi nhắc lại rằng phải nhớ đi lấy thuốc và uống thuốc đúng giờ, có vấn đề gì bất thường về sức khỏe cứ gọi cho tôi. Có thể nhận thấy, HIV tự nó không giết chết người ta ngay lập tức, bằng chứng là ngay tại Việt Nam đã có người sống khỏe mạnh với nó gần 30 năm”, chị Thủy chia sẻ.

Theo chị La Thị Thông (chuyên viên quản lý người nhiễm HIV phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), bản thân người nhiễm HIV có xu hướng tự cách ly mình trong khi cộng đồng đã có cái nhìn cởi mở hơn. Không ít lần chị xuống cơ sở để phun thuốc diệt muỗi hoặc tư vấn tiêm chủng, đối tượng lại hiểu lầm chị đến tìm họ và lập tức trốn tránh. Họ gọi điện cho chị và trách: “Sao chị lại xuống tìm em? Chị đừng bao giờ xuống tìm em nghe. Có việc gì cần em sẽ chủ động gọi cho chị. Chị cũng không được gọi điện cho em…”.

Thực tế, rất nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn nhiễm HIV, dễ lây nhiễm, dễ tử vong hơn rất nhiều. Cùng một đường lây truyền nhưng virus viêm gan B (HBV) hay viêm gan C (HCV) ít được chú ý đến mặc dù nó có thể gây ra viêm gan cấp, gây hôn mê gan và tử vong sau đó.

Trong khi đó, HIV hoàn toàn không lây qua nước mắt, nước bọt đơn thuần hay các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung hay sinh hoạt chung, học chung… Việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV chỉ càng góp phần âm thầm lây lan HIV trong cộng đồng.

Những người nhiễm HIV e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng.

Quỳnh Trang
 

;
;
.
.
.
.
.