Đam mê trang phục cổ

.

Từ ước mơ ngày bé được hóa thân thành nàng công chúa như các bộ phim cổ trang, Lưu Thị Quyên (sinh năm 1992) đã tạo nên một studio trang phục cổ trang cho mình và cho những ai có chung niềm yêu thích ấy…

Chị Lưu Thị Quyên tại phim trường cổ trang Bụt. Ảnh: M.Q
Chị Lưu Thị Quyên tại phim trường cổ trang Bụt. Ảnh: M.Q

Khi còn nhỏ, các bộ phim lịch sử Việt Nam, Trung Quốc hay phim hoàng cung của Hàn Quốc luôn được Quyên theo dõi say mê và trong những thước phim đẹp như tranh ấy, hình ảnh những cô công chúa khoác lên mình bộ xiêm y rực rỡ, đầy bí ẩn và xinh đẹp khiến cô nàng càng thêm ngưỡng mộ, mong muốn được hóa thân. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Lưu Thị Quyên ứng tuyển vào vị trí quản lý và thiết kế cho một phim trường tại Đà Nẵng. Năm 2016, khi tích lũy được đủ kinh nghiệm và cũng có một số vốn nhỏ sau 2 năm làm việc, Quyên quyết định nghỉ việc, tìm hướng kinh doanh riêng là cho thuê trang phục cổ.
“Tình cờ một lần mình được người bạn tặng bộ trang phục truyền thống Hanbok của Hàn Quốc. Khi cầm trên tay, mình cảm thấy bộ đồ quá tuyệt vời, chỉ ước sao được thử tất cả trang phục truyền thống của các nước trên thế giới. Thế là mình nảy ra ý tưởng có một tiệm cho thuê trang phục cổ trang và quốc phục của các nước” - Quyên chia sẻ.

Nghĩ là làm, tháng 7-2016, “Bụt - cửa hàng cho thuê trang phục cổ” ra đời. Ngoài các bộ trang phục cổ Việt Nam chính tay Quyên đi chọn từng bộ trang phục ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đem về. Chị tự mày mò học tiếng Hàn để dễ trao đổi và bàn bạc với các xưởng may về các mẫu trang phục. Thời gian đầu, Quyên gặp không ít khó khăn từ nguồn hàng đến đầu ra của cửa hàng.

“Một bộ hankbok giá trung bình là 4-5 triệu đồng, có bộ đường may sắc sảo, hoa văn chạm trổ có thể lên tới vài chục triệu đồng, còn chưa kể chi phí vận chuyển về Việt Nam. Lúc mới mở cửa hàng cũng đã có khá nhiều khách hàng tìm tới, nhưng cứ 10 người thì chỉ 2-3 người là chấp nhận bỏ tiền ra thuê một bộ đồ, nhất là những bạn học sinh, sinh viên chỉ muốn thuê để chụp ảnh một lần. Bên cạnh đó, dù là hướng đi ít người lựa chọn nhưng không phải ai cũng thích trang phục cổ xưa. Vì thế, lượng khách hàng cũng không nhiều như các loại trang phục hiện đại điển hình”, Quyên tâm sự.

Xác định hướng đi của cửa hàng là “mưa dầm thấm lâu”, phải tạo dựng được uy tín và thường xuyên làm mới hình ảnh để thu hút khách hàng. Mỗi lần nhập bộ đồ nào mới, Quyên lại chụp ảnh và đưa lên các trang mạng xã hội. May mắn cho Quyên, cũng trong khoảng thời gian này, nhiều bộ phim cổ trang mới được khán giả yêu thích, không chỉ Trung Quốc mà ở Việt Nam cũng tạo được sức hút với giới trẻ. Dần dần, cửa hàng của Quyên ngày càng đông khách. Khi đã tìm được thị trường ổn định, chị tiếp tục suy nghĩ việc mở một phim trường (studio) nhỏ chuyên cho thuê trang phục cổ và dựng cảnh như các phim cổ trang, phục vụ cho những khách hàng muốn có bộ ảnh cổ trang “chuyên nghiệp”.

Tháng 7-2019, từ một cửa hàng cho thuê trang phục nhỏ, Quyên đã nâng cấp “Bụt - cửa hàng cho thuê trang phục cổ” thành “Bụt studio - phim trường cổ trang” duy nhất tại Đà Nẵng. Trong phim trường có các cảnh cổ trang giúp khách hàng có thể thoải mái chụp hình mà không cần phải ra ngoài trời.

Sau 3 năm phấn đấu, phim trường trang phục cổ trang của Quyên đã có hơn 100 bộ trang phục cổ trang của các nước và được khá nhiều bạn trẻ biết đến, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều tỉnh thành trên cả nước và khách nước ngoài. Trang phục của Bụt studio đã có mặt số lượng lớn tại công viên Ấn Tượng Hội An. Bên cạnh đó, vừa qua chương truyền truyền hình mang tên “Chạy đi, chờ chi” của Đài HTV (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã sử dụng trang phục của Bụt studio cho người chơi hóa thân. Sau thành công của chương trình, Đài SBS (Hàn Quốc) đã tìm đến phim trường của Quyên để phỏng vấn và phát phóng sự tại Hàn Quốc.

Lưu Thị Quyên tâm sự, thời gian tới sẽ cố gắng đầu tư mở rộng thêm phim trường và bổ sung thêm các bộ trang phục. Đồng thời, nghiên cứu may và tìm đặt hàng thêm các mẫu trang phục xưa của người Việt để phục vụ các bạn trẻ yêu thích trang phục cổ của nước nhà. Quyên chia sẻ, công việc này tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng hằng ngày được làm công việc mình yêu thích, thỏa sức sáng tạo và được chia sẻ niềm vui cùng khách hàng là phần thưởng lớn nhất.

MAI QUẾ
 

;
;
.
.
.
.
.