Hướng đến mục tiêu bền vững

.

Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của thành phố đã về đích trước 2 năm. Để có được kết quả này, công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Hằng năm, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách giảm nghèo; Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo thành các nhóm để có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp...

Để hiểu rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Thái Đình Hoàng (ảnh), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố.

 

* Được biết, Đà Nẵng đã về đích sớm (trước 2 năm) trong Đề án giảm nghèo 5 năm (2016-2020). Ông cho biết những cách làm riêng có của Đà Nẵng để đạt được mục tiêu này?

- Đề án giảm nghèo triển khai trong giai đoạn 2016-2020, nhưng đến cuối năm 2018, nhờ tập trung nhiều nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp, toàn thành phố chỉ còn khoảng hơn 2.300 hộ nghèo, chiếm 0,91% so với tổng số hộ dân cư trên địa bàn. Vì vậy, mục tiêu giảm nghèo trong 5 năm (2016-2020) đã hoàn thành chỉ trong 3 năm.

Để đạt được mục tiêu này là sự đồng lòng từ trên xuống của các cấp chính quyền. Tại mỗi địa phương, UBND quận, huyện, phường, xã tổ chức đối thoại, xem xét hoàn cảnh và nguyện vọng của từng hộ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ và phân công các hội, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ việc thực hiện các giải pháp chính sách hỗ trợ phù hợp; đồng thời theo dõi đến khi hộ đó thoát nghèo.

Bên cạnh việc thực hiện chính sách giảm nghèo của Trung ương, thành phố ban hành một số chính sách đặc thù như: Hỗ trợ xây mới nhà ở lên 35 triệu đồng/nhà; sửa chữa 20 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thoát nghèo theo chuẩn thành phố, thời gian 5 năm và hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố; hỗ trợ 100% các chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ đối với phụ nữ thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và phụ nữ nghèo bị bệnh ung thư; hỗ trợ 80% chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ sau khi trừ đi phần chi của BHYT đối với phụ nữ thuộc diện hộ nghèo...

Thành phố miễn học phí cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có người giám hộ thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện theo quy định của Trung ương cho hộ nghèo theo chuẩn của thành phố; hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn sức lao động được vay vốn không lãi suất trong thời hạn 3 năm, mức vay 30 triệu đồng/hộ, sau khi hoàn trả vốn đúng hạn, thoát nghèo được thành phố hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ.

Lớp trẻ gia đình này đem lại thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng cho chị Lệ (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) và tạo công ăn việc làm cho 3 lao động nữ tại địa phương.  Ảnh: MAI HIỀN
Lớp trẻ gia đình này đem lại thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng cho chị Lệ (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) và tạo công ăn việc làm cho 3 lao động nữ tại địa phương. Ảnh: MAI HIỀN

Đối với chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng, thành phố hỗ trợ với mức 500.000 đồng/người cho người thuộc hộ nghèo mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo; hỗ trợ thêm mức 300.000 đồng/người/tháng hoặc mức 500.000 đồng/người/tháng đối với người già yếu, người khuyết tật, trẻ mồ côi ốm đau thường xuyên, đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội (BTXH) hoặc chưa đủ điều kiện hưởng chính sách BTXH thuộc diện hộ nghèo không còn sức lao động và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời tiếp tục hưởng 2 năm sau khi thoát nghèo...

* Theo chuẩn nghèo mới (2019-2020) đã được công bố thì toàn thành phố có 14.983 hộ nghèo. Làm thế nào để người nghèo có thể tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản là điều rất quan trọng. Vấn đề này được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, theo chuẩn nghèo mới được HĐND thành phố ban hành tại Nghị quyết số 195/2018/NQ-HĐND, thành phố Đà Nẵng có 14.983 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,53% (trong đó có 11.675 hộ nghèo còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 4,31% và 3.308 hộ nghèo không còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,22%).

Trong năm 2019, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận được những dịch vụ cơ bản là việc làm hết sức cần thiết mà chương trình giảm nghèo mong muốn; trong đó tăng cường công tác tuyên truyền để phổ biến chính sách giảm nghèo đến từng hộ nghèo; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành trong triển khai thực hiện chương trình, kết hợp với kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Đặc biệt, trên cơ sở phần mềm quản lý và danh sách hộ nghèo, chiết xuất tiêu chí thiếu hụt dịch vụ cơ bản của từng hộ, thành phố tiến hành rà soát, tổ chức gặp mặt, đối thoại xây dựng kế hoạch cụ thể bao gồm các chính sách, giải pháp hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở điện nước, vốn vay, học bổng, sinh kế, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng…; tập trung huy động nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ để hộ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Song song đó, thành phố đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất các trường học, xây dựng các công trình giao thông công cộng, nhà ở xã hội… để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

* Không chỉ là giảm nghèo mà quan trọng là phải chống tái nghèo. Thành phố đã có những kế hoạch nào cho vấn đề này trong thời gian tới?

- Bên cạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, thành phố rất quan tâm đến việc chống tái nghèo. Để hạn chế tình trạng tái nghèo, thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ đối với hộ thoát nghèo và nâng mức hỗ trợ một số chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Nghị quyết số 244/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019, như hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế; 100% học phí đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông có cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật trực tiếp nuôi dưỡng và hỗ trợ hằng tháng mức 300.000 đồng - 500.000 đồng/người... thuộc hộ thoát nghèo trong vòng 2 năm kể từ thời điểm thoát nghèo.

Thành phố nâng mức hỗ trợ từ 70% lên 90% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố; từ 50% lên 90% học phí đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông có cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật trực tiếp nuôi dưỡng thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố.

Ngoài ra, thành phố triển khai thực hiện công tác rà soát hộ nghèo hằng năm bảo đảm đánh giá đúng đối tượng, công khai và không được bỏ sót đối tượng; tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế; vốn vay; hướng dẫn cách làm ăn…

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thực tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, có biện pháp mạnh đối với những hộ chây lỳ, ỷ lại vào các chính sách giảm nghèo của thành phố… nhằm chống việc tái nghèo trên địa bàn thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Trang (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.