Đà Nẵng cuối tuần

Xóm Giá

11:10, 07/07/2019 (GMT+7)

Những năm gần đây, Đà Nẵng được biết đến như là một thành phố trẻ trung, khang trang và hiện đại, đặc biệt là ở quận Sơn Trà. Tuy nhiên, nếu không từng sống ở Quận 3 trước đây, ít ai biết rằng nơi này từng có rất nhiều làng nghề nổi tiếng một thời, gắn liền với kế sinh nhai của người dân. Có thể kể ra làng hoa Phước Mỹ, làng rau Mỹ An, xóm than, xóm quạt giấy, và rất nhiều làng chài khác, trong đó, có nghề làm giá xóm tôi.

Không biết nghề làm giá xóm tôi được hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng cả quãng trời tuổi thơ tôi gắn liền với cái danh xưng Xóm Giá. Khu An Cư, Quận 3 cũ ngày xưa có nhiều hộ làm giá, nhưng không nơi nào có nhiều hộ làm giá như xóm tôi, và cái tên Xóm Giá cũng từ đó mà hình thành.

Tôi còn nhớ, hồi nhỏ bọn trẻ chúng tôi rất thích thú ngồi đong đưa trên những chiếc xe bò, theo các cô chú xuống biển lấy cát sạch về làm giá. Hình ảnh người chồng kéo cần, người vợ phía sau đẩy những chiếc xe bò đầy cát mỗi chiều in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Nghề làm giá cực lắm, nhưng giá cát xóm tôi nổi tiếng ngon ngọt và mọng nước. Xóm tôi có khoảng hơn chục hộ làm nghề này, rất dễ nhận biết, hễ cứ nhà nào có đống cát mịn trước ngõ, chiếc xe bò trong sân là chắc chắn nhà ấy làm giá. Để làm ra được cây giá, người ta phải xuống rừng phi lao gần biển, lựa cát sạch chở về.

Quy trình làm giá cũng khá vất vả. Đầu tiên phải qua chợ Cồn mua đậu xanh về đãi sạch những hạt lép, hạt vỡ, sau đó trộn với cát sạch theo tỷ lệ nhất định, bởi nhiều đậu quá thì giá mọc dày, không mập, còn quá ít thì phí cát và đương nhiên năng suất không cao, thường thì cứ một ký đậu xanh sẽ cho ra khoảng tầm bảy ký giá. Sau đó là quá trình ủ đậu. Trong sân những hộ làm giá xóm tôi thường có khoảng vài chục cái bi giếng nhỏ, đường kính khoảng 60 đến 90 phân, đó chính là dụng cụ để ủ giá.

Để đậu nẩy mầm và mọc cây, đầu tiên người ta trải một lớp cát sạch dưới đáy bi, tiếp đó là lớp cát đã được trộn với đậu xanh, và trên cùng là một lớp cát sạch nữa, sau đó đậy kỹ và tưới nước mỗi ngày hai lần. Từ lúc ủ đậu đến lúc cho ra cây giá mất khoảng ba ngày, và người dân xóm tôi trồng xoay vòng để ngày nào cũng có thu hoạch. Mỗi ngày một hộ làm khoảng hơn chục ký đậu, tương đương gần trăm ký giá thành phẩm, cá biệt có những hộ làm nhiều có lúc thu lên tới gần hai tạ giá một ngày.

Người ta thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, lấy giá ra phuy nước đãi sạch cát, rửa sạch rồi được các chị chở qua bỏ mối ở chợ Mới, chợ Hàn hoặc cho nhà hàng, quán ăn khắp Đà Nẵng. Cát làm giá xong không thể tái sử dụng nên được vun thành đống ngay trước nhà, chờ đem đi đổ.

Và những đống cát bỏ đi ấy là cả thế giới tuổi thơ của bọn nhóc chúng tôi. Đó là chỗ để chúng tôi sáng tạo đủ thứ trò chơi, có thể là xây lâu đài cát, làm hầm ngầm, làm bia bắn cung tên hay chỉ đơn giản là lao uỳnh uỵch vào đó để cảm nhận hơi cát ẩm mát rượi dưới chân. Tôi còn nhớ mấy cô chú vẫn la ầm ĩ mỗi khi bọn tôi hất cát văng tung tóe ra đường, rồi lại lấy xẻng xúc cho gọn lại.

Thích thú nhất có lẽ là trò chơi trốn tìm. Những đống cát vẫn là nơi được chúng tôi lựa chọn mỗi khi tìm cho mình chỗ nấp, có đứa nghịch ngợm thì nằm hẳn lên đống cát rồi lấp lại, chỉ chừa cái đầu để thở. Có nhiều đống cát như thế trong xóm nên đứa nào cũng có cho mình một chỗ nấp ưng ý, í ới nhau rồi cười sằng sặc. Cuối ngày, mình mẩy đứa nào cũng lấm lem đất cát, rủ nhau ra cái giếng lớn trong xóm múc nước tắm, tha hồ đùa giỡn với nhau…

Những năm sau này, khi tuyến đường ven biển hình thành, người dân không còn cát sạch để làm giá nên nghề cũng mai một dần, và đến nay thì người dân xóm tôi bỏ hẳn nghề làm giá. Những con xóm nhỏ lầy lội đất cát ngày xưa cũng đã được thay thế bởi đường nhựa, đường bê-tông như một minh chứng cho sự phát triển của thành phố. Những gia đình làm giá cũng chuyển sang buôn bán nhỏ hoặc tìm kế sinh nhai khác, nhưng ký ức tuổi thơ bên cạnh những chiếc xe bò, những đống cát cao nghệu vẫn còn in sâu trong tâm trí chúng tôi. Ký ức về một thời gian khổ nhưng thấm đậm tình làng nghĩa xóm, rất êm đềm và cũng rất nên thơ…

Lê Trí

.