Tên anh là chiến sĩ

.

Dẫu vô danh, nhưng tên anh vẫn là tên Chiến Sĩ./ Là tên đất nước đặt cho đứa con mình trân quý,/ Như một giọt máu hồng, trong hàng triệu trái tim yêu (Đoàn Thị Hồng Sương)

Phù điêu 101 liệt sĩ tại “Khu di tích Lịch sử 101 liệt sĩ” đang được hoàn thiện.  Ảnh: V.T.L
Phù điêu 101 liệt sĩ tại “Khu di tích Lịch sử 101 liệt sĩ” đang được hoàn thiện. Ảnh: V.T.L

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Khu 3 Hòa Vang (nay gồm 4 xã, phường là Hòa Phước, Hòa Xuân, Hòa Quý, Hòa Hải) do thay đổi “Giờ G” khiến cho hai lực lượng quân sự và chính trị không phối hợp chặt chẽ, lại bị địch phát hiện, mất yếu tố bất ngờ nên không đạt yêu cầu như đã định. Địch dùng máy bay và tàu chiến đánh phá ác liệt làm cho quân ta hy sinh rất nhiều trên các con sông Cẩm Lệ, sông Hàn, sông Đò Toản (sông từ Vĩnh Điện chảy qua Hòa Xuân, đổ ra sông Hàn).

Khi trận đánh qua đi, nhân dân trong vùng dùng ghe thuyền tổ chức vớt trước sau tổng cộng được 101 thi thể cán bộ, bộ đội ta, đưa tất cả lên an táng ở khu đất thuộc Làng Trường của vùng đất K20 nổi tiếng. Rất tiếc, trong điều kiện chiến tranh khốc liệt lúc bấy giờ, không một liệt sĩ nào trong số đó được ghi rõ danh tính.

Bà Huỳnh Thị Thơ, Trưởng ban Liên lạc K20, quận Ngũ Hành Sơn, không sao quên được hình ảnh bi thương ngày đó. 16 tuổi đầu, bà theo cha mẹ, bà con trong làng dùng dây kéo thi thể liệt sĩ lên ghe chở vào bờ, khiêng về rửa ráy, mua chiếu, nhang đèn, rượu tổ chức khâm liệm và chôn thành nhiều đợt. Bà đi suốt một tuần, từ mồng 2 Tết.

Thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị, tất cả 101 mộ liệt sĩ đã được cải táng lên Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Nẵng. Khu đất xưa giờ chỉ còn Bia tưởng niệm Liệt sĩ, đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch Khu đất bia tưởng niệm Liệt sĩ theo Quyết định số 9236/QĐ-UBND ngày 8-11-2012 với diện tích 197m2.

Bà Thơ cho biết, trong một cuộc họp mới đây, Ban Liên lạc K20 tiếp tục đề nghị thành phố và quận Ngũ Hành Sơn đầu tư xây dựng hoàn thiện “Khu di tích Lịch sử 101 liệt sĩ” trên khu đất đã được UBND thành phố phê duyệt nói trên, thuộc khu vực Đa Mặn 3A, tổ 20, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Một số hạng mục xây dựng khu di tích đang được tiến hành cho kịp khánh thành vào dịp 27-7 này.

Nghệ nhân Nguyễn Hạnh, người thực hiện phù điêu cao gần 1,5m ngang gần 3m, mô tả rằng, phù điêu có tất cả 9 nhân vật. Trong đó có 3 chiến sĩ, người cầm cờ Quyết thắng đi trước, tiếp sau là người mang vác vũ khí tiếp ứng cho trận đánh, một chiến sĩ đặt chân lên một mô đá làm điểm tựa để “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. 6 người còn lại gồm hai phụ nữ kê vai nâng chiếc đòn khiêng võng, bên trong võng là thi thể của một nữ y tá đã hy sinh trong trận đánh với cánh tay buông thõng cùng mái tóc hướng xuống đất cho thấy thi thể vừa được vớt lên từ sông nước. Một lão nông cầm bó hoa dừa, loại cây mọc ven sông nước lúc bấy giờ, mượn làm bó hoa đưa tiễn người nữ y tá về nơi an nghỉ cuối cùng. Một lão nông khác đưa tay nâng nhẹ cây đòn, cùng chia sẻ nỗi đau thương, mất mát từ sự hy sinh của các chiến sĩ trong trận đánh đó. Một chiến sĩ đội mũ cối bộ đội tham gia vào tiễn đưa 101 đồng đội. Tuy mỗi nhân vật được mô tả bằng một hình khối khác nhau nhưng có chung một ý hướng là cùng nhìn về phía trước, biến đau thương thành hành động, quyết chiến đấu để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Nhân nói chuyện về các anh hùng liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Thượng tá Nguyễn Kết, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 24 huyện Hòa Vang (có nhiệm vụ giúp UBND huyện trực tiếp thực hiện chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ) cho biết, địa bàn Hòa Vang có 3 vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng ven đô, là cửa ngõ đi vào thành phố Đà Nẵng từ hướng tây và hướng nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây là địa bàn chiến đấu ác liệt với nhiều lực lượng, đơn vị tham gia, nên cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên địa bàn với số lượng lớn.

Do địa bàn rộng và phức tạp, nhiều đơn vị tham gia, chiến tranh ác liệt, nhân chứng hầu như đã qua đời hay tuổi đã cao, không nhớ chính xác vị trí an táng ban đầu, cùng với đó có nhiều thay đổi về địa hình sau chiến tranh nên đến nay, huyện vẫn còn mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy để quy tập. Mặt khác, do công tác lưu trữ hồ sơ ban đầu không khoa học, cùng với sự thay đổi cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH cấp xã nên địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác chỉ đạo, triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. UBND huyện đã giao cho ngành LĐ-TB&XH các cấp chịu trách nhiệm rà soát thống kê, kiểm đếm mộ liệt sĩ trên địa bàn để cung cấp cho Ban Chỉ huy Quân sự các cấp. Ban chỉ huy quân sự cấp xã và huyện chịu trách nhiệm về lập bản đồ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn theo phân cấp.

Theo Thượng tá Kết, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã tiếp nhận 28 thông tin liệt sĩ, qua đó đã tổ chức xác minh, tìm kiếm và đề nghị thành phố cất bốc đưa vào nghĩa trang liệt sĩ 5 mộ liệt sĩ (từ năm 2014 đến nay huyện đã tìm kiếm quy tập được 50 mộ liệt sĩ), số còn lại đề nghị thành phố khảo sát, cất bốc và cung cấp thêm thông tin để tiếp tục tìm kiếm.

Huyện Hòa Vang hiện có 1.605 mộ liệt sĩ không rõ danh tính, an nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang gia tộc. Dẫu vô danh, nhưng tên anh vẫn là tên Chiến Sĩ. 101 liệt sĩ chưa xác định đúng danh tính ở Khuê Mỹ giờ được vinh danh ở một nơi linh thiêng, trang trọng có tên là “Khu di tích Lịch sử 101 liệt sĩ”. Các liệt sĩ tuy không để lại danh tính, quê hương nhưng anh linh chư vị vẫn còn phảng phất đâu đây để chứng giám, hộ trì cho công cuộc xây dựng một Ngũ Hành Sơn ngày càng phát triển trong một Đà Nẵng an bình và đáng sống.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.