Nỗi đau đời chín cùng sắc tím của thơ

.

Có những cảm nhận thơ dễ đọc và có những cảm nhận thơ không dễ đem phô bày ra trước mọi người. Tôi nghĩ thơ của tác giả Vạn Lộc, nhất là các sáng tác những năm gần đây, đặc biệt là ở tập Chín chín nhịp, có hướng thiên về dạng thứ hai, lặng lẽ rơi vào đó và ổn định nằm lại đó, như một định mệnh vô ngã của Thiền.

Mà đâu chỉ muốn phô ra trước mọi người, ngay cả trước chính mình, nhà thơ cũng có phút lặng lẽ tự hoài nghi, tự nhủ thầm, không biết mình có hay là không, “tồn tại hay không tồn tại”, ngay với cả những nỗi buồn đau, những cảm nhận nhân tình, thế thái đã in hằn sâu trong khóe mắt:

Trước gương mình lại gặp mình
Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi
Nếu mai gương vỡ mất rồi
Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình.

                                                  (Soi)

Càng khám phá sâu vào thơ của Vạn Lộc, tôi càng đồng cảm với những chiêm nghiệm và từng trải, mà phải ở một người vào tuổi của chị mới dần dần vỡ ra, vỡ ra như một nỗi đau đời đã đến thời chín tới, như một bọc tâm tư kín bưng, đoán chừng chỉ chứa đầy bản ngã vô vi, sẽ tới lúc cũng được bung ra cùng với vị đắng ngọt siêu thoát; hoặc cũng còn có thể ví như một loại quả rừng, lúc chưa chín thường chua, nhưng càng chín thì màu quả càng tím sẫm lại, để kết tụ vào thành một vị ngọt dịu thật lạ lùng, vị ngọt lắng đọng lại rất lâu, không dễ đã có vị ngọt nào sánh nổi.

Vạn Lộc tự ý thức được điều sâu thẳm đó khi chị viết:

Vắn dài, thấm giọt ba sinh,
Lan từ sâu thẳm tim mình, lan ra.

                                           (Tơ lòng)

Ngay cả khi tự ví mình như một trái cam trải qua các trạng thái từ chua đến ngọt, chị cũng thấy chất chứa trong mình nỗi khát khao dâng hiến cho Đời:

Hè qua lủng lẳng quả tròn
Vàng Thu nhạt nắng nên còn vị chua,
Xuân thì chưa gội gió mưa
Để em sẫm chín trước mùa giá Đông!

                                                   (Cam)

Nhưng thế chưa phải là tất cả. Vạn Lộc đã dám vượt qua tâm trạng ấy rất xa, xa nữa, để thấm sâu vào tới cõi sắc không, tới nơi vô ngã.

Bởi lòng còn vướng si mê
Cõi tình dắt díu đi, về đa đoan,
Trái tim rối nhịp muộn màng
Ngộ lần vô ngã, thắm tràn sắc không.

                                                 (Tâm)

Ở cõi nhân gian này, có nhiều cái tưởng chừng luôn ồn ã, day dứt, làm khổ con người gớm ghê, nhưng khi đứng trước nỗi giao hòa rộng lớn với thiên nhiên, với vũ trụ, với cái tĩnh tại đến vô biên – tưởng vô thanh trong cái mình vô ngã, con người sẽ trở nên thanh thoát biết bao, hầu như dễ chừng tan biến vào với sự tĩnh lặng của Vô Cùng:

Còn đây bảng lảng mây ngàn
Cỏ cây ủ mộng  phủ tràn sắc không
Thôi về ngủ với ngàn thông
Giữa trời cô quạnh bềnh bồng vô thanh.

                      (Trước đồi thông hai mộ)

Với những câu thơ như thế, có phút ta tưởng như Vạn Lộc đã đắm mình vào cõi hư vô, quên hẳn những vui buồn trần thế, bỏ qua những hoài niệm dù trong trẻo vô tư đến mấy đi nữa của cõi đời thường cát bụi này. Nhưng không! Ta lại phải thật sự bất ngờ, vì ngay sau cái phút bềnh bồng giữa cõi Mộng, cõi Ảo kia, cũng trong khung cảnh những đồi thông ma mị của Đà Lạt ấy, một câu thơ bỗng rực sáng lên vì vẻ đẹp hồn nhiên trong trẻo của nó, vẻ đẹp vô tội và quyến rũ, khiến mỗi chúng ta đều nhói đau khi nhớ lại từng tháng ngày trong vắt, đẹp mà cũng chưa biết là mình đẹp vì cái gì, tự thuở hoa niên còn “chanh cốm” xa xưa:

Ta thẩn thơ với ngàn thông
Nắng thêu triền gió, chiều lồng phố mây
Hoàng hôn, trời thắp sương đầy,
Tình xưa bỗng hóa một ngày trong veo!

                                      (Thắp sương)

Trong thơ tình yêu cũng như thơ chiêm nghiệm về thân phận con người và thế sự, nhà thơ Vạn Lộc đã đạt đến sự đồng bộ và nhất thể hóa giữa cái hữu hạn và vô hạn trong nhận thức và nói rộng ra là cả trong thế giới quan, nhân sinh quan. Chị có tâm trạng song song và luôn sẵn sàng của một người vừa xuất thế vừa nhập thế, không mong đắc đạo hay thoát tục, mà mong sao ngay trong dặm đường trần này, mình luôn luôn giữ được mình, tránh khỏi mọi cám dỗ tầm thường, để tâm hồn không bị hoen ố.
Sau giây phút muốn tìm ra bản ngã của mình, tưởng muốn đập vỡ gương ra mà phía sau cũng không thấy được mình, nhà thơ bèn thắp lên một ước nguyện thật giản dị:

Còn bao nhiêu nắng trong hồn
Em đem thắp ấm cô đơn tháng ngày!
                                                       (Ơn đời)

Thơ Vạn Lộc, đôi khi tưởng rất giản dị, nhưng soi kỹ, vẫn có một mạch tư duy – cảm xúc bàng bạc, mong manh xuyên suốt của triết luận và Phật pháp nối dài theo, dù tiềm ẩn rất sâu. Chị chỉ có một khát vọng muốn cho mình tĩnh tâm lại, bỏ qua hết thảy mọi gian truân, cực nhọc của đời. Và cứu cánh của chị, chính là Thơ! Chị đã nhiều lần tự thú về điều đó, điều mà ai đọc thơ chị cũng vô cùng dễ dàng đồng cảm:

Lữ hành rong ruổi chân xuôi ngược
Dẫu chút tình hờ vẫn thủy chung”
                                        (Tiếc)

Hay:

Mai mốt trở về cùng cát bụi
Chút tình còm cõi mấy câu thơ
                                        (Sao khuya)

Chín chín nhịp thơ của chị – chín mươi chín khúc ngâm – ngắn gọn, hàm súc, uyển chuyển, mang dáng vóc hình thái thơ kim cổ mà lại có rất nhiều suy nghĩ táo bạo, mới mẻ, riêng tư của tác giả Vạn Lộc, thể hiện một tâm hồn đã chín trong cảm xúc, trong chiêm nghiệm và là kết quả sáng tạo xứng đáng của một người làm thơ đã biết hội tụ đủ các yếu tố thời gian và thử thách, để đã đủ ngộ ra tinh tường với cái “nghề – chơi nghiên bút”, lại tiếp tục tu dưỡng, để đủ độ tỉnh thức chín muồi trong cả cái nghiệp “văn dĩ tải đạo” của mình.

Chín chín nhịp là đóng góp mới trong thơ của tác giả Vạn Lộc, là giỏ quả chín tím mọng cuối thu của một hồn thơ yêu đời trong nỗi đau đời, năng động ngay trong các suy nghĩ đậm chất Thiền, đầy kinh lịch và đầy chiêm nghiệm trong những cảm xúc thơ, tuy có dáng vẻ hồn nhiên, nhưng lại luôn đậm đà sắc thái “ý tại ngôn ngoại” của thể loại Thơ mang hồn cốt cổ kim giao hòa:

Chiều gió lộng, mây trời ửng  tím,
Giọt thơ bay ngọt phía sương ngàn,
Gieo tứ tuyệt đơm mùa chín chín
Nhịp đa mang réo rắt cung đàn.
                                       (Chín chín nhịp)

Xin cảm ơn tác giả vì “chút tình” thơ tuy khiêm tốn nhưng giàu ý nghĩa này, trong buổi trời thu cùng đang ngả sang màu chín tím với một hồn thơ đang chín, nhưng lại còn rất nhiều nội lực mạnh mẽ và tinh tế, dào dạt cảm xúc trữ tình, quyện chặt với những suy tư triết luận đậm màu Thiền.

Bằng Việt

;
;
.
.
.
.
.