Khủng hoảng rác thải

.

Hàng chục năm qua, nhiều nước ở châu Á bị coi như bãi rác thế giới khi nhập rác từ các nước phát triển. Số lượng rác ngày càng nhiều và năng lực xử lý không được nâng lên đã và đang dẫn tới khủng hoảng rác thải toàn cầu, nhất là khi các nước nhập rác bắt đầu trả lại nơi xuất phát.

Malaysia trả rác thải nhựa trở lại nước xuất khẩu.
Malaysia trả rác thải nhựa trở lại nước xuất khẩu.

Philippines, Malaysia, Indonesia quyết liệt trả rác

Indonesia vừa xuất trả lại 210 tấn rác thải cho Úc sau khi “lô hàng”  này nhập về Surabaya hồi giữa tháng 6-2019. Thỏa thuận ban đầu là lô hàng rác thải giấy để tái chế nhưng khi hải quan kiểm tra thì phát hiện bị trộn lẫn với rác thải sinh hoạt, đồ điện tử, dầu, chai nhựa và tã lót. Luật pháp Indonesia quy định các lô hàng được tìm thấy có chứa chất gây ô nhiễm phải được gửi trả lại nước xuất xứ. Đầu tháng 7 này, Indonesia cũng trả lại Pháp, Mỹ, Đức 49 container hàng quá mức ô nhiễm.

Philippines kiên quyết trả lại 69 container rác thải cho Canada hồi tháng 5. Các lô hàng được xuất tới Philippines dưới dạng nhựa để tái chế nhưng phần lớn là rác thải đô thị không thể sử dụng được. Tổng thống Philippines, Duterte rất quyết liệt trong vụ này mới giải quyết thành công sau khi bắt đầu nhập khẩu rác cách đây 5, 6 năm.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, Malaysia xuất những lô hàng chất thải nước trở lại các nước phát triển. Thái Lan chuẩn bị cấm nhập chất thải nhựa từ năm 2021. Nhiều nước ở Đông Nam Á cũng có động thái tương tự về kế hoạch dừng nhập rác thải trong tương lai gần.

Rác thải về đâu?

Công ty tư vấn Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh đưa ra chỉ số theo dõi tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị, nhựa, thực phẩm và vật liệu nguy hiểm của các nước. Theo đó,  đứng đầu là Mỹ, tiếp theo là Hà Lan, Canada, Áo… Nghiên cứu cho thấy Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng tạo ra 12% lượng chất thải rắn đô thị toàn cầu. Có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ thải rác gấp 3 lần người tiêu dùng Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc là nước nhập khẩu rác lớn số một thế giới nhưng bắt đầu chấm dứt từ đầu năm 2019 khiến áp lực đè nặng lên Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Đông Nam Á… Thái độ kiên quyết trả lại rác thải của một số nước đang phát triển được Verisk Maplecroft nhận định sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng rác thải trầm trọng nếu các nước đang phát triển không có hướng đi tích cực và nhanh chóng.

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào tháng trước về việc xử lý rác thải nhựa gây ô nhiễm đại dương. Niall Smith, nhà phân tích môi trường cao cấp tại Verisk Maplecroft, nói rằng các doanh nghiệp chịu áp lực ngày càng lớn về trách nhiệm chất thải mà họ tạo ra bởi những quy định mới sẽ khiến tăng chi phí kinh doanh.  

Mỹ là nước tạo ra nhiều rác thải nhất, phản ứng mạnh nhất về công việc xử lý rác thải nhựa tại G20 song cũng là quốc gia có những dấu hiệu tích cực nhất trong việc xử lý rác thải trước thái độ từ chối của các nước đang phát triển. Niall Smith cho biết có làn sóng đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng tái chế trên toàn quốc. Nhiều nhà máy được mở rộng và nâng cấp hệ thống để đối phó với việc gia tăng chất thải sinh hoạt. Công ty Alpine hoàn thành việc nâng cấp nhà máy xử lý rác thải trị giá 2,5 triệu USD.

Trong lĩnh vực bán lẻ, các công ty cũng đầu tư vào tái chế. Amazon cho biết hồi tháng 10 năm ngoái sẽ rót 10 triệu USD đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến. Các công ty xem xét vấn đề này rất nghiêm túc bởi có thể họ chịu thiệt hại nghiêm trọng về uy tín nếu như bị coi là người thải rác nhựa dẫn tới tình trạng bị giám sát từ các nhà đầu tư làm ảnh hưởng tới cổ phiếu của công ty.

ANH THƯ (tổng hợp)
 

;
;
.
.
.
.
.