Học mà chơi, chơi mà học

.

Thời gian nghỉ hè cũng là dịp ba mẹ có thể cùng con trải nghiệm những ngày nghỉ thú vị, đến thăm các bảo tàng để hiểu thêm về lịch sử vùng đất mình đang sống hay rèn luyện môn ngoại ngữ.

Chương trình “Cùng con đến bảo tàng” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức đã truyền đi thông điệp: “Gia đình là nơi bảo tồn và lưu giữ  các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. Ảnh: Q.T
Chương trình “Cùng con đến bảo tàng” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức đã truyền đi thông điệp: “Gia đình là nơi bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. Ảnh: Q.T

Dành cho con những bài học thú vị

Cái nắng buổi chiều ở Bảo tàng Đà Nẵng ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 6 không làm giảm đi sự hưng phấn khi 10 gia đình có con nhỏ cùng nhau trải qua 5 phần thi của chương trình “Cùng con đến bảo tàng” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Tiếng cười nói xôn xao, háo hức của những người bạn nhỏ mới lần đầu gặp mặt khiến một góc bảo tàng rộn rã hẳn lên.

Khi nghe Ban tổ chức thông báo, phần thi đầu tiên với tên gọi “Nhà mình đi đâu thế?” sắp bắt đầu, mỗi gia đình phải tự đặt tên cho gia đình mình, các em nhỏ lại một lần nữa nhao lên, những nhà sáng tạo nhí “vẽ vời” đủ thứ tên gọi hay ho. Các ông bố, bà mẹ mồ hôi nhễ nhại cũng vui lây với niềm vui của con.

Ba của Ý Như (6 tuổi, quận Hải Châu) chia sẻ: “Mùa hè con không đi học thêm nên tôi tranh thủ đưa con đi chơi, cho con tiếp xúc với nhiều người giúp con tự tin hơn. Các con có thể quan sát tận mắt những gì mình được học. Đây là phương pháp “học mà chơi-chơi mà học”. Việc được trực tiếp tiếp cận với các hiện vật tại bảo tàng là cách giúp các con có được sự hứng thú thực sự để chủ động tìm hiểu sâu hơn về một đề tài nào đó trong cuộc sống”.

Hôm nay Ý Như bị sốt, môi và má còn ửng đỏ, vậy mà em vẫn chơi hết mình tất cả các trò chơi thổi bóng về đích, bịt mắt đập niêu… Tiếng cười khanh khách, trong trẻo của em hòa cùng niềm vui chung của bạn bè.

Đến phần tham quan và nghe thuyết minh về không gian trưng bày tầng 1 và tầng 2 của Bảo tàng Đà Nẵng, các em nhỏ lại vô cùng trật tự và tập trung. Giọng nói dịu dàng của cô thuyết minh viên đưa các em về thời ông bà sử dụng đồ đá, đồ đồng. Bao ánh mắt thơ ngây chăm chú. Các ông bố bà mẹ đều có chung suy nghĩ phải nghe cùng con, học cùng con.

Chị Bình, mẹ của Quỳnh Anh (7 tuổi, quận Thanh Khê) chia sẻ, việc cha mẹ và các con cùng nhau tham gia các trò chơi và tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại Bảo tàng Đà Nẵng, giúp các thành viên trong gia đình gần gũi, chia sẻ, quan tâm đến nhau hơn. Đặc biệt, việc nhìn về quá khứ cũng giúp các con hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại.

Anh Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục-truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, khi cha mẹ, ông bà đưa trẻ đến bảo tàng, họ sẽ cùng trẻ chia sẻ, trao đổi về các đồ vật, hình ảnh yêu thích hay các sự kiện lịch sử liên quan. Đây không chỉ là khoảng thời gian thú vị mà còn là cách học tập cuốn hút, tạo được sự quan tâm đặc biệt của trẻ đối với lịch sử, nghệ thuật và khoa học. Những chương trình như “Cùng con đến bảo tàng” sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng duy trì và đổi mới cách tổ chức hơn nữa để thu hút ngày càng nhiều khách tham quan nhí đến bảo tàng.

Thực tế, việc đưa trẻ đến bảo tàng ngày nay không còn là điều quá xa lạ. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng), trong vài năm trở lại đây, phụ huynh bắt đầu đưa trẻ đến bảo tàng nhiều hơn. Với giá vé 20.000 đồng cho người lớn và miễn phí cho trẻ em, bảo tàng luôn khuyến khích phụ huynh hãy tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc nghệ thuật từ nhỏ. Bởi vì nghệ thuật làm tăng trong trẻ sự tự tin. Việc đọc được một tác phẩm kinh điển, xem một bức tranh hoặc một bức tượng nổi tiếng giúp cho trẻ tự xây dựng cách thể hiện quan điểm cá nhân về thế giới xung quanh chúng.

Cha mẹ là bạn của con

Vừa đưa con đến trung tâm Anh ngữ xong, chị Khánh Linh (đường Nguyễn Thiện Kế, quận Sơn Trà) tiếp tục đến quán cà-phê nói tiếng Anh trên đường Nguyễn Văn Thoại. Dạo này, chị thường tranh thủ đến đây để luyện nói tiếng Anh trong lúc chờ con tan ca học.

Chị vốn là dân ngoại ngữ nhưng từ khi lấy chồng, sinh con, lại làm công việc ít liên quan đến tiếng Anh nên kiến thức đã “rơi rụng” nhiều. Cu Bo 5 tuổi nhà chị được học tiếng Anh từ sớm nên đã giao tiếp được những câu đơn giản. Chị muốn tạo cho con môi trường rèn luyện giao tiếp thường xuyên nên không có cách nào khác ngoài việc mẹ phải đi học lại để nói chuyện cùng con. Chị Linh chia sẻ, việc học ngôn ngữ mới không đơn thuần là để giao tiếp mà đây là việc làm cần thiết để kích hoạt não bộ trẻ em.

Ngày nay, phụ huynh đã nhận ra được vai trò của việc học ngoại ngữ nên có nhiều trung tâm tiếng Anh mở ra trên địa bàn Đà Nẵng, hầu hết có giáo viên là người nước ngoài. Đây là môi trường rất tốt cho trẻ học được khả năng phát âm chuẩn. Bên cạnh đó, để khả năng học ngoại ngữ của trẻ em được phát triển hoàn thiện, nhiều phụ huynh không chỉ gửi con đến các trung tâm mà còn nỗ lực học tiếng Anh để đồng hành với con trong việc hoàn thiện ngoại ngữ.

“Tôi tin rằng, việc bảo đảm giao tiếp tiếng Anh trong tương lai gần không còn là ưu thế vượt trội mà sẽ trở thành điều bình thường trong xã hội. Còn những bạn không có khả năng tiếng Anh cũng đồng nghĩa với việc nhận sự thiệt thòi trong việc giao tiếp và lĩnh hội kho tri thức khổng lồ của nhân loại”, chị Linh nói thêm.

Các trung tâm Anh ngữ hiện nay không chỉ đơn thuần dạy tiếng mà còn lồng ghép các chương trình trải nghiệm, học kỹ năng sống. Cô Mỹ Tuyết, giáo viên tại trung tâm Anh ngữ Pingo (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) chia sẻ, mùa hè luôn là mùa các trung tâm Anh ngữ đón nhiều học viên nhí hơn. Các chương trình học dành cho mùa hè vì thế cũng đặc biệt hơn.

Hè này, Pingo tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho các con được khám phá và thỏa sức vui chơi, như những buổi học ngoại khóa ở ngoài, đi phỏng vấn những vị khách người nước ngoài và tham gia những trại hè như: Trại hè không gian (giúp các con khám phá không gian, ngắm sao bằng kính thiên văn); Trại hè xanh: Tổ chức tại nông trại Hội An giúp các con khám phá, bảo vệ môi trường và vui chơi, học làm nông dân…

Trải nghiệm những ngày hè cùng con, hay cho con tham gia các lớp kỹ năng, năng khiếu, là cách để phụ huynh có thể giúp con có thêm những người bạn mới, học được những điều mới mẻ trong cuộc sống và giúp con trưởng thành thêm mỗi ngày.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.