Đà Nẵng cuối tuần

"Đồng bạc hoa xòe"

11:30, 07/07/2019 (GMT+7)

* Xin cho hỏi, trong câu ca “Em tham đồng bạc hoa xòe/ Trốn cha trốn mẹ đi kề người Tây” thì “đồng bạc hoa xòe” là đồng bạc ra sao và được lưu hành ở nước ta thời gian nào? (truongmyhanh@...)

-“Đồng bạc hoa xòe” là tên gọi dân gian của đồng bạc Mexicana của nước Republica Mexicana (Cộng hòa Mexico, người Việt gọi là Mễ Tây Cơ hay Mê Hi Cô), một trong những đồng bạc nước ngoài lưu hành ở Việt Nam trong thế kỷ XIX.

Đồng bạc Mexicana (“Đồng bạc hoa xòe”) lưu hành chính thức ở Việt Nam từ năm 1862 đến năm 1906. (Nguồn: Internet)
Đồng bạc Mexicana (“Đồng bạc hoa xòe”) lưu hành chính thức ở Việt Nam từ năm 1862 đến năm 1906. (Nguồn: Internet)

Ngày 10-4-1862, ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, Tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha là Thiếu tướng Bonard đã ký quyết định cho phép lưu hành đồng bạc Mexicana. Để củng cố chính quyền Pháp tại Đông Dương, ngày 3-10-1905 Chính phủ Pháp ra nghị định nêu rõ “kể từ 1-1-1906, đồng Mexicana không còn giá trị pháp định” trên toàn cõi Đông Dương.

Đồng bạc Mexicana hình tròn, chính giữa có hình một con đại bàng, mỏ ngoạm và móng vuốt quắp một con rắn đang đậu trên cành cây xương rồng mọc trên một tảng đá bên hồ nước. Dân gian người Việt trông giống con cò nên gọi là “đồng bạc con cò” (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim) như câu ca xưa: “Cưới em phải bạc con cò/ Đâu phải hẹn hò lo chuyện đẩy đưa; “Chớ tham đồng bạc con cò/ Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang-sa” (phiên âm từ tiếng Pháp France, nghĩa là nước Pháp).

Phổ biến hơn, người Việt gọi đồng bạc Mexicana là “đồng bạc hoa xòe” vì mặt sau có hình chiếc mũ tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra: “Em tham đồng bạc hoa xòe/ Trốn cha trốn mẹ đi kề người Tây”; “Mùa đông lụa lụa the the/ Mùa hè bán bạc hoa xòe sắm khăn”.

Nói thêm, cần phân biệt “đồng bạc hoa xòe” với “đồng bạc đầm xòe”.

“Đồng bạc đầm xòe” là cách dân gian gọi đồng “Piastre de Commerce - Indochine Française” (Đồng bạc Thương mại lưu hành tại Nam Kỳ thuộc Pháp). Đồng bạc này được đúc lần đầu tiên vào năm 1879, mặt trước ghi rõ chuẩn bạc “Titre 0,900” và trọng lượng “Poids 27,2156 gram”.

Năm 1885, sau khi xảy ra biến cố thất thủ kinh đô Huế, người Pháp chiếm được cả Việt Nam và cho đúc lại đồng bạc “Piastre de Commerce – Indochine Française” (Đồng bạc Thương mại lưu hành tại Đông Dương thuộc Pháp) với trọng lượng và độ bạc như “Piastre de Commerce – Indochine Française”, nhưng ghi năm đúc 1885.

Các đồng bạc “Piastre de Commerce”, mặt trước có hình bà đầm (tiếng Pháp: dame) Marianne (biểu tượng nền Tự do của Cộng hòa Pháp) đội vương miện có hào quang tỏa sáng. Trong bài “Đồng bạc Đông Dương” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 274, tháng 12-2006, tác giả Nguyễn Anh Huy cho rằng: Chính vì thế nên dân gian gọi đồng tiền này là “đồng bạc bà đầm” hoặc “đồng bạc đầm xòe” nên rất dễ nhầm với cụm từ “đồng bạc hoa xòe”!

Bà đầm Marianne có dáng hình giống Nữ thần Tự do. Vòng quanh bên trái và bên phải bà đầm có hàng chữ République Française, phía dưới ghi năm đúc. Mặt kia, ngoài hàng chữ Piastre de Commerce, còn có ký hiệu “A”, tức đúc tại Paris; ngoài ra còn có hàng chữ “Cochichine Française” (Nam Kỳ thuộc Pháp) hoặc “Indochine Française” (Đông Dương thuộc Pháp), và “Titre 0,900 – Poids 27,215 gram” hoặc 27gram).

ĐNCT

.