Đi tìm dấu chân cụ Lương Đình Thực

.

Cụ Lương Đình Thực là một nhà yêu nước xứ Quảng đầu thế kỷ 20, cụ từng tham gia Duy tân hội, Việt Nam Quang phục hội và khởi nghĩa Trần Cao Vân - Thái Phiên năm 1916; tuy nhiên, những năm tháng cuối cuộc đời, khi bị bắt và tù đày năm 1916-1917 thì thông tin về cụ mịt mờ. Với niềm đam mê lịch sử và với trách nhiệm là người cháu ngoại của cụ Lương Đình Thực, tác giả Đỗ Hùng Luân đã dày công tìm kiếm sử liệu, điền dã, gặp gỡ các bậc cao niên để biên soạn nên tập sách Nhà yêu nước Lương Đình Thực trong cuộc khởi nghĩa 1916 do Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo, vừa được Nhà Xuất bản Đà Nẵng phát hành.

							Ảnh: V.H
Ảnh: V.H

Tập sách với cách hành văn vừa theo lối bút ký, vừa khảo tả di tích và cả ký sự chân dung… là một tư liệu quý về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm ở xứ Quảng. Và trên thực tế lâu nay khi nói về cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ vua Duy Tân năm 1916, chúng ta thường nhắc đến những người Quảng tham gia lãnh đạo như: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Lê Cơ, Phan Thành Tài, Mai Dị… cho nên cuốn sách này có một ý nghĩa lớn là làm rõ thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà yêu nước Lương Đình Thực làng Bãi Dương (nay là thôn Quý Thượng thuộc xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ), nhất là điểm nhấn khi cụ trực tiếp tục tham gia khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân ở phủ Tam Kỳ.

Điều dễ nhận thấy trong tập sách là tác giả đã viện dẫn nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị của ông Nguyễn Trương Đàn - nay đã qua đời - chủ yếu là những thông tin về Lương Đình Thực từ tài liệu số 50 trong hồ sơ ANOM-65530 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp Aix-en-Provence. Nhưng quan trọng hơn, tác giả phát huy được thế mạnh người trong nhà để làm rõ hơn nhiều về hành trạng ông ngoại của mình, qua đó người đọc thấy rõ hơn mối liên hệ giữa ba phong trào yêu nước ở xứ Quảng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Nghĩa hội Quảng Nam năm 1885, Duy Tân hội năm 1903 và khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916.

Tập sách cũng chứng minh một điều là truyền thống gia đình có ảnh hưởng rất rõ đối với tâm thế của một con người. Cụ thể là thân sinh cụ Lương Đình Thực là Lương Văn Sớm đã tham gia Nghĩa hội Quảng Nam từ buổi đầu khởi sự cho đến năm 1887 - sau khi Nghĩa hội tự giải tán và Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu bị bắt - mới trở về quê nhà truyền lửa cho con trai Lương Đình Thực; và không phải ngẫu nhiên mà đầu năm 1904, Lương Đình Thực đã có tên trong danh sách hội viên Duy Tân hội thành lập hồi năm 1903 tại Nam Thạnh sơn trang của Tiểu La Nguyễn Thành và đến năm 1916 lại tiếp tục tham gia khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân ở phủ Tam Kỳ - một địa phương được xem là duy nhất thực sự diễn ra binh biến trong toàn bộ cuộc vận động khởi nghĩa đầy bi tráng khắp các tỉnh Trung kỳ lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, tập sách góp phần đính chính một sai lầm trong cuốn dật sử về bà Hoàng Thị Tòng của Nguyễn Lượng và Nguyễn Thường, cũng như trong cuốn sách Nhà đày Lao Bảo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị cho rằng Lương Đình Thực là một trong những người tù yêu nước ở Lao Bảo.

Bởi thực tế đã chứng minh cụ Lương Đình Thực bị bắt tại nhà riêng ở làng Bãi Dương vào ngày 17-5-1916 - đúng vào ngày Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu và Tôn Thất Đề hy sinh ở pháp trường An Hòa. Lương Đình Thực bị tạm giam một thời gian ở tỉnh đường Quảng Nam, rồi bị đày biệt xứ vào nhà lao trong thành Bình Định. Đến ngày 15-12-1917, cụ Lương Đình Thực được đưa xuống tàu ở Cửa Giã để đày đi Côn Đảo, nhưng do đột ngột phát bệnh thổ tả, không có thuốc chữa trị kịp thời, nên Lương Đình Thực đã phải trút hơi thở cuối cùng nơi đây.

Một điều rất đáng quan tâm trong cuốn sách là quá trình tìm mộ cụ Lương Đình Thực, bởi sau khi đột ngột từ trần, cụ được gia đình nhờ người thân thích vào mai táng ở Cửa Giã. Cho nên muốn tìm được mộ Lương Đình Thực thì trước hết phải xác định cho được địa danh cổ Cửa Giã nay ở đâu trên đất Bình Định - vì gần 100 năm nay không ai dùng và biết đến địa danh này nữa. Phải bắt đầu từ Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, phải tiếp tục với Nước non Bình Định của Quách Tấn và phải nhờ đến mạng xã hội. Cuối cùng tác giả mới tìm thấy đáp án chính xác: Cửa Giã tức là cửa Thi Nại. Có thể khẳng định, tập sách này góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu vùng đất và con người xứ Quảng trong dòng chảy lịch sử.

VÕ HÀ

;
;
.
.
.
.
.