Từ bản tin đầu tiên…

.

Tôi theo nghề báo như một sự tình cờ đầy may mắn. Học xong lớp 12, đang phân vân chưa biết chọn nghề gì thì lúc đó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng và Báo Quảng Nam-Đà Nẵng mở lớp tuyển phóng viên cho báo và các bản tin của các Huyện ủy lúc bấy giờ, vậy là tôi nộp đơn ứng thí.  

Cuộc thi tuyển phóng viên cho Báo Quảng Nam-Đà Nẵng đợt đó rất đông. Tôi lọt vào tốp thí sinh có điểm thi cao và được chọn đi học. Lớp tôi có 60 học viên, phần lớn vừa tốt nghiệp PTTH và một số vừa rời quân ngũ trở về. Cùng lớp tôi lúc đó có các anh chị đã là phóng viên, biên tập viên “cứng cựa” của báo như anh Nguyễn Đình Xê, anh Trương Ngọc Phương, chị Hứa Mỹ Hạnh…

Tác giả trong một lần tác nghiệp giữa mùa mưa lũ năm 1999.
Tác giả trong một lần tác nghiệp giữa mùa mưa lũ năm 1999.

May mắn của tôi là được học nghề với các nhà báo lão luyện của Thông tấn xã Việt Nam lúc bấy giờ như chú Đinh Chương, chú Đoàn Bá Từ và các anh chị là nhà báo cựu trào của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, Đài Truyền hình Đà Nẵng, Đài Phát thanh Quảng Nam-Đà Nẵng. Tôi vẫn nhớ như in bài giảng đầu tiên của nhà báo Đoàn Bá Từ về cách viết tin sao cho không sáo mòn, rập khuôn theo dạng công báo, viết sao cho thu hút để người đọc phải theo hết bản tin mình viết. Chú Đoàn Bá Từ phê phán kiểu viết tin theo phong trào, áp đặt, kiểu như “Chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con xã Đại Đồng ra quân thu hoạch lúa Đông Xuân”, hay “Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập HTX nông nghiệp Duy Trinh, chị em phụ nữ ra đồng hái dâu”… Những câu chuyện chú dẫn chứng nghe mà cười lăn lộn vì phóng viên lười suy nghĩ, chỉ viết theo quán tính để cho ra những bản tin vô thưởng vô phạt và dặn chúng tôi phải tránh cách làm báo như thế.

Sau 9 tháng học nghiệp vụ, 8 trong số 60 học viên của lớp được chọn về thực tập tại Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó có tôi. Lần đầu tiên tôi xa nhà lâu như thế. Mọi thứ với tôi đều mới mẻ. Tôi đến tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng lúc đó ở số nhà 23 Yên Bái với tâm trạng háo hức của một người mới bước những bước chập chững đầu tiên vào nghề báo. Tôi được phân công về Ban Công nghiệp- TTCN do chú Như Hồng phụ trách. Học thì đơn giản, nhưng khi đi thực tập mới thấy nhiêu khê. Tôi không biết mình phải bắt đầu như thế nào nên xin chú Hồng cho tôi về Hội An viết tin bài vì Hội An lúc đó ngành TTCN như dệt vải, làm mành trúc xuất khẩu và may thêu rất phát triển.

Mỗi ngày tôi cặm cụi đến một cơ sở và ghi tất cả những điều mắt thấy tai nghe vào sổ. Xong tối về cặm cụi viết ra giấy. Bản thảo của tôi nhòe nhoẹt những vết xóa đi, viết lại không biết bao nhiêu lần. Mỗi bản tin viết ra có khi đến lần thứ tư mới thấy tạm được. Viết xong, bỏ vào phong bì rồi sáng thứ hai cặm cụi đạp xe ra tòa soạn nộp cho trưởng ban.

Nộp xong tin thì sáng nào cũng lóc cóc đạp xe đến tòa soạn chờ đọc tờ báo đầu tiên, đọc hết cả 4 trang giấy khổ A0 toàn chữ dày đặc để tìm tin của mình. Hồi đó báo ra mỗi tuần có 3 số, mà phóng viên theo dõi mảng thì đông, nên tin bài của phóng viên thực tập khó mà lọt vào trang. Mất hai tuần không thấy có tin đăng, tôi như người mất phương hướng. Tối nào nằm ngủ cũng mơ thấy tin mình được đăng hoành tráng, sáng ra dò tìm mãi trên báo không thấy đâu, nghĩ chắc số mình không làm báo được rồi, thôi về kiếm nghề khác mà làm.

May đâu, số báo thứ hai đầu tuần kế tiếp, có tin của tôi mà là tin vắn, lẫn trong cột tin vắn của các anh chị phóng viên các ban. Bản tin đầu tiên của tôi viết về HTX mành trúc Hội An tìm được khách hàng mới ở châu Âu đặt hàng xuất khẩu dài hạn. Bản tin vỏn vẹn có hơn 50 chữ, mà tôi đọc mất hơn cả giờ mới xong, lòng lâng lâng sung sướng như vừa lập được một chiến công hiển hách. Bản tin đầu tiên đó, tôi đọc thuộc cả dấu chấm, dấu phẩy và đến bây giờ những dòng tin nhỏ bé lẫn trong cột tin ấy vẫn như hiển hiện trước mắt tôi mỗi khi nghĩ về nghề báo.

Từ tin vắn đầu tiên được đăng, tôi như có thêm động lực để làm việc. Và từ Hội An, tôi đạp xe đi khắp các huyện trong tỉnh để viết tin bài. Chỗ nào tôi cũng xông tới, hỏi han, nghe ngóng ghi vào sổ tay, tối về nghiền ngẫm rồi viết. Từ tin vắn, đến tin ngắn, tin sâu, tường thuật, ghi nhanh, cả người tốt việc tốt… tôi đều lăn xả vào viết. Viết quên ăn, quên ngủ và háo hức chờ báo ra, lại mừng rơi nước mắt mỗi lần đọc thấy tên mình dưới mỗi tin, bài trên báo. Kết thúc đợt thực tập hai tháng, tôi có gần 50 tin bài được đăng và lọt vào tốp phóng viên thực tập có tin bài được đăng nhiều nhất trong thời gian đó.

Vậy là sau đợt thực tập tốt nghiệp, tôi và 6 đồng môn được chọn về làm phóng viên chính thức của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng. Tôi bắt đầu bước vào nghề báo với bao hy vọng, mơ ước thật đẹp của một phóng viên trẻ với cái nghề mà mình quyết định gắn bó cả đời. Và sau hơn 30 năm làm nghề, tôi không thể nhớ mình đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu bức ảnh được đăng. Nhưng cho đến lúc này, mỗi lần viết bài xong gửi tòa soạn, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc háo hức chờ đọc bài của mình trên báo. Và vẫn rưng rưng xúc động như lần đọc bản tin vắn đầu tiên.

Kim Em
 

;
;
.
.
.
.
.