Quê nội

.

Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng có một miền ký ức về quê hương, xứ sở, về những ký ức tuổi thơ thật giản dị, êm đềm và trong sáng. Tuổi thơ tôi cũng vậy, nó gắn liền với những con người chân chất, bình dị của một thời khốn khó nhưng thấm đẫm chất trữ tình và những hoài niệm khó quên.

Thuở còn thơ, tôi thường hay được ba chở về nội chơi mỗi cuối tuần. Quê nội tôi là một vùng quê nghèo với đầy đủ những đặc thù của nông thôn Trung bộ. Những cây cổ thụ soi bóng lên dòng Vu Gia êm đềm, những cánh đồng lúa xanh rì với mấy con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, những mái nhà tranh xiêu vẹo, những con đường làng xanh mát bóng tre...

Ảnh: L.T
Ảnh: L.T

Thuở ấy, để về đến nhà nội có khi tôi phải lội bùn quá mắt cá chân, nhiều hôm dẫm phải gai tre đau buốt mà mất mấy hôm sau mới lấy ra được. Bà nội thương tôi lắm, có trái thơm, miếng mít hay quả đu đủ bà cũng dành cho tôi. Có lẽ vì tôi là cháu út, lại ở xa nên nội ưu tiên tôi hơn những anh em khác một chút. Hễ thấy vắng vắng là nội hỏi mấy anh: “Thằng Ký đâu rồi?” Thật ra tên tôi không phải là Ký, nhưng có lẽ trí nhớ và tuổi tác đã làm lệch đi cách phát âm của nội.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi trưa hè đầu trần long nhong ngoài trời nắng chang chang. Mấy anh em tôi phá lắm, bày đủ thứ trò nghịch ngợm. Tôi nhớ góc vườn của nội. Vườn không rộng lắm nhưng lúc nào cũng có thứ quả gì đó cho bọn nhóc chúng tôi trèo hái. Một cây bưởi trĩu quả xòe tán mát rượi mà chúng tôi vẫn hay tranh cãi nó là bưởi hay thanh trà. Nhưng thật ra thì không quan trọng lắm, vì thứ làm tôi chú ý hơn vẫn là mùi bông bưởi thơm ngát và những múi bưởi chua chua, ngọt ngọt khi chấm với muối ớt cay xè.

Ngay cạnh cửa sổ nhà dưới là mấy cây mãng cầu cao ngang nóc nhà. Những trái mãng cầu tội nghiệp chưa kịp mở mắt đã bị anh em tôi leo vặt sạch. Quả nào chín mềm sẽ bị chúng tôi cho vào miệng ngay trên cây, quả nào còn cứng thì hái xuống, vùi vào thùng trấu chờ thêm ít hôm nữa… Sát bên hàng rào, cây khế ngọt tỏa bóng rợp cả một góc vườn. Bác tôi vẫn cấm tụi tôi leo cây khế vì cành rất giòn. Nhưng bọn trẻ con làm gì biết nghe lời, cứ đến giữa trưa, khi người lớn chìm vào giấc ngủ, chúng tôi lại nháy nhau lẻn ra ngoài, trèo lên cây khế ngồi ngất nghểu. Thi thoảng bị bác bắt được, quất cho mỗi đứa vài roi nhưng được vài hôm, đâu lại vào đấy.

Có một thú vui nữa mà chúng tôi rất thích, đó là rúc vào mấy ruộng mía chơi trốn tìm. Những ruộng mía bạt ngàn là một thế giới bí mật của những tên trộm nhí, nhưng cũng không giấu được ai khi mà ra khỏi ruộng mía, mặt mày đứa nào cũng lấm lem bụi mía, khóe miệng bám bụi đen tới tận mang tai. Thi thoảng tôi vẫn theo mấy anh lớn hơn đến lò mía đường trong làng.

Tôi không nhớ lắm cách người ta nấu mía lấy mật, chỉ nhớ mình sướng rơn khi chủ lò múc một gáo đường non, đổ vào bẹ chuối rồi rắc đậu phộng lên trên. Chưa kịp để đường khô và nguội đi, chúng tôi thi nhau bẻ từng miếng đường cho vào miệng, cảm nhận cái ngọt lịm của đường, vị béo ngậy của đậu phộng trên đầu lưỡi. Với tôi, thứ kẹo đường ấy ngon ngọt hơn bất kỳ loại bánh kẹo nào được thưởng thức sau này.

Ở nông thôn, thích nhất vẫn là những đêm hè với bầu trời trong veo cùng muôn ngàn ánh sao lung linh. Tôi thích những đêm ra đồng, để ngực trần nằm giữa đất trời bao la, ngửa mặt ngắm nghía dải ngân hà lấp lánh vắt ngang bầu trời bí ẩn và đầy cuốn hút, lắng nghe tiếng côn trùng rỉ rả dưới lưng mình, hít thật sâu mùi cỏ non thơm ngọt quyện trong đất bùn khô, từng cơn gió quấn quít, mơn man lên da thịt, rồi từ từ chìm vào giấc ngủ êm đềm, sâu lắng.

Có lẽ cái tuổi thơ nhiều thi vị ấy đã ngấm ngầm gieo vào tâm hồn tôi một thứ tình yêu khó tả với thiên nhiên, cây cỏ. Đôi khi giữa phố phường ồn ào, bụi bặm, tôi lại mơ về một ngôi nhà nhỏ bên cánh đồng lúa chín. Tôi sẽ mở toang cửa sổ cho cơn gió đồng mát lạnh lùa vào phòng, để được ngửi thấy mùi ngai ngái của đất bùn, của rơm rạ, của phân trâu, để nghe tiếng lá xào xạc trong vườn, tiếng kẽo kẹt của bụi tre ngoài ngõ, tiếng con bò thi thoảng ngẩng đầu kêu thảng thốt... để tôi lại được về ngủ giấc ngủ êm đềm trong tiếng ru dịu dàng, thương nhớ của quê tôi.

Lê Trí

 

;
;
.
.
.
.
.