Gian nan hòa nhập

.

Quyết định 23/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định rõ: Các địa phương, các cơ sở giáo dục phải giúp người khuyết tật được hưởng quyền học tập bình đẳng như những người học khác; tạo điều kiện và cơ hội cho người khuyết tật học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng và phát triển khả năng của bản thân để hòa nhập cộng đồng. Chương trình dạy giáo dục hòa nhập (GDHN) cho trẻ khuyết tật (TKT) đã được phổ cập từ rất lâu và ngày càng đi vào chiều sâu.

Việc học hòa nhập tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh khuyết tật được tham gia các hoạt động hòa nhập với cộng đồng. Ảnh: Q.T
Việc học hòa nhập tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh khuyết tật được tham gia các hoạt động hòa nhập với cộng đồng. Ảnh: Q.T

Rào cản từ nhận thức

Thực hiện thỏa thuận tài trợ giữa UBND quận Ngũ Hành Sơn và Trường Chuyên biệt tư thục (CBTT) Thanh Tâm về thực hiện dự án “Phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng” giai đoạn 2018-2022, có 5 trường tiểu học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (với 84 học sinh và 48 giáo viên) tham gia dự án. Tổ tư vấn GDHN Trường CBTT Thanh Tâm đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nâng cao năng lực về GDHN cho các giáo viên. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong chương trình giáo dục.
Trường tiểu học Tô Hiến Thành là 1 trong 5 trường tham gia dự án nên được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất như phòng dạy tiết cá nhân, đồ dùng dạy học, giáo viên được tập huấn,... đó là những thuận lợi cơ bản, tạo nền tảng bước đầu đối với công tác GDHN cho TKT trong nhà trường.

Bà Lê Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Qua các buổi tập huấn, hiện giáo viên nhà trường có được những kiến thức khá chắc đối với công tác này, tuy nhiên trường Tô Hiến Thành cũng như các trường khác còn nhiều vướng mắc. Đầu tiên phải kể đến là nhận thức của phụ huynh. Đó là một rào cản lớn đối với công tác dạy hòa nhập cho TKT”.

Năm học 2018 - 2019, Trường tiểu học Tô Hiến Thành có 38 trẻ học hòa nhập. Trong đó có 30 học sinh chậm phát triển trí tuệ, 4 học sinh rối loạn hành vi, 1 học sinh khiếm thính, 1 học sinh khiếm thị, 2 học sinh khuyết tật về vận động. Số lượng TKT đông như vậy nhưng chỉ có ½ trẻ có hồ sơ TKT. Những trẻ chưa có hồ sơ khuyết tật một phần do việc làm chứng nhận cho trẻ tốn kém, nhiều gia đình không có điều kiện; phần còn lại, phụ huynh không chấp nhận con mình là TKT, không muốn con mang hồ sơ khuyết tật cả cuộc đời. Đặc biệt, có phụ huynh còn tâm lý phó mặc trẻ cho nhà trường, coi đó là trách nhiệm của ngành giáo dục.

“Khi chúng tôi phát hiện trẻ có những biểu hiện tự kỷ, tăng động, nhà trường mời phụ huynh lên trao đổi, mong nhận được sự phối hợp để tìm ra biện pháp giáo dục tốt cho trẻ thì phụ huynh không đồng ý. Phụ huynh cứ nghĩ những biểu hiện như chạy nhảy, nghịch ngợm của con là… hiếu động, thông minh. Một số học sinh không có ý thức tự chủ, thường chạy khắp lớp học, thích là cười, thích là la hét trong lớp, cá biệt có em còn chạy nhảy quanh trường, chui rào, trèo tường… khiến giáo viên rất vất vả. Dù vậy, phụ huynh vẫn từ chối đưa con đi kiểm tra”, bà Hoa nói thêm.

Vướng mắc thứ hai gây khó khăn lớn cho giáo viên là trẻ học hòa nhập có nhiều dạng tật khác nhau, đòi hỏi phải có nhiều giáo án giảng dạy khác nhau. Trong khi đó, giáo viên phổ thông không được trang bị đủ kiến thức cũng như đồ dùng dạy học. Thực tế mà nói, các số liệu về TKT vẫn còn chênh lệch vì chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể khái niệm thế nào là TKT. Chính vì thế, khi các cơ quan tiến hành thống kê thì mỗi đơn vị có những quan điểm riêng về người khuyết tật nên có sự khác nhau về số lượng.

Bà Trần Thị Loan, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, theo quy định hiện hành, để xác định trẻ có bị khuyết tật hay không phải do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật phường, xã cấp giấy chứng nhận. Hội đồng căn cứ vào những bộ câu hỏi theo quy định (dành cho trẻ dưới 6 tuổi và người từ đủ 6 tuổi trở lên) kết hợp quan sát, phỏng vấn để đánh giá. Đối với những thể khuyết tật vận động, việc xác định mức độ khuyết tật có vẻ dễ. Nhưng đối với những khuyết tật thể tâm thần, thần kinh, trí tuệ thì có những lúc hội đồng đánh giá mang tính chủ quan, cảm tính. Một số trường hợp như tâm thần phân liệt, trẻ có những lúc bình thường, nhưng có lúc lại lên cơn; hoặc như bệnh tự kỷ thì cũng thuộc dạng khuyết tật trí tuệ nhưng nhìn bề ngoài khó lòng phân biệt được. Việc không được cấp giấy chứng nhận khuyết tật khiến TKT và giáo viên không nhận được sự hỗ trợ tốt của xã hội. Vấn đề này cũng là một bất cập.

Sự tâm huyết của thầy cô

Nhiều năm làm công tác tập huấn cho giáo viên dạy hòa nhập, cô Lê Thị Giang (giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng) chia sẻ: “Không đơn thuần chỉ là người dạy chữ, những giáo viên dạy học sinh hòa nhập còn chịu nhiều khó khăn, vất vả và áp lực. Các thầy cô vừa phải quản lý lớp với hơn 30 học sinh vừa phụ trách từ 2-3 TKT nên phải chịu áp lực lớn không chỉ từ phía học sinh mà còn từ phía phụ huynh. Vì thế, bên cạnh những kỹ năng sư phạm cần thiết, rất cần ở giáo viên dạy hòa nhập sự tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu thương trẻ”.

“Tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng yêu thương học trò” là nhận xét của các thầy cô Trường tiểu học Tô Hiến Thành dành cho thầy Lê Hồng Minh. Đó là lý do vì sao năm học nào thầy Minh cũng được giao chủ nhiệm lớp có 3-4 em theo học hòa nhập. Theo thầy Minh, mỗi TKT dù bị khiếm khuyết đến mức nào đi nữa nhưng vẫn có tiềm năng để phát triển. Quan trọng là chúng ta có biết cách đánh thức tiềm năng đó hay không.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường CBTT Thanh Tâm cho rằng, để TKT học hòa nhập thành công cần có 3 yếu tố: Sự quan tâm của phụ huynh, trách nhiệm của giáo viên và nỗ lực của chính các em. Không ít trường hợp các em học chuyên biệt một thời gian, được can thiệp, giáo dục, đủ điều kiện để ra học hòa nhập nhưng chỉ một thời gian sau, vì thiếu một trong 3 yếu tố trên (hoặc cả 3?) mà các em lại quay về trường chuyên biệt, quay về xuất phát điểm ban đầu. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Do đó, dự án “Phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng” của Trường CBTT Thanh Tâm là một dự án dài hơi nhằm giúp giáo viên phổ thông đủ tự tin, đủ kiến thức để giúp TKT học hòa nhập thành công.

Tập trung phát triển kỹ năng sống

Tháng 4 vừa qua, nhằm kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), Trường tiểu học Tô Hiến Thành tổ chức chương trình “Ngày hội vòng tay yêu thương” cho 35 em học sinh KT học hòa nhập; mỗi khối lớp cử thêm 10 em học sinh bình thường tham gia. Trong hoạt động này, nhà trường lồng ghép một số trò chơi dân gian như kéo co, gắp đậu bằng đũa, kẹp bóng bằng trán… Ngày hội được tổ chức trong không gian ấm áp, thân thiện và đầy ắp niềm vui giành cho trẻ khuyết tật.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, TKT bị hạn chế về trí tuệ nên gặp khó khăn trong giao tiếp, ứng xử xã hội và khả năng tự phục vụ bản thân. Do đó, TKT (nhấn mạnh đến TKT về trí tuệ chứ không phải khuyết tật thể vận động khác-PV) phải được học theo chương trình phù hợp với trình độ cũng như đặc điểm tâm sinh lý của trẻ và phát triển theo chiều hướng khác so với trẻ bình thường. Mặc dù ở lớp học hòa nhập, trẻ cũng được học các kỹ năng đọc, viết và làm toán… nhưng một số trẻ chỉ có thể học được một phần nào đó của các kỹ năng này. Thậm chí có trẻ hoàn toàn không có khả năng học được các kỹ năng đó. Nhưng riêng việc học kỹ năng tự chăm sóc cơ bản lại cần thiết và quan trọng hơn cho bản thân TKT trí tuệ.

Vì vậy, chương trình dạy cho trẻ phải mang tính chức năng, chủ yếu tập trung vào dạy kỹ năng sống cho trẻ bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội nhằm hình thành cho trẻ khả năng sống càng độc lập càng tốt, giúp trẻ có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Từ lý do đó, vài năm trở lại đây, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ. Gần đây nhất là hoạt động dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà với 360 em học sinh (cả học sinh bình thường và học sinh khuyết tật) tham gia.

Các em đã được cùng nhau sinh hoạt tập thể, chơi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, tìm hiểu về thực vật, động vật tại bán đảo Sơn Trà… Sau hoạt động, Sở Giáo dục-Đào tạo tổng kết cho học sinh trao đổi, chia sẻ, nêu cảm nhận của bản thân với thầy cô và bạn bè; từ đó, giáo dục các em về ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế dùng túi ni-lông, chai nhựa…, bảo vệ động vật, thực vật, tình yêu quê hương, đất nước.

Chủ trương GDHN đã có từ rất lâu, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên phụ trách, dù vậy, không phải trường phổ thông nào cũng ủng hộ học hòa nhập. Đại diện một số trường nêu lý do rằng, TKT nên được học trong môi trường chuyên biệt, có đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất để hỗ trợ.

Tại trường phổ thông, các thầy cô không thể có chuyên môn chuyên sâu về bất cứ loại tật nào. Sự giúp đỡ của thầy cô với trẻ rất giới hạn. Các em không theo kịp trình độ các bạn trên lớp, về lâu dài sẽ dẫn đến chán nản. Độ tuổi tâm sinh lý các em ngày càng phát triển, trong khi đó, tuổi trí tuệ lại không theo kịp, dẫn đến việc qua mỗi năm, chương trình học của các em lại phải giảm tải xuống cho phù hợp.

Hiện nay, số lượng trẻ khuyết tật tại Đà Nẵng học giáo dục hòa nhập là: Mầm non-nhà trẻ: 4 em; mẫu giáo: 59 em; tiểu học: 966 em; THCS: 388 em; THPT: 149 em.

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.