Đà Nẵng cuối tuần

Xe ta bon bon…

08:18, 19/05/2019 (GMT+7)

Để đi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, biết bao máu xương của những người chiến sĩ lái xe ngày đêm vượt đường Trường Sơn đầy hiểm nguy, chết chóc để chở gạo, đạn, dụng cụ y tế… tiếp tế cho những người cầm súng trên chiến trường.

Câu chuyện về chiến tranh, về đồng đội luôn hiện hữu khi những chiến sĩ ngày ấy gặp nhau. Trong ảnh: Hai ông Trần Trọng Túy (trái) và Phạm Văn Lãi. Ảnh: Q.T
Câu chuyện về chiến tranh, về đồng đội luôn hiện hữu khi những chiến sĩ ngày ấy gặp nhau. Trong ảnh: Hai ông Trần Trọng Túy (trái) và Phạm Văn Lãi. Ảnh: Q.T

1. 31-5-1965 là ngày không thể nào quên trong cuộc đời người cựu binh Phạm Văn Lãi (sinh năm 1946). Đó là ngày ông quyết định sẽ vào chiến trường để trả thù cho mẹ cha. Đêm trước ngày đi, anh em chòm xóm ở làng lúa Thanh Hương, Thanh Chương, Nghệ An qua nhà, chuyện trò rôm rả. Nhà chẳng còn ai thân thích. Gói ghém hành trang mang theo, ngoài vài bộ áo quần, là di ảnh của cha mẹ, ông lên đường. Nhập ngũ, Phạm Văn Lãi được chọn đi học lớp lái xe 6 tháng, rồi gia nhập vào đoàn 559. Từ đây, Phạm Văn Lãi trở thành mảnh ghép kiên cường của bộ đội lái xe Trường Sơn.

Thử thách đầu tiên với ông là khai thông chuyến xe xuyên đêm vượt đèo Đá Đẽo (tỉnh Quảng Bình). Con đèo được xem là tử huyệt dọc đường Trường Sơn. Đèo dài 17km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có các vòng cua gấp, sườn núi có độ dốc ngang lớn, lại bị xói lở nhiều.

Khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa nắng gió Lào nhiệt độ cao, mùa mưa lũ quét, mùa đông thì mưa dầm âm u rét buốt. Con dốc sừng sững thách thức các lái xe đã từng vận chuyển hàng hóa trên cung đường này. Được giao nhiệm vụ, Phạm Văn Lãi khi ấy nặng vỏn vẹn 45 ký đã một mình bước lên buồng lái chiếc Zin ba cầu, đưa xe cùng hàng hóa vượt đèo Đá Đẽo.

Sau cao điểm đèo Đá Đẽo là đến cao điểm cột mốc 45. Anh em lái xe ngày ấy đùa với nhau rằng, chỉ cần qua được cao điểm 45 là yên tâm mình còn sống. Không thể nhớ hết bao nhiêu tình huống trên đường vận chuyển. Những chuyến xe lấy đêm làm ngày vượt qua những bãi bom phá, bom từ trường, bom bi và nhiều đợt bắn phá của máy bay địch trên các trọng điểm dọc đường Trường Sơn.

Giờ nhớ lại, ông bảo: “Có một điều đặc biệt là những ngày chiến tranh không ai sợ chết cả. Đi giữa chiến tranh ai cũng luôn mong mình sống nhưng không sợ chết. Dù sống chết rất mong manh. Cung đường chúng tôi đi mỗi chuyến bắt đầu từ Hải Phòng, vào Nghệ An rồi đến Hà Tĩnh, cuối cùng dừng chân trên đất bạn Lào. Hành trình ấy khi khởi hành là 4-5 chục chiếc xe nhưng khi đến nơi chỉ còn hơn một nửa là chuyện bình thường. Chiến tranh là thế, mất mát, hy sinh, đau đớn thường xuyên”. Phạm Văn Lãi làm nhiệm vụ lái xe từ năm 1965-1968. Trong 4 năm cầm vô-lăng ấy, ông cùng đồng đội lên đường bất kể ngày đêm. Hễ có hàng là chạy. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xuôi ngược trên tuyến đường Trường Sơn.

Năm ấy, phát hiện tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, quân Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt. Chúng rải thảm bom đạn nhằm ngăn chặn dòng tiếp viện. Con đường bị cày xới dữ dội. Những chiếc xe băng trong mưa bom bão đạn của kẻ thù không chiếc nào còn nguyên vẹn. Khung cửa kính bị hơi bom ép vỡ. Đèn pha bị cháy. Thùng xe lỗ rỗ vết bom. Nhiều chiếc xe mui xe cũng bị đánh bật. Bộ áo giáp sắt cánh lái xe được chi viện cũng nát bươm. Vậy mà, trong 4 năm ấy, mỗi chuyến xe ông “cõng” hơn 5 tấn hàng, luôn vượt định mức 25% trở lên. Ông bảo, hồi ấy chỉ nghĩ đơn giản thêm được một, hai bao gạo thì đồng đội ta thêm no, thêm được vài thùng đạn thì chiến sĩ ta thêm chắc tay súng. Tấm chân tình của nhân dân miền Bắc đối với quân và dân miền Nam thật nói sao cũng không hết.

2. Ông Trần Trọng Túy (sinh năm 1948, quê Nam Đàn, Nghệ An), đi bộ đội theo tiếng gọi tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1967. Đến năm 1970, ông được gọi bổ sung vào tiểu đoàn 54, binh trạm 41, đoàn 559.

Đầu năm 1971, sau hai năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa gặp phải nhiều khó khăn lớn. Với âm mưu tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc chiến tranh, địch huy động lực lượng mở ba cuộc hành quân lớn đánh vào tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn của ta, trong đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 Nam Lào có quy mô lớn nhất nhằm mục đích cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của bộ đội và nhân dân miền Bắc và thử nghiệm hiệu lực của công thức: Quân đội Việt Nam Cộng hòa cộng cố vấn Mỹ cộng hỏa lực và hậu cần Mỹ.

Theo tài liệu lịch sử, để thực hiện âm mưu trên, địch đã huy động lực lượng lên tới 42.000 quân, lúc cao nhất đạt mức 55.000 quân (có 15.000 quân Mỹ), bao gồm 3 sư đoàn với tổng số 47 tiểu đoàn bộ binh, 460 xe tăng, xe bọc thép, 280 khẩu pháo, 600 máy bay. Ngoài ra, còn có 9 tiểu đoàn thuộc hai binh đoàn cơ động (GM 30 và GM 33) quân phái hữu Lào ở phía tây đánh sang. Cuộc hành quân được sự hỗ trợ tối đa của pháo binh và không quân Mỹ.

Năm đó, Trần Trọng Túy là một trong những chiến sĩ lái xe tham gia vận chuyển trong chiến dịch Nam Lào. Ông kể: “Có những đêm trời không trăng sao gì cả. Đến cả cái đèn xe chúng tôi cũng đã dùng bùn bọc xung quanh để hạn chế phát sáng. Tôi cầm lái, đồng chí ngồi bên cạnh hô chỉ huy: “đi thẳng, đánh lái qua trái, đánh lái qua phải, bẻ lái, lùi…”. Tôi đi theo tiếng nói chứ tuyệt không nhìn thấy gì ở phía trước. Cuộc đời có nhiều chuyện có thể quên nhưng với rừng Trường Sơn, với những chuyến vượt đêm cùng đồng đội như vậy, tất cả vẫn mồn một. Bốn mươi, năm mươi năm vẫn mồn một”.

3. Có lẽ, những ai đã trải qua năm học lớp 9 trên ghế nhà trường đều biết đến bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bài thơ đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ lái xe thật đẹp, thật dí dỏm, thật lính. Đó là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ - một thế hệ anh hùng, sống đẹp và giàu lý tưởng. “…Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng/ Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa, như ùa vào buồng lái…”.

Các anh hiện lên trên trang thơ thật dí dỏm, thật yêu đời. Khi gian khổ tưởng chừng không thể nào vượt qua được, khi cái chết tới gần, vậy mà nụ cười lạc quan vẫn hiện hữu trên khuôn mặt các anh. Theo các cựu binh Phạm Văn Lãi, Trần Trọng Túy, chiến trường đầy hiểm nguy, chết chóc, cực kỳ căng thẳng. Các chiến sĩ luôn lái xe giữa bom rơi, đạn lạc, nhưng bom giật, bom rung vẫn phải vững tay lái, nhấn ga cho xe băng băng lao ra chiến trận. Chiến sĩ nào cũng mang trong mình suy nghĩ: bằng mọi giá phải bảo vệ hàng hóa đến nơi an toàn, dù có phải hy sinh tính mạng!

Ông Trần Trọng Túy kể: “Cánh lái xe chúng tôi luôn cảnh giác với những chướng ngại vật trên đường. Chỉ một cây dù nhỏ, một tán lá rụng cũng không được chủ quan. Đó rất có thể là bẫy mìn của địch. Muốn tránh chúng thì phải tuyệt đối tập trung, cả thuốc lá cũng không được hút. Những năm 1968-1969, Mỹ cho hạm đội 7 qua tham chiến. Chúng là những lính nhảy dù rất thiện chiến. Không ít chiến sĩ lái xe khi đang bon bon làm nhiệm vụ đã bị bắt cóc bởi đội biệt kích này. Tuy vậy, cứ một đồng đội ngã xuống lại thổi bùng lên trong chúng tôi lòng căm thù địch. Chúng tôi đạp bằng gian khó tiến về phía trước với một quyết tâm duy nhất: Giải phóng miền Nam”.

Đúng là chiến tranh ác liệt có thể tàn phá những phương tiện kỹ thuật vật chất, san núi, lấp biển nhưng không thể đè bẹp được sức mạnh tinh thần của con người. Đoàn xe trên tuyến đường Trường Sơn bon bon chạy giữa vòng vây khói lửa bom mìn mãi là hình ảnh đẹp, tiêu biểu của thế hệ cha anh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

QUỲNH TRANG

.