Đà Nẵng cuối tuần

Từ buổi đầu bén duyên

15:18, 11/05/2019 (GMT+7)

Ở Đà Nẵng có một “vườn ươm” các cây bút trẻ. Họ đến buổi đầu ít nhiều bỡ ngỡ, chạm mặt văn chương, dần tự định hình một phong cách, vốn liếng, từ đó chí ít cũng mang lại cho mình một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.

MC, dịch giả Trần Quốc Khánh và nhà báo, tác giả Lương Nguyễn An Điền tại buổi tọa đàm “Vượt sướng thời đại số” cùng bạn đọc ở Hội sách Hải Châu năm 2019. Những tọa đàm, hội sách cũng là nơi giúp nhiều cây bút trẻ mạnh dạn chạm ngõ văn chương.Ảnh: ĐĂNG KHÔI
MC, dịch giả Trần Quốc Khánh và nhà báo, tác giả Lương Nguyễn An Điền tại buổi tọa đàm “Vượt sướng thời đại số” cùng bạn đọc ở Hội sách Hải Châu năm 2019. Những tọa đàm, hội sách cũng là nơi giúp nhiều cây bút trẻ mạnh dạn chạm ngõ văn chương.Ảnh: ĐĂNG KHÔI

Sóng từ sông chạm cửa bể

Cô sinh viên năm nhất Phan Thị Kim từ Nghệ An vào Đà Nẵng nhập học, mang theo một cuốn thơ viết tay khá dày sáng tác từ thời hoa phượng - những bài thơ được gửi đi rất nhiều lần cho các báo nhưng chưa một lần nhận được phản hồi. Cô học khoa Lịch sử, bữa nọ có một bạn bên khoa Văn mang về một lá thư đề tên cô. Quá đỗi ngạc nhiên!

Đó là thư mời gặp mặt một số nhà văn, nhà thơ, bạn văn trẻ ở Đà Nẵng vào chiều hôm sau. Cả đêm không ngủ được, vui sướng lẫn hồi hộp. Tuy là dân mới rợi, nhưng cô được mọi người vui vẻ đón tiếp, mặc dù chỉ có duy nhất nhà thơ Mai Hữu Phước (“chủ xị” buổi gặp mặt) biết tên cô. Sau cuộc trò chuyện ở quán cà-phê, mọi người đến ăn chiều ở một quán trên đường Đỗ Quang. Còn nhớ, khi ở quán này, cô đã rút cái điện thoại cục gạch ra, nhắn tin cho anh trai: “Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của em…”.

Hạnh phúc, bởi đó là thời điểm cô được bén duyên với Câu lạc bộ (CLB) Văn học trẻ Đà Nẵng. Rồi nhớ đến bức thư đi lạc, cô thầm nghĩ, có lẽ mình có duyên với văn chương thật...

Từ đó, cô bắt đầu gửi thơ của mình cho các anh chị xem và nhận được những góp ý rất chân thành. Cô cảm thấy vinh dự và tự hào khi được các cây gạo cội trong làng văn học Đà Nẵng quan tâm và dìu dắt, những người đã chắp cánh cho thơ của cô. Theo lời động viên của họ, cô mạnh dạn gửi thơ đến các báo, tạp chí và rồi thấy thơ mình dần được đăng trên Áo Trắng, Tài Hoa Trẻ, Non Nước, Đất Quảng...

“Yêu biết mấy, hãnh diện biết mấy… Và đây thực sự là quãng đời tôi… ăn ngủ với thơ. Thơ như là hơi thở của mình, là một phần không thể thiếu được. Tôi bị bạn bè chọc là lãng xẹt vì những lúc đứng trước hành lang tầng 5 ký túc xá ngắm mưa, những lúc ngồi một mình hàng tiếng đồng hồ ở ghế đá hồ sen, những lần ngồi học trên lớp chợt lãng đãng không nghe bài vì mải theo một câu thơ…”, cô nhớ lại.

Với sinh viên Lưu Văn Din, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chuyện “bén duyên” với văn học trẻ có khác đôi chút.

Hôm nọ, anh nhận được một cuộc điện thoại của nhà thơ Mai Hữu Phước, cơ duyên đưa anh đến với Gia đình Áo Trắng Đà Nẵng. Chính nó đã mở ra cho anh nhiều mối tương giao tình văn chương với nhiều nhà thơ, nhà văn sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng cũng như trên cả nước. Anh trải lòng: “Khi chân ướt chân ráo bước vào CLB Văn học trẻ Đà Nẵng, lúc đang là sinh viên, cảm xúc của tôi lúc đó giống như con sóng từ sông chạm cửa bể”.

Chuyện đời thật khá bất ngờ. Din xuất thân dân Toán, sau đó chuyển qua học chuyên Sử, cuối cùng đi thi vào ngành Văn. Anh làm thơ từ thời học phổ thông nhưng mãi đến thời học đại học mới có tác phẩm đăng báo. Khi gia nhập CLB Văn học trẻ Đà Nẵng năm 2008, Din đăng bài ở nhiều báo hơn.

Con tằm vương tơ

Phan Thị Kim và Lưu Văn Din là 2 trong số những người trẻ nhất trong khoảng 15 hội viên CLB Văn học trẻ Đà Nẵng (thành lập từ năm 2008). Chủ nhiệm ban đầu là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Anh Đào, sau đó là nhà thơ Mai Hữu Phước. Hội viên phần lớn là sinh viên, giáo viên, công chức... Thỉnh thoảng họ gặp nhau cà-phê hoặc lai rai thăm hỏi về cuộc sống và trao đổi với nhau vài dự định và ý tưởng sáng tác…

Lưu Văn Din: Đà Nẵng mến thương (nơi tôi đã học tập và làm việc hơn chục năm trời) đã để lại nhiều nốt xao xuyến từ những người thầy, người cô đáng kính, những người bạn văn chương chan hòa mà tôi may mắn được gặp.
Lưu Văn Din: Đà Nẵng mến thương (nơi tôi đã học tập và làm việc hơn chục năm trời) đã để lại nhiều nốt xao xuyến từ những người thầy, người cô đáng kính, những người bạn văn chương chan hòa mà tôi may mắn được gặp.

Hơn 10 năm qua, những hội viên trẻ ngày ấy giờ cũng đã “già” và chuyện văn chương chữ nghĩa cũng đã đi những ngõ rẽ khác nhau như chia sẻ của nhà thơ Mai Hữu Phước: “Ban đầu thì mọi người đều rất nhiệt tình, gặp nhau đều đặn mỗi tháng một lần. Sau đó thưa dần, vì ai cũng bắt đầu bận rộn với cuộc sống: công việc, vợ chồng, con cái… Đặc biệt các sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm việc ở các nơi”. Phan Thị Kim ra trường, bắt đầu lao vào con đường tìm việc làm. Cô không nhớ đã gửi bao nhiêu bộ hồ sơ xin tuyển dụng từ Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh, lên Tây Nguyên, ra Nghệ An. Và rồi, mạch thơ trong cô cũng vơi dần từ đấy.

Cho đến khi quay lại như một cái duyên và làm giảng viên một trường đại học ở Đà Nẵng - mảnh đất cô đã từng sống hết mình với tuổi trẻ, cuộc sống của cô giờ khá ổn định. “Việc liên lạc với các anh chị trong Hội Nhà văn Đà Nẵng cũng không có gì là khó khăn chỉ với bằng một cái nhấp chuột. Ấy vậy mà… đôi khi mình chợt thảng thốt nhận ra, mình không còn là mình ngày xưa nữa, và không biết đến bao giờ, mình mới tìm lại được mình ngày xưa ấy…”, cô bâng khuâng nhớ lại.

Ngày xưa, với Lưu Văn Din cũng đong đầy kỷ niệm buồn vui. Sau 5 năm làm giảng viên Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), anh quay về làm giáo viên một trường THPT ở quê nhà Nam Định. Nhìn lại hơn mười năm qua, anh cảm thấy: “‘Mạch thơ văn” vẫn chảy trong tôi. Nó lớn lên theo tuổi đời. Vì vậy cái nhìn về thơ văn của tôi cũng khác. Thơ văn là hạt tình gieo ở miền tư tưởng. Với tôi, trước hết, thơ văn là tiếng lòng. Vì thế, người có “tấm lòng” mới nghe được tiếng của nó!”.

Anh đến với thơ trước nhưng sau lại chuyển qua viết thêm văn. Anh có thơ lẫn văn đăng ở nhiều tạp chí khác nhau, đã xuất bản tập thơ Những vì sao trong mưa, NXB Đà Nẵng, năm 2015. Truyện ngắn Cưới một loài hoa là tác phẩm ưng ý nhất của anh, nơi anh may mắn có được sự hòa duyên giữa truyện và thơ. Hiện nay, ngoài việc tập trung cho việc giảng dạy, anh đang âm thầm chuẩn bị cho “một chặng đường dài hơi” về văn chương.

Phan Thị Kim giờ “tiếng con khóc thay bằng tiếng mưa rơi”. Tuy bận rộn việc nhà, việc trường, nhưng cô biết rằng “mạch thơ trong mình vẫn đang còn chảy, và mình sẽ tìm lại được mình của ngày xưa khi mà mình đã điều hòa được công việc và cuộc sống”.

Nghiệp văn chương và chuyện đời thường

Cuối tháng 11-2017, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ thành phố (mở rộng) với 36 cây bút trẻ dưới 40 tuổi, một nửa ở Đà Nẵng và một nửa ở các tỉnh, thành bạn (trong đó Quảng Nam có 13 người).

Phan Thị Kim: Câu lạc bộ Văn học trẻ Đà Nẵng đã chắp cánh cho thơ tôi.Ảnh: VTL
Phan Thị Kim: Câu lạc bộ Văn học trẻ Đà Nẵng đã chắp cánh cho thơ tôi.Ảnh: VTL

Sau đó, nhà thơ Nguyễn Kim Huy (nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng) có một bài nhận định về cuộc “Hội ngộ văn chương” này đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần. Nhà thơ thẳng như ruột ngựa: “… Thái độ, tình cảm, nguyện vọng vào Hội của các nhà văn trẻ hôm nay hầu như có thể nói là rất mờ nhạt. Do các tổ chức Hội Nhà văn, Hội Văn học-Nghệ thuật không còn đủ sức hấp dẫn nữa, hoạt động của các Hội hình thức, lạc hậu với các nhà văn trẻ hay vì thời đại công nghệ thông tin ồ ạt, náo động và ầm ĩ ngày nay đã cuốn hút hết tâm tư tình cảm nhu cầu của các nhà văn trẻ?”.

Nhà thơ Mai Hữu Phước cho biết, dự kiến năm 2019 này sẽ làm một cuộc “hội ngộ văn chương” thứ hai, tùy thuộc vào kế hoạch hoạt động và hỗ trợ tài chính bên Hội Nhà văn và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng.

Các cây bút trẻ luôn trông ngóng một sự gần gũi, hấp dẫn, đầy ý nghĩa từ “vườn ươm” của các tổ chức Hội để có thể bén rễ nẩy mầm. Họ, ngoài nghiệp văn chương còn có cả chuyện mưu sinh đời thường. Khi được hỏi về điều đó, nhà văn trẻ Lưu Văn Din từ Nam Định trả lời qua thư điện tử một câu thơ của Xuân Diệu: “Cơm áo không đùa với khách thơ”…

Văn Thành Lê
 

 

.