Đà Nẵng cuối tuần

Trường Sơn huyền thoại

11:24, 18/05/2019 (GMT+7)

Đường Trường Sơn là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược, ban đầu được hình thành từ vùng rừng núi phía tây tỉnh Quảng Bình vào đến Tây Nguyên, sau đó kéo dài sang phần lãnh thổ Lào, Campuchia đến Bù Đăng, Bình Phước. Tuyến đường hình thành nhằm cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam trong 16 năm (1959-1975). Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để bảo đảm hoạt động của hệ thống đường này.

Vận tải hàng ra chiến trường. Ảnh: TTXVN
Vận tải hàng ra chiến trường. Ảnh: TTXVN

Ban đầu, hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò. Đến tháng 12-1961, Đoàn vận tải số 3 của Cục Hậu cần đã trở thành đơn vị vận tải sử dụng xe cơ giới đầu tiên phục vụ trên đường Trường Sơn.

Có hai loại đơn vị thuộc Đoàn 559, là các binh trạm và các đơn vị giao liên. Một binh trạm tương đương với một trung tâm hậu cần cấp trung đoàn, có trách nhiệm bảo vệ một đoạn đường. Trong khi các đơn vị độc lập chịu trách nhiệm an ninh, công binh, và các chức năng đánh tín hiệu, binh trạm cung cấp các nhu yếu phẩm hậu cần. Các trạm giao liên thường đóng cách nhau một ngày đường đi bộ, có trách nhiệm cung cấp lương thực, chỗ trú, y tế, và dẫn đường tới trạm tiếp theo.

Đến tháng 4-1965, quân số đoàn 559 gồm 24.000 người, bố trí trong 6 tiểu đoàn vận tải bằng xe tải, 2 tiểu đoàn vận tải xe đạp thồ, một tiểu đoàn vận tải đường thủy, 8 tiểu đoàn công binh, và 45 trạm giao liên. Khẩu hiệu của đoàn 559 khi đó là “Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”.

Theo ước lượng của tình báo Mỹ, trong năm 1961 số quân vào Nam theo đường Trường Sơn là 5.843, năm 1962 là 12.675 (con số thực là 5.300); năm 1963 là 7.693 (thực tế 4.700); và năm 1964 là 12.424 (thực tế là 9.000). Năm 1964, khả năng cung ứng của đường Trường Sơn đã đạt đến từ 20 đến 30 tấn mỗi ngày. Năm 1965, nhờ có các tuyến đường mới mở (trong đó có các tuyến đi qua Campuchia), lượng quân nhu được chuyển vào Nam trong năm này gần bằng tổng của 5 năm trước.

Năm 1966, Mỹ ước tính tổng số quân vào Nam qua đường Trường Sơn là từ 58.000 đến 90.000 người, trong đó có ít nhất 5 trung đoàn hoàn chỉnh. Mùa khô năm 1966-1967 đánh dấu bước chuyển lớn về chiến thuật vận tải của đoàn 559 từ “phòng tránh tích cực” sang “tiến công” hợp đồng binh chủng.

Các sở chỉ huy được chuyển ra gần đường, các lực lượng phòng không, công binh đóng sát đường để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn cho lực lượng vận tải chủ công. Nhiều tuyến đường phụ, đường vòng được mở thêm để bảo đảm thông đường cho xe chạy. Đến cuối năm 1967, mạng lưới đường đã lên 2.959km đường ô-tô, trong đó có 275km đường chính, 576km đường vòng, và 450 đường vào các kho chứa.

Năm 1970, đoàn 559 được nâng lên mức quân khu. Lực lượng binh đoàn bao gồm 4 trung đoàn vận tải, 2 trung đoàn đường ống dẫn dầu, 3 trung đoàn pháo phòng không, 8 trung đoàn công binh, và Sư đoàn 968 Bộ binh. Đến cuối năm, đoàn 559 đã có 27 binh trạm, vận chuyển 40.000 tấn hàng với tỷ lệ mất mát của năm đó là 3,4%.

Năm 1971, “đường kín” dưới tán rừng bắt đầu được xây dựng. Đến năm 1973, xe tải có thể chạy suốt dọc đường mà không ra khỏi mái ngụy trang, ngoại trừ khi đi qua suối cạn hay vượt suối qua các ngầm.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và Lào. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các mặt. Đường Trường Sơn được nâng cấp tuyến phía Tây. Năm 1974, đường mở thêm tuyến phía Đông.

Năm 1973, hệ thống đường Trường Sơn bao gồm một con đường (rải sỏi và đá vôi) rộng hai làn xe, chạy từ các cửa khẩu ở Bắc Trung Bộ tới dãy Chu Pông ở miền Nam. Năm sau, đã có 4 làn hoàn chỉnh từ Tây Nguyên đến tận tỉnh Tây Ninh ở phía tây bắc Sài Gòn. Đường ống dẫn dầu từ Nam Đàn (Nghệ An) đã từng kết thúc tại thung lũng A Sầu (Thừa Thiên Huế) nay bao gồm 4 đường (đường lớn nhất có đường kính 200mm) kéo về phía Nam tới tận Lộc Ninh.

Tháng 7-1973, Binh đoàn Trường Sơn được tổ chức lại, nâng lên cấp cao hơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 8 sư đoàn (gồm hai sư đoàn ô-tô vận tải; bốn sư đoàn công binh; Sư đoàn phòng không 377, Sư đoàn bộ binh 968) và một số trung đoàn trực thuộc (gồm: 6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn cầu, 2 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn vận tải đường sông, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện, an dưỡng). Lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến gồm 4 đoàn - tương đương trung đoàn, với gần 10.000 nam nữ thanh niên.

Quân bổ sung cho các chiến trường đều được hành quân bằng cơ giới, chấm dứt hành quân bộ. Trong mùa khô 1973-1974, mỗi tháng chuyển được trên 30.000 đến 50.000 quân qua tuyến. Trước đây, bộ đội hành quân bộ từ miền Bắc vào chiến trường B2 mất hơn ba tháng, nay chỉ mất hơn chục ngày. Đây là một bước tiến nhảy vọt về chất trong tổ chức hành quân. Đối với hàng, đội hình vận chuyển chủ yếu là trung đoàn, chạy hoàn toàn ban ngày, đi thẳng từ nơi nhận hàng tới nơi giao hàng.

Đến mùa hè năm 1974, đường Đông và Tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến. Đồng thời, tuyến hành lang đông - tây Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch rộng trên 130.000 cây số vuông, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường nam Đông Dương, là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương chiến lược miền Bắc cho các chiến trường tại miền Nam, Lào và Campuchia.

Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô-tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Trong chiến tranh, lực lượng quân sự Mỹ - Ngụy đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch bộ binh và không quân. Một hệ thống máy móc điện tử được sử dụng để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, chất độc da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác đã được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường. Theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency), đường Trường Sơn được quân đội Hoa Kỳ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Quân đội Mỹ đã tiêu tốn nhiều tỷ USD vào các kế hoạch nhằm cắt đứt tuyến đường song đều bị thất bại.

HIỀN LƯƠNG (tổng hợp)

Nguồn: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ (công trình của một số tướng lĩnh, sĩ quan từng chiến đấu, công tác ở chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh), NXB Quân đội nhân dân, 2008; Wikipedia.org.

.