Một đoạn đường đời

.

Khi còn trẻ Di có niềm đam mê đặc biệt với những cung đường mới. Những ngày nghỉ Di thường ít kết giao với bạn bè mà tìm một cung đường nào đó để đi. Dĩ nhiên là đi một mình cùng với chiếc ba lô trên vai đựng những vật dụng thiết yếu để có thể sinh tồn khi bị lạc. Nhưng Di chưa bao giờ bị lạc vì ngay từ đầu đã không có đích đến rõ ràng. Mà bất cứ nơi nào Di đặt chân đều là nơi đáng đến.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Từ khi kết hôn, Di ít có những chuyến đi của riêng mình. Ngày nghỉ họ hàng cần ghé thăm, cửa nhà cần dọn dẹp, một bữa tiệc nào đó được bày ra. Hoặc có khi chỉ đơn giản là lời chồng nói “em mới về làm dâu đi thế đâu có tiện”. Di cứ chờ xem lúc nào là tiện thì bỗng có thai. Niêm mạc tử cung mỏng rất dễ sảy thai, những nếp nhăn trên trán chồng khẽ chuyển động khi nghe bác sĩ dặn dò đủ thứ. Suốt chín tháng trời Di phải kiêng cữ giữ gìn.

Thậm chí có khoảng thời gian Di phải nghỉ việc nằm bất động trên giường nhờ mẹ chồng chăm sóc. Một đôi chân quen đi giờ phải nằm dưỡng thai đúng theo tư thế. “Nằm nghiêng bên trái, chân trái duỗi, chân phải gấp lại giúp sức nặng của thai nhi không đè lên các tĩnh mạch vẫn chuyển máu từ chân trở về tim. Giúp máu lưu thông dễ dàng và giúp thai nhi phát triển ổn định hơn”. Lời dặn của bác sĩ cứ vang lên trong đầu Di mỗi khi mỏi mệt và buồn chán. Lúc rảnh Huấn thường ngồi bên cạnh bóp chân cho vợ. Anh dỗ dành “mai này con ra đời, em sẽ có thêm một người đồng hành trên những cung đường mới”. Di thấy mình được an ủi phần nào…

Chờ đợi và lo lắng từng ngày cuối cùng bé Cỏ cũng đã ra đời. Di chấm dứt chuỗi ngày kiêng cữ sau sinh để bận rộn chăm sóc Cỏ. Làm mẹ là hỗn hợp những trạng thái cảm xúc của bình yên, hạnh phúc, mệt mỏi, bất an. Có những lúc Di không thể kiểm soát được cảm xúc của mình sau nhiều đêm mất ngủ trông con đau ốm, nhiều ngày ở nhà quanh quẩn bốn bức tường. Ngay cả lúc bấn loạn Di vẫn thấy một con đường xanh ngát xuất hiện trước mắt mình.

Đó có thể là con đường Di đã từng qua. Cũng có khi chỉ là con đường trong mường tượng ao ước được một lần đặt chân đến. Những dãy núi đá bạc đầu ngàn năm quay lưng về phía biển nhưng thấu hiểu đến từng chân sóng. Di tưởng như trong lòng núi không có gì ngoài gió biển. Đêm đầu tiên sau khi mổ đẻ Di vừa đau vết mổ vừa sốt sữa. Nằm li bì trong bệnh viện Di thấy mình trôi đi trong miền trời xanh thẳm. Nó đối nghịch với thực tại đau đớn, chật chội và nóng nực đến nhầy nhụa mồ hôi trong khoa sản.

Cỏ là đứa trẻ khá khó nuôi, ít ngủ, lười ăn và hay quấy khóc. Bảy tháng đầu Cỏ chỉ thích nằm trên tay mẹ, đặt xuống vài phút là khóc. Mọi người trong nhà đều bận rộn, hai cụ nội thì già yếu lại hay đau ốm nên không phụ giúp Di chăm Cỏ được. Nhà chồng nằm trong một khu phố cũ. Nhà nối nhà, phố nối phố cảm tưởng như đến bốn bức tường cũng đang nghẹt thở vì bị kìm kẹp nói gì đến con người. Ngóc ngách nào trong nhà cũng toát ra mùi ẩm mốc và cũ kĩ. Sống quá lâu với nó Di sợ mình sẽ trở thành một con người khác phủ nhiều lớp bụi. Có lần trong vô thức Di nhoài người ra ban công tìm kiếm một khoảng không để thở. Cũng may là tiếng Cỏ khóc kéo Di về thực tại với thiên chức và trách nhiệm của một người mẹ. Di cuống cuồng vồ vập vỗ về con, hôn hít từ đầu đến chân Cỏ và bật khóc. Lần đầu tiên Di thấy hoảng sợ trước chính bản thân mình. Phải chăng Di đang bị trầm cảm sau sinh khiến cô không thể kiểm soát được hành động của mình. Có một thứ ảo giác vây quanh và chi phối mọi hành động của cô. Tối đó

Di nói với chồng:

- Chắc em cần phải đi đâu đó vài ngày. Em thấy không được ổn.

- Hay là cuối tuần này cả nhà mình đi du lịch nhé. Cỏ cũng cứng cáp rồi.

- Anh định đưa mẹ con em đi đâu?

- Đi đâu cũng được. Miễn là em thích. Miễn là có nhau.

Di cười, Huân là người vụng về trong cách thể hiện tình cảm. Mấy lời chồng nói Di thường hay đọc đâu đó trên mạng, nó ngôn tình và có phần sến súa. Nhưng Di biết Huân rất thật lòng dù đã có lúc cô nghĩ mình không nên bước vào đời sống hôn nhân. Nhất là khi lấy Huân, Di phải sống trong một ngôi nhà bé nhỏ với nhiều thế hệ. Những va chạm đời thường cũng có thể làm người ta ngộp thở. Huống hồ Di là người nuông chiều cái tôi và đề cao sự tự do phóng khoáng. Trong nhà chồng nấu một món ăn cũng có công thức chung. Mắm muối phải cho đủ độ không quá mặn để hai cụ ăn được, cũng không quá nhạt để những người còn lại có thể tạm hài lòng. Lẽ phải trong nhà thuộc về người già, con cháu thường không hay cự cãi. Ra ngoài muốn tự do thế nào cũng được nhưng đã bước vào nhà là phải có tôn ti trật tự. Khi quyết định lấy Huân, Di đã không hình dung nổi mọi thứ sẽ trở nên phức tạp. Vài lần Di nói đến việc muốn dọn ra ở riêng nhưng Huân đều im lặng. Có thể vì Huân không muốn bỏ những người già ở lại.

Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi Di hay mở nhạc không lời, nhắm mắt để âm nhạc dẫn dụ mình đến một thế giới khác. Để bỏ lại những tạp âm hỗn độn ở xung quanh. Cụ nội luôn bật đài nghe giảng pháp, tụng kinh, niệm Phật với âm lượng to nhất. Mẹ chồng thì bật phim Ấn Độ, ở phòng khác là tiếng bình luận viên bóng đá. Bấy nhiêu thứ âm thanh hỗn độn lẫn vào cả lời ru “à ơi… cánh cò bay lả”. Cỏ thỉnh thoảng lại giật mình thức giấc vì tiếng còi xe dưới đường vọng lên, hoặc là tiếng ti-vi cãi cọ. Di nhắm mắt lại mường tượng ra mình đang dừng lại nghỉ chân dưới tán cây ven đường, vài tiếng chim líu lo vọng lại. Di ăn bánh mì, uống một chút sữa, cánh mũi phập phồng khi ngửi thấy một mùi hương thoảng qua trong gió. Có lẽ là hương hoa dại mọc đâu đó sau những lùm cây xanh im lìm ở phía xa. Di tựa đầu vào gốc cây im nghe tiếng suối chảy róc rách và thủ thỉ. Có những đoạn đường Di không muốn đi tiếp vì biết điều gì đang đợi mình phía trước. Không phải mọi con đường đều dẫn đến thế giới bình yên. Có khi cuối con đường phố xá sẽ hiện ra, chúng lôi tuột Di vào vòng xoáy mưu sinh.

- Em tính mang theo những gì để anh xếp đồ?

- Bình sữa, sữa, bỉm, men tiêu hóa, thuốc hạ sốt, quần áo của con. Để xem nào, chúng ta có nên mang theo xe đẩy không anh?

Di hỏi chồng rồi bỗng bật cười khi thấy có cả một danh sách dài những thứ phải mang theo. Đồ của con thứ gì cũng thấy cần, không mang thì sợ thiếu. Chẳng giống như lúc trẻ trước mỗi chuyến đi Di thường chẳng phải lo lắng gì nhiều. Chỉ mang vài vật dụng cần thiết bỏ trong chiếc ba lô là yên tâm cho một chuyến đi thú vị. Giờ thì Di đâu thể tung tẩy với hai chiếc va li nhét chật ních đồ và một đứa nhỏ mới chập chững bước đi. Huân cười bảo:

- Em phải kiên nhẫn chứ thì sau này mới có người để nắm tay đi khắp thế gian.

- Kể cũng đúng. Nhưng chỉ có hai mẹ con em thôi sao? Vậy lúc đấy anh ở đâu và làm gì?

- Có người đi thì phải có người ở lại nhà. Anh sẽ chờ mẹ con em về bằng cơm nóng và canh ngọt.

Huân ngồi khoanh chân giữa nhà gập quần áo cho con. Tuy không nói ra nhưng Di biết chuyến đi chơi đầu đời của con gái khiến Huân hồi hộp. Từ lúc chọn địa điểm là một hòn đảo xinh đẹp và vẫn còn hoang sơ để cả gia đình tận hưởng được cảm giác bình yên khi ở bên nhau. Đến trước ngày đi Huân còn xem dự báo thời tiết nơi mình đến. Chu đáo chuẩn bị cho vợ con vài chiếc áo dài mặc buổi đêm đỡ lạnh. Trong túi thuốc có người bỏ thêm vỉ hoạt huyết dưỡng não cho Di. Không quên ít kẹo gừng ngậm ho, lọ kem chống muỗi, kem chống nắng. Trong khi đồ của Huân chỉ chiếm một góc nhỏ va-li với vài bộ quần áo, không hơn. Ngày mai, ngày mai là chủ nhật rồi. Tụi Di có một cuộc hẹn nơi đảo vắng. Di khẽ hôn lên trán con rồi chìm vào giấc ngủ. Huân nói ngày mai anh sẽ dậy thật sớm và đánh thức hai mẹ con bằng một bữa sáng tự làm.

Đảo hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng. Di không biết vì mây soi xuống biển nên mây xanh hay là biển vì mây và trong xanh đến thế. Lâu lắm rồi Di mới có cảm giác muốn ôm trọn đất trời, hít thật căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Đứng trước một nơi đẹp thế này cũng khiến Di xúc động. Bé Cỏ bám chạt vào hai tay mẹ để lẫm chẫm tập bước đi trên cát. Con thích thú chạm chân vào sóng biển, trong đôi mắt bé thơ là cả một bầu trời. Có con bên cạnh Di không còn thích tận hưởng một mình. Giờ đây hạnh phúc đối với Di là nhìn thấy bố con Huân nói cười rộn rã.

Di muốn lưu lại tất cả những khoảnh khắc này trong tâm trí để những ngày sau còn biết vịn vào. Di không còn một mình đơn độc trên những cung đường nữa. Di nhận ra ngay cả khi không thể khoác ba lô lên vai để đi đến những nơi mình muốn như thời tuổi trẻ. Thì suốt gần hai năm qua Di cũng đã đi qua một đoạn đường đời. Không có cỏ hoa bên đường, chẳng có tiếng chim ca. Mà là một đoạn đường với đủ những cung bậc thăng trầm của cảm xúc của một người đàn bà. Trên chặng đường đời ấy may mắn thay Di đã có bố con Huân bên cạnh…

 Vũ Thị Huyền Trang
 

;
;
.
.
.
.
.