Ký ức tiếng đêm

.

Khuya nào chiếc xe máy cọc cạch của người đàn ông cũng chạy qua con kiệt nhà tôi kèm theo lời rao: “Bắp đây, nem chả đây”. Với người đàn ông lam lũ này thì tôi rất quen mà lại rất… lạ. Quen từ tiếng xe máy thồ hai giỏ hàng, âm giọng tiếng rao đến hình dáng của ông ta nhưng rồi cũng chỉ thoáng qua chóng vánh chứ đâu có biết tên tuổi, quê quán của ông. Cứ mỗi lần nghe tiếng rao phát ra từ chiếc loa gắn trên xe máy oang oang của ông, bao kỷ niệm về thời dĩ vãng trong tôi bỗng thức giấc và nhớ Đà Nẵng vào những thập niên 70-80 vô cùng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi đó, phố xá thưa thớt, nhà cửa đa số thâm thấp, đường sá chật hẹp và những tiếng rao đêm ngày ấy cứ văng vẳng: “Ai vịt lộn đ...â...y...!”. Vào giai đoạn này, Đà Nẵng không có nhiều các món ăn đêm như ngày nay. Về khuya, thỉnh thoảng mới có tiếng rao của những người bán dạo trứng vịt lộn. Hình ảnh của những người phụ nữ lầm lũi trong đêm vắng mênh mông, cô quạnh với rổ trứng vịt lộn nóng hổi trải những bước chân chầm chậm đều đều  trên từng góc phố, từng kiệt hẻm hun hút, mịt mờ để kiếm kế mưu sinh đã làm nao lòng bao người.

Tiếng rao ướt át, rười rượi nỗi buồn dội vào màn đêm mênh mông theo làn gió nhẹ rồi tan nhanh trong không gian tĩnh mịch như mang theo bao tâm tư, nỗi niềm trắc ẩn. Bên trong những tiếng rao ấy là sự gói ghém về những cuộc đời lam lũ, chịu thương, chịu khó của những người chị, người mẹ cam chịu với số phận nghèo khó để  tìm cái ăn, cái mặc nhỏ nhoi bằng sức lao động chân chính của mình mà nuôi đàn cháu con thơ dại.

Biết bao bóng dáng mảnh khảnh, âm thầm trong đêm đông vắng lặng cùng với tiếng rao não nuột chất chứa sự khát khao về mầm sống, về tương lai ở ngày mai khi hiện tại còn đầy rẫy thiếu thốn, chật vật. Những tiếng rao ấy, những âm thanh ấy đã  làm thổn thức, lay động không ít trái tim nơi  phố phường nhộn nhịp, đông đúc.

Bây giờ tiếng rao “Vịt lộn đ...â...y” ở Đà Nẵng hình như đã im lìm lùi về quá khứ từ bao giờ chẳng ai hay. Các chị, các mẹ bán trứng vịt lộn ngày nay đều chọn một vị trí thích hợp nào đó trên vỉa hè đường phố, kê vài chiếc bàn nhựa thô sơ, chong cây đèn dầu nho nhỏ, rất đặc trưng cho... kiểu bán vịt lộn chứ họ không cắp bên hông rổ trứng nóng hổi lê bước khắp đầu phố, cuối chợ để bán như hồi trước nữa.

Các kiểu rao đêm bây giờ cũng có nhiều hơn và cách rao cũng khác hẳn: “Bánh bao đây!”, “Bắp đây, bánh chưng đây!”, “Chả đây, bánh chưng đây!”... Cũng là những tiếng rao đêm quen thuộc, song nghe sao nó khô cứng đến lạ lùng.

Hầu hết người bán hàng rong đêm hiện nay chủ yếu là đàn ông chứ không phải phụ nữ như ngày trước. Họ sắm một chiếc xe máy cũ kỹ, đóng cái thùng đựng hàng hoặc thồ phía sau hai chiếc giỏ, dùng máy nghe nhạc hoặc chiếc điện thoại, thẻ nhớ thu sẵn âm thanh tiếng rao của từng loại thức ăn và chiếc loa, coi như đủ bộ đồ nghề. Họ dùng máy móc để rao, mời chào những “thượng đế” có nhu cầu thưởng thức các món ăn khuya.

Cách rao này nhằm giảm bớt sức lao động, vì thế tiếng rao đêm của mười người cũng y chang như chục, âm giọng của tiếng rao lại ồn ào, chát chúa, phá vỡ những khoảng lặng riêng tư  và làm thức giấc bao người vừa chợp mắt chứ không còn trong trẻo, mượt mà như  ngày trước nữa. Đặc biệt tiếng cuối của lời rao cũng cụt ngủn, khô khan chứ không kéo dài rất... thân phận, não nùng, tê tái như các chị, các mẹ trước đây.

Phố phường Đà Nẵng về khuya chìm trong không gian tĩnh lặng. Phía khơi xa vọng về tiếng sóng biển ì ầm hòa cùng với nhịp thở xào xạc của gió đêm. Những khuya im lìm như thế bỗng dưng dội vào tai tiếng rao “hiện đại” của người đàn ông vừa quen, vừa… lạ, tôi lại muốn được nghe một tiếng rao đêm nho nhỏ, thân thương ngày nào!

THÁI MỸ            

;
;
.
.
.
.
.