Đà Nẵng cuối tuần

Giấc mơ văn chương

09:24, 12/05/2019 (GMT+7)

Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi (gọi tắt là trại sáng tác) do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sắp bước sang tuổi 22. Và cứ thế, sau mỗi trại sáng tác, giấc mơ văn chương của các em học sinh được nuôi dưỡng qua sự hướng dẫn phương pháp sáng tác cùng những chia sẻ kinh nghiệm của các nhà văn, nhà thơ.

Ngay lần đầu tham gia Trại sáng tác hè 2018, Hoàng Thảo Nhi (lớp chuyên Văn 11C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã khẳng định được bút lực khi đoạt giải nhì với tác phẩm truyện ngắn Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh.  Ảnh: MAI HIỀN
Ngay lần đầu tham gia Trại sáng tác hè 2018, Hoàng Thảo Nhi (lớp chuyên Văn 11C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã khẳng định được bút lực khi đoạt giải nhì với tác phẩm truyện ngắn Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh. Ảnh: MAI HIỀN

1. Hẹn gặp Võ Thanh Nhật Anh (lớp 12/22, Trường THPT Phan Châu Trinh), giải nhất về Văn học Trại sáng tác hè 2017 và hè 2018, ấn tượng đầu tiên của tôi về em là phong thái cùng cách nói chuyện, lối tư duy có phần già trước tuổi.

Lúc nhỏ, Nhật Anh gần như đọc hết tất cả những quyển sách trên kệ sách của bố mẹ với nhiều thể loại, lĩnh vực phong phú. Với Nhật Anh, đọc sách là một cách để em giải trí, thậm chí là giúp em giải tỏa căng thẳng. Điều đó giải thích cho việc trong những tác phẩm của Nhật Anh luôn truyền tải đến độc giả một kiến thức nào đó.

Tại Trại sáng tác hè 2017, Nhật Anh đoạt giải nhất với truyện ngắn Đông Truyện nói về diễn biến tâm trạng của nhân vật Tôi sau cái chết của một người bạn thân là Cáo. Theo đó, diễn biến của nhân vật Tôi được Nhật Anh mô phỏng theo mô hình Kübler-Ross, rằng con người trước một nỗi đau nào đó sẽ trải qua 5 quá trình. Đầu tiên là sự phủ nhận. Tiếp đó là gắt gỏng, đàm phán với chính mình rồi chán nản. Nhưng sau cùng là sự chấp nhận, tìm mọi cách để đứng dậy, để mạnh mẽ, để chín chắn hơn. Qua đó, Nhật Anh muốn nhắn gửi một thông điệp rằng, tâm hồn con người vốn dĩ vô cùng mỏng manh nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, phi thường.

Tiếp đó, tại Trại sáng tác 2018, Nhật Anh tiếp tục được xướng tên với giải nhất về Văn học và lần này là hai truyện ngắn: Bay, Mười bảy và mười ba. Bay kể về câu chuyện chú Cá sống trong bể cá của một căn hộ chung cư, luôn ấp ủ khát vọng được bay. Nỗi niềm ấy, chú Cá tâm sự cùng Mèo - bạn thân của Cá. Cả hai đã nghĩ đến nhiều cách để “được sải cánh vút bay, được cùng nhau rời căn hộ này mà vẫy vùng khắp chốn”. 

Dù Mèo đã có những nỗ lực hợp tác, dạy Cá cách “bay” bằng cách, khi nào Mèo đưa một chi của nó qua thành bể cá thì Cá sẽ tìm cách bám vào. Rồi Mèo nhấc Cá lên, sau đó lại thả Cá vào bể. Đến một hôm, việc tập bay của Cá gặp sơ hở, Cá bị rơi khỏi bể. Cuối cùng, Cá phải lựa chọn cách bay của riêng nó, đó là tìm cách nhảy xuống dưới. Bay là một bức tranh khắc họa ý chí, niềm tin, khẳng định rằng, những lực cản trong cuộc đời vẫn không ngăn được khát vọng, đam mê của con người.

Với Mười bảy và mười ba, Nhật Anh kể về ký ức rời rạc về nỗi buồn đầu tiên của một người chị 17 tuổi vĩnh viễn mất đi đứa em 13 tuổi, để rồi “chỉ còn lại một mình giữa thế giới rộng lớn này, cô độc”. Đó là sự lột tả quá trình một người đang trải qua hậu chấn tâm lý với những giai đoạn và quá trình diễn biến tâm lý khác nhau. Từ đó khắc họa tình cảm cũng như giá trị của sự tồn tại mà một cá nhân mang đến với những người xung quanh.

Nhật Anh chia sẻ: “Thông qua Mười bảy và mười ba, em muốn mang đến một cái nhìn toàn diện và chân thực hơn về Trauma (hậu chấn tâm lý-PV) cũng như gửi gắm cái nhìn nhận khách quan của em về giá trị của không chỉ sự sống mà còn của cả cái chết”.

Phương pháp học văn của Nhật Anh cũng như bao học sinh khác. Tuy nhiên, riêng  phần tìm hiểu về tác giả, em sẽ tập trung tìm hiểu về những biến cố trong cuộc đời tác giả để từ đó hiểu được phong cách sáng tác của tác giả đó. Một phần của cách học này là em rút ra từ chính bản thân em. Những biến cố trong cuộc đời em đi vào phong cách hành văn lẫn nội dung của tác phẩm một cách rất tự nhiên. Bên cạnh đó là đọc sách, để trau dồi vốn từ và khi có kiến thức thì tác phẩm được viết ra sẽ có giá trị hơn.

Nói về trại sáng tác, Nhật Anh bộc bạch: “Hai năm liên tiếp được tham gia trại sáng tác, lại đều đoạt giải nhất, với em đó là một niềm vui lớn, là may mắn. Không chỉ ở giải thưởng mà những kỹ năng viết truyện, viết thơ cùng những lời nhận xét, góp ý, động viên của các nhà văn, nhà thơ, em thật sự rất trân quý. Qua hai lần tham gia, khẳng định được bút lực của bản thân giúp em tự tin hơn với đam mê của em. Trại sáng tác với em có ý nghĩa như một bệ phóng vậy”.

2. Nhỏ hơn Nhật Anh một tuổi, song Hoàng Thảo Nhi (lớp chuyên Văn 11C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã sớm khẳng định được bút lực khi đoạt giải nhì trong Trại sáng tác hè 2018 với truyện ngắn Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh.

Sự xinh đẹp và niềm kiêu hãnh của Thảo Nhi là một truyện ngắn nhân cách hóa thú vị về một quyển sách truyện dành cho tuổi thơ. Quyển sách bước đến căn nhà của bé Ny vào một dịp sinh nhật cô bé, là món quà của mẹ. Ngày ngày, quyển sách gắn bó, gần kề với bé Ny mọi lúc mọi nơi. Thế rồi, bất ngờ, một hôm bỗng dưng bé Ny có thêm người bạn mới đen sì có tên là “điện thoại”. Nó nghiễm nhiên thế vào vị trí thân ái nhất của bé Ny. Quyển sách trở thành đồ bỏ đi, nằm thiếp dưới hiên mưa.

Tuy nhiên, điều may mắn, quyển sách lại gặp được một người bạn tri kỷ tên Liên - một người thủy chung với tình yêu đọc sách, nên nhiều năm tháng trôi qua, quyển sách ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó.
Chia sẻ về ý tưởng của tác phẩm, Thảo Nhi cho hay: “Trong chuyến đi thực tế trong khuôn khổ trại sáng tác, sau khi tham quan Tượng đài Mẹ Thứ (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) thì chúng em được đi tham quan Làng gốm Thanh Hà (thành phố Hội An).

Tại địa điểm này, trong khi em đang cảm thấy rất háo hức và khám phá thì đa phần các bạn lại lấy điện thoại ra chơi. Thấy vậy, em liền nghĩ đến việc sẽ viết một truyện ngắn để phản ánh điều đó, nhằm khuyên các bạn nên bỏ chiếc điện thoại xuống để tạo cho chính các bạn cơ hội được khám phá cuộc sống. Bởi cuộc sống thực tế rộng lớn hơn “cuộc sống” qua chiếc điện thoại rất nhiều”.

Với Thảo Nhi, Trại sáng tác hè 2017 thực sự đã “nuôi dưỡng” giấc mơ văn chương trong em, giúp em tự tin hơn khi bút lực của em được công nhận, sáng tác của em được đón nhận.

Theo đó, Thảo Nhi cũng gặt hái được kha khá thành tích về môn Văn như: giải nhất Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 9, giải nhì Kỳ thi học sinh giỏi cấp trường năm lớp 10, lớp 11 và giải khuyến khích Kỳ thi học sinh giỏi khu vực duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ.

3. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học -  Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức Trại sáng tác hè 2018 cho biết: “Trại sáng tác hằng năm được tổ chức vào khoảng đầu tháng 6 và kéo dài khoảng một tháng. Mục đích trại là bồi dưỡng kỹ năng sáng tác chứ không phải cuộc thi hay bồi dưỡng chuyên đề nên không chọn chủ đề nhất định, các em tham gia trại có thể tự do chọn đề tài để viết”. Chất lượng các tác phẩm văn học tham gia xét giải của mỗi năm đều tùy theo đối tượng tham gia. Có năm có nhiều em viết rất tốt, có năm không được tốt cho lắm.

Các tác phẩm đoạt giải sẽ được đăng trên tạp chí Non Nước số tháng 7, sau vài năm sẽ được chọn lọc lại, tập hợp, xuất bản sách. Tính đến nay, đã có 3 tập sách được xuất bản: Gặt những vì sao cho mẹ, Tháng mười ba và Chong chóng gió. Trong đó, đặt biệt là Chong chóng gió. Đây là tập sách, tổng hợp các tác phẩm văn học chọn lọc của các em tham gia Trại sáng tác từ năm 2006 đến năm 2012 nhằm kỷ niệm 15 năm kể từ trại sáng tác đầu tiên vào năm 1998.

Đồng thời, các nhà văn, nhà thơ cũng khuyến khích các em gửi bài cộng tác về tạp chí Non Nước sau khi trại sáng tác kết thúc; qua đó góp phần tạo động lực, “nuôi dưỡng” giấc mơ văn chương trong mỗi em.

MAI HIỀN


 

.