Đường tới chiến thắng

.

Nhắc đến con đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, là nhắc đến những con người “vào sinh ra tử”, bám từng mét đường trong những ngày con đường chỉ là những lối mòn xuyên rừng, và cũng chính những thanh niên Việt Nam ngày ấy cống hiến sức lực, tuổi trẻ làm nhiệm vụ mở đường, thông đường, chi viện cho chiến trường miền Nam. Giờ, có lẽ người trẻ nhất từng là chiến sĩ, thanh niên xung phong trên tuyến đường cũng bước vào tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm”. Nhiều người như ngọn đèn lung lay trước gió, rời đi không báo trước.

60 năm đã trôi qua, nhắc đến những con người của Trường Sơn là nhắc đến những chiến công, những huyền thoại, những tượng đài bất tử làm nên con đường để cả dân tộc đi tới chiến thắng, thống nhất non sông.

Tuổi trẻ ở Trường Sơn. Ảnh: Đoàn Công Tính
Tuổi trẻ ở Trường Sơn. Ảnh: Đoàn Công Tính

Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Bộ Chính trị, Bác Hồ giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tuyến chi viện chiến lược của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Ngày 19-5-1959, đoàn 559 được thành lập.

Trong 4 năm, trên đường bộ Đông Trường Sơn và trên đường biển, đoàn 559 thực hiện đưa đón cán bộ, bộ đội vào chiến trường; gùi thồ một số vũ khí nhẹ cho Trị Thiên, Bắc Khu 5. Đoàn 559 phối hợp với lực lượng Hải quân chở vũ khí cho cực Nam Trung Bộ và cực Nam Nam Bộ trên các tàu cá cải trang theo đường biển, nhưng chỉ làm được một số chuyến rồi phải ngưng (Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – Đánh giá đúng thực chất chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược - Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, NXB Quân đội nhân dân, 2008).

Chuẩn bị cho việc đưa cán bộ trở lại miền Nam, những người thuộc diện tập kết được ưu tiên hàng đầu. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Anh hùng LLVTND, nguyên chiến sĩ đặc công của H29 kể, đêm trước khi trở lại chiến trường, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cùng đến câu lạc bộ quân nhân ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội gặp mặt 32 anh em quê miền Nam.

Bác nói: “Hôm nay Bác đại diện Bộ Chính trị đến thăm các đồng chí. Các đồng chí nhận một nhiệm vụ hết sức gian khổ và vinh quang là về Nam chiến đấu. Các đồng chí là người đi đầu. Phải làm công tác dân vận, xây dựng lực lượng (quân sự+chính trị), tự túc lương thực vì lúc này chưa nhờ được dân, chưa chuyển từ miền Bắc vào được. Giữ bí mật, vận động quần chúng tốt thì sẽ đánh giặc tốt”.

Sau đêm đó, các ông được xe chở vào Quảng Bình, rồi bắt đầu băng rừng, đi bộ gần 2 tháng mới vào đến đất Quảng Nam. Chuyến đi của ông Thủy có 13 người, có giao liên dẫn đường, đi đến đâu xóa dấu vết đến đó. Đoàn của ông Thủy còn có ông Lê Tấn Viễn (sau này là 1 trong 7 dũng sĩ Điện Ngọc), ông Phan Hồng Dân (sau này là Trưởng phòng đặc công Quân khu 5).

Những cái tên như làng ông Tía, ông Sum, bà Rồng, bà Giáo…, hết ở Tây Giang rồi xuống Hiệp Đức trở thành căn cứ cho các ông hoạt động. Ban đầu đi đâu cũng có giao liên dẫn đường, sau này các ông nhờ đồng bào Thượng nuôi giấu mới có thể hoạt động trên dọc tuyến biên giới.

Những người giao liên được cài cắm ở lại sau Hiệp định Genève chính là những người tiếp tục ghi dấu cho con đường mòn được mở sau này, cộng với tiểu đoàn giao liên D301 với 440 người từ miền Bắc vào làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, đưa những người tham gia các đoàn khảo sát để mở tuyến đường. Và sau này giao liên được xem là 1 trong 7 lực lượng quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn, bên cạnh các lực lượng công binh và thanh niên xung phong, phòng không, bộ binh, thông tin, vận tải cơ giới và quân y.

Ông Nguyễn Thành Long là một trong những người đầu tiên theo đoàn công tác của Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục phó Cục Nông trường dẫn đầu, làm nhiệm vụ vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Trường Sơn lúc đó đôi chỗ có những lối mòn nhỏ, là đường đi của đồng bào dân tộc, giữa rừng già hoặc qua những trảng cỏ tranh. Đoàn của ông Long có 59 người, thực hiện khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” với hành trang là vài bộ áo quần, 8 bánh lương khô, 3 cây súng và 50 viên đạn tiến dần về vùng đất Quảng Nam, nơi trước ngày ra Bắc năm 1958 ông có hơn 4 năm ở lại hoạt động bất hợp pháp sau Hiệp định Giơnevơ.

Sang đến năm 1960, các ông đã đặt được 7 trạm liên lạc từ Quảng Nam vào đến Ba Tơ (Quảng Ngãi). Những năm này ông Long đổi tên thành Nguyễn Tấn Nhơn, thành anh Tư, đóng khố, cưa răng ở cùng đồng bào dân tộc. Ông Long nhớ lại “lúc thì đi khảo sát tuyến đường, lúc gùi hàng. Lúc đó tôi chỉ có 48kg, chỉ với một cây gậy mà có thể gùi 1,2 tạ súng đạn, vượt từng cái dốc đứng”.

Lúc đó, đoàn 559 đạt quân số lên đến 6.000 người với 2 trung đoàn.

Ông Nguyễn Đức Danh, làm công tác tuyên huấn trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1961 nhớ lại: ban đầu toàn tuyến có 8 trạm, đi từ trạm này qua trạm khác với chiều dài khoảng 30km mất hết 1 ngày và 1 đêm. Sau hơn 18 tháng hình thành con đường, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, ông Long, ông Danh cũng đã đi dọc hết tuyến đường để thực hiện nhiệm vụ.

Những người lính, được phong và không được phong anh hùng, đều là những anh hùng của dân tộc, khi đã cống hiến tuổi thanh xuân, cuộc đời cho Tổ quốc. Họ có lý tưởng và niềm tin sắt đá vào ngày hòa bình, độc lập, thống nhất Nam-Bắc. Phải 16 năm sau con đường huyền thoại Trường Sơn hình thành, những niềm mong mỏi đó mới thành sự thật. Nhưng đã có hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống trên tuyến đường này, mới có Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn với trên 10.300 ngôi mộ. Và còn hàng trăm liệt sĩ còn nằm đâu đó giữa rừng già. Về xuôi, những người cựu binh Trường Sơn năm xưa dù da mồi, tuổi người nào cũng thành lớp lớp, vẫn đau đáu chuyện làm sao đưa được bạn về cho người thân đang mong mỏi tìm kiếm mấy chục năm qua.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.