Xử lý rác thải ở Đà Nẵng: Bài học từ thành phố cảng Yokohama, Nhật Bản

.

“Tình trạng rác thải của thành phố Đà Nẵng ngày hôm nay giống như tại thành phố Yokohama 50 năm về trước”, kỹ sư Kei Sano, quản lý bộ phận điều phối chính sách của Phòng Tái chế tài nguyên và chất thải (thành phố Yokohama) nhận định như thế tại buổi thuyết trình với nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Kiến trúc (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng), ở Nhà máy tái xử lý tài nguyên rác Tsuzuki-Yokohama, Nhật Bản khi chúng tôi đến thăm và làm việc.

Nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tại Nhà máy xử lý tài nguyên rác Tsuzuki, thành phố Yokohama (Nhật Bản).
Nhóm giảng viên và sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tại Nhà máy xử lý tài nguyên rác Tsuzuki, thành phố Yokohama (Nhật Bản).

Rác không phải là thứ “bỏ đi”

Tại Nhật Bản, quy trình xử lý rác thải được chia làm 3 công đoạn chính: Rác thải ra – Nhà máy xử lý – Thành phẩm cuối cùng.

Rác thải hằng ngày được người dân Nhật phân ra thành 15 nhóm (ví dụ: Rác cháy được; rác không cháy như là pin khô hay bình xịt; bao bì đồ đựng bằng nhựa; lon, chai, kim loại vụn; giấy cũ, vải cũ; rác lớn cồng kềnh...).

Tiếp đến là quy định về ngày đổ rác và cách thức đổ rác, được cập nhật và phổ biến bắt buộc đến mọi người dân, kể cả những em học sinh ở cấp tiểu học cũng phải biết đến các quy định này.

Sau khi thu gom, rác được vận chuyển đến nhà máy bằng xe rác chuyên dụng. Tại cửa ra vào của nhà máy có đặt hệ thống cân tự động để đo chính xác khối lượng của xe rác khi đi vào và khối lượng khi đi ra (đã đổ rác vào nhà máy), mức chênh lệch này sẽ cho biết được tổng khối lượng rác thu gom tại nhà máy theo từng ngày.

Thành phẩm đầu ra cuối cùng của nhà máy tái xử lý tài nguyên rác là tro, nhiệt lượng và điện. Theo như giới thiệu của kỹ sư Kei Sano, trước đây, tro sẽ được vận chuyển đến các hố chứa ở các khu vực đồi núi, cách xa khu dân cư.

Tuy nhiên do diện tích đất ngày càng thu hẹp nên hiện nay người Nhật xây dựng các bể chứa tro theo quy trình Lắng-Lọc-Thải bằng bê-tông cốt thép đặt ở biển. Năm 2016, tổng khối lượng rác thu gom chưa xử lý tại  Yokohama là 1,221 triệu tấn, và 122.000 tấn là khối lượng thành phẩm sau khi xử lý được đưa ra hố tro.

Nguồn nhiệt lượng thu được ở nhà máy xử lý rác thải được sử dụng cho hệ thống cung cấp nước nóng, làm nóng trong nhà máy. Hơi nước nóng còn được đưa đến các cơ sở sử dụng nhiệt lượng thừa như hồ bơi nước nóng, nhà tắm công cộng…

Hằng năm, tổng lượng công suất điện tạo ra được từ việc đốt rác tại nhà máy là 346.594 MWh (1MWh=1.000kWh), tổng lượng điện bán ra là 216.488 MWh, số tiền thu được là 30 triệu USD (Công ty Petro-Gas Nhật Bản là đơn vị mua lại sản lượng điện này).  

Những quy định giúp phân loại rác tại nguồn

Trước đây người Nhật phân rác thành 7 loại. Tuy nhiên để phục vụ tốt  cho việc phân tách “chất thải” và “tái chế” nên hiện nay người Nhật phân loại rác thành 15 loại. Việc phân chia cụ thể này giúp cho quy trình xử lý và tận dụng tài nguyên rác được sát sao hơn. Ngoài ra, có các quy định về ngày thu gom rác, ví dụ bao bì và đồ đựng bằng nhựa hay lon chai và kim loại vụn sẽ thu gom 1 lần / tuần. 

Quy định về thời gian đổ rác, đúng vào ngày thu gom và trước 8 giờ sáng (không đổ rác vào ban đêm và sau thời gian thu gom). Mức phạt sẽ là 2.000 Yên (khoảng 400.000 đồng) cho 1 người lần đầu không tuân theo quy định.

Người Nhật xem rác là một nguồn tài nguyên, họ không quan niệm rác thải như là một đối tượng gây ô nhiễm môi trường để phải đem đi đổ hay chôn lấp càng xa càng tốt. Do đó việc xử lý rác thải là để phục vụ phúc lợi xã hội và đem lại nguồn thu kinh tế.

Sau khi xem quy trình vận hành của nhà máy xử lý rác, chúng tôi còn được dẫn đi xem khu vực xung quanh nhà máy xử lý rác thải Tsuzuki. Ở trong vòng bán kính 100-200m là các khu chung cư, trường học và các công trình phục vụ công cộng. Nên khi đầu tư xây dựng công trình xử lý rác thải, người Nhật đặt tính nhân văn lên hàng đầu, họ xây dựng nhà máy xử lý rác thải như là một công trình thân thiện với môi trường.

 Nhà máy Xử lý tài nguyên rác Tsuzuki được xây dựng năm 1979 với vốn đầu tư 28,7 tỷ Yên (261 triệu USD), đã hoạt động được 40 năm. Theo lời một kỹ sư vận hành nhà máy, nhà máy Tsuzuki cho đến nay đã lạc hậu về công nghệ, và thành phố dự kiến cho phép đầu tư xây dựng nhà máy mới trong năm 2020.

Mở ra nhiều giải pháp cho Đà Nẵng về xử lý rác thải

Theo bảng số liệu về quy hoạch quản lý chất thải rắn của thành phố Đà Nẵng nến năm 2030, hiện nay mỗi ngày đêm trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 787 tấn rác thải bao gồm: 596,8 tấn rác thải rắn sinh hoạt, chiếm 90 tổng lượng rác thải của thành phố; 182,2 tấn rác thải rắn công nghiệp; 5 tấn rác thải rắn Y tế; 3 tấn rác thải rắn độc hại.

Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đảm nhận. Hệ thống thu gom thủ công chủ yếu bằng xe đẩy đến các điểm tập kết, sau đó được các xe gom rác chuyên dụng vận chuyển đến nơi chôn lấp. Đại đa số các điểm nguồn thu gom rác đều không được phân loại, hệ thống xe vận chuyển rác đã lạc hậu, gây ô nhiễm nặng cho cả tuyến đường khi hoạt động.

Cho đến nay thành phố chưa có nhà máy xử lý rác thải đô thị trên dây chuyền công nghệ tiên tiến. Phương thức xử lý hiện nay là chôn lấp tại các bãi rác của thành phố và các quận huyện. Quy trình chôn lấp đơn giản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhìn quy trình xử lý rác và các bước thực hiện ở nhà máy xử lý rác thải ở Yokohama, chúng ta hiểu rằng không quá khó và cũng không có gì là siêu phàm nếu áp dụng phương thức phân loại rác, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất mà thường ngày mọi người dân bỏ qua. Và nếu rác được tái chế, thì chính thứ mà mọi người vứt bỏ sẽ được làm ra tiền chứ không phải là hôi thối để phải đi chôn lấp càng xa càng tốt.

Vấn đề hiện nay của Đà Nẵng là không thể đối phó với vấn đề ô nhiễm rác thải, mà là đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý bài bản. Hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm có một nhà máy có công nghệ tiên tiến, để biến rác thải thành tiền, thành tài nguyên chứ không phải là thứ bỏ đi và chạy theo giải quyết chuyện môi trường cũng như bức xúc của người dân.

8 công đoạn xử lý rác trong nhà máy đốt rác Tsuzuki, thành phố Yokohama-Nhật Bản

Quy trình vận hành xử lý rác thải trong nhà máy, được chia thành 8 công đoạn (hình minh họa): (1) Cửa đổ rác; (2) Hố rác, cẩu rác; (3) Lò đốt rác; (4) Hố tro, cẩu tro; (5) Thiết bị xử lý khí thải; (6) Nồi Hơi; (7) Máy phát điện sử dụng tuabin hơi nước; (8) Phòng điều khiển trung tâm.

1. Cửa đổ rác: Xe rác sau khi thu gom rác cháy được , tại cửa đổ rác sẽ đổ rác vào “hố rác”, đây là nơi tập trung rác tạm thời. Các “cửa đổ rác” sẽ nhận biết được xe rác để đóng và mở tự động.

2. Hố rác, cẩu rác: Là không gian lớn tập trung rác tạm thời sau khi được thu gom từ các xe rác về, rác sẽ được “cẩu rác” lấy lên và đưa vào “lò đốt”. Rác tái chế hay rác không cháy sẽ được phân loại kỹ khi thu gom, do đó tại nhà máy đốt rác, về cơ bản sẽ chỉ vận chuyển các loại rác cháy được.

3. Lò đốt rác: Rác khi được cho vào lò đốt được duy trì liên tục ở nhiệt độ 850-9000C, để khử mùi hôi và hạn chế phát sinh khí dioxin các loại. Không khí cần cho lò đốt rác được lấy vào từ hố rác (nơi tập trung rác tạm thời), việc này nhằm cố gắng hạn chế mùi rác không lan ra ngoài khu vực hố rác.

4. Hố tro, cẩu tro:  Hố tro là nơi tập trung tro phát sinh từ quá trình đốt rác, tro từ lò đốt sẽ được vận chuyển bằng băng chuyền tro vào hố chứa tro chuyên dụng. Tro sau đó sẽ được vận chuyển đến bãi xử lý chất thải cuối cùng.

5. Thiết bị xử lý khí thải: Là bộ phận loại bỏ chất có hại từ khí thải sinh ra khi đốt rác. Đầu tiên là làm lạnh đột ngột khí thải bằng tháp làm mát, ngăn chặn sự tái tổng hợp chất dioxin. Sau đó khí thải được chạy qua hệ thống “túi lọc” để loại bỏ bụi, tro bay siêu nhỏ có trong khí thải, thành phần cuối cùng là khí thải sạch sẽ được thải ra ngoài không khí từ ống khói. Nhà máy bảo đảm sự yên tâm cho những người dân sống sát ngay xung quanh nhà máy bằng việc công khai kết quả đo lường thành phần khí thải sau khi xử lý.

6. Nồi hơi:  Là thiết bị tận dụng nhiệt sinh ra khi đốt rác làm sôi và tạo ra hơi nước. Hơi nước phát sinh này được chuyển đến máy phát điện có sử dụng tuabin hơi nước để phục vụ cho việc phát điện. Nhiệt lượng sinh ra được tái sử dụng phục vụ cho nhu cầu nhà máy, nhiệt lượng thừa được cung cấp miễn phí cho các khu vực lân cận như chung cư, trường học, công trình công cộng.

7. Máy phát điện sử dụng tuabin hơi nước: Là thiết bị chuyển đổi nhiệt năng thành điện năng (chuyển đổi hơi nước có nhiệt độ cao, áp lực cao sinh ra từ nồi hơn thành năng lượng điện). Điện tạo ra được sử dụng tại nhà máy và các cơ sở lân cận, điện năng thừa sẽ bán lại cho các công ty kinh doanh điện của Nhật.

8. Phòng điều khiển trung tâm: Nhà máy đốt rác hoạt động 24/24 giờ. Tại phòng điều khiển trung tâm chỉ có 3-4 kỹ sư thay nhau vận hành và giám sát. Tùy theo tình hình mà có thể thao tác từ xa các máy móc tại hiện trường nhờ hệ thống điều khiển tự động của máy tính, để luôn bảo đảm quy trình đốt cháy diễn ra liên tục và chính xác.

 TS. Lê Minh Sơn

(Khoa Kiến trúc,  Trường Đại học Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng)
 

;
;
.
.
.
.
.