Phiếm đàm về sự dễ chịu

.

Không phải là một thuật ngữ gì to tát, nó chỉ là một cảm giác, một trạng thái tâm hồn. Không nhà xã hội học nào đi đo trạng thái dễ chịu của một quốc gia, một tỉnh thành, để có thể xếp hạng nó. Người ta chỉ nói đến GDP, HDI, chỉ số hạnh phúc… với bao nhiêu thông số rắc rối phức tạp.

Rồi trên lĩnh vực kinh tế thì có thêm chỉ số năng lực cạnh tranh; về công nghệ thông tin thì đo đếm hơn thua về chỉ số sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin… Khoảng mươi năm trở lại đây, thành phố ta nói nhiều về danh hiệu “thành phố đáng sống”. Một số ít người đôi khi dùng từ “thành phố sống tốt”. Chẳng mấy ai để ý đến một thuật ngữ xem chừng rất nôm na, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa rất nhiều điều, và nếu có tự nhận thì cũng cảm thấy… dễ chịu hơn cả, đó là sự dễ chịu của một địa phương, một vùng đất.

Dễ chịu - chỉ giản đơn là con người sống lâu dài, hoặc đến trong một thời gian ngắn ở một nơi nào đó, mà cảm thấy tâm hồn thanh thản, an nhiên, rũ bỏ tất cả những âu lo phiền muộn, quên đi những treess do áp lực công việc và đời sống. Một chỉ số rất khó đo đếm, và hình như không có giá trị khoa học gì, nhưng lại là một chỉ số có thật.

Hãy nghe những hành khách đi máy bay hoặc tàu hỏa, sau một tuần đi du lịch một địa danh nào đó, hỏi nhau: Cảm giác thế nào sau chuyến đi? Trả lời: Dễ chịu lắm anh/chị ạ! Thế là OK rồi. Trong hai từ “dễ chịu” có đủ cả: sản phẩm du lịch độc đáo, phong phú, chất lượng phục vụ nơi khách sạn, nhà hàng, các món ăn, thái độ người dân, chuyện đi lại, chuyện không bị chèo kéo nơi danh lam thắng cảnh… Chẳng ai bỏ tiền đi mua một chuyến đi “đổi gió” mà gặp toàn những chuyện rắc rối khó chịu cả.

Thử hình dung chuyện giản đơn thế này. Đến một thành phố, sáng dậy đi ăn sáng, vừa ghé xe vào vỉa hè trước quán ăn đã bị ngay một người ra vặn vẹo, rồi nhân danh “tổ tự quản” thu vài chục nghìn tiền lệ phí. Thế là mất vui, cho dù món ăn có ngon đến mấy. Lại so với một thành phố khác. Vỉa hè có vạch vôi chỉ dẫn nơi khách có thể đậu xe miễn phí. Để đúng chỗ, khóa xe cẩn thận. Dùng  bữa xong, ra thấy xe mình vẫn còn nguyên, không ai hỏi han gì, lại được một câu chào và lời cám ơn của chủ quán, Thế là dễ chịu cả ngày. Cảm giác dễ chịu như vậy, nếu may mắn, sẽ được lặp lại khi đi vào một cửa hàng, một khách sạn, một công viên …

Hiện nay ở ta, một trong những điều khó chịu nhất là khi có việc phải lưu thông trên đường. Ai cũng vội vã, muốn hơn người, muốn vượt trước thiên hạ “nửa vành bánh xe”. Nhưng hậu quả thì ngược lại: Cả một khối người-xe cùng bị ách tắc. Nhưng nếu ai cũng có ý thức nhường nhịn, lại thêm có sự điều hành của cảnh sát giao thông thì cho dù có chậm đôi chút nhưng vẫn cảm thấy dễ chịu hơn là cảm giác tù túng không biết bao giờ mới thoát ra khỏi “khối hỗn độn” ấy, trong đó có mình. Nghe nói đã nhiều, rồi một lần đến tận nơi trực tiếp chứng kiến, tôi thấy ở thủ đô Viêng Chăn (Lào) rất gần ta, mọi người đi lại rất khoan thai, mặc dù có thể có những người trong họ có việc gấp. Tất cả đi trong trật tự. Ai có việc vượt lên trước thì làm cử chỉ chắp tay rất lịch sự rồi băng lên. Đường phố hầu như không có tiếng còi xe.

Du khách đến các thành phố châu Âu thường cảm thấy dễ chịu trước hết do khí hậu, cảnh quan, môi trường của xứ sở ôn đới. Dễ chịu cả trước những lời cảm ơn và xin lỗi thường trực trong mọi tình huống. Những thành phố châu Á chúng ta thì dân cư đông đúc, khí hậu nóng bức… cho nên cái làm nên sự dễ chịu cho du khách chính là sự thân thiện của con người. Những thành phố như Viêng Chăn vừa nói trên, thì sự khoan thai, nhường nhịn khi tham gia giao thông là nhân tố rất quan trọng làm nên sự dễ chịu. Thực tế những năm vừa qua, hình ảnh thành phố Đà Nẵng hay đô thị cổ Hội An cũng rất được cảm tình của du khách do tình cảm hiếu khách, thân thiện của người dân những nơi này.

Nhiều khi sự dễ chịu, trạng thái nhẹ bỗng trong tâm hồn lại là động lực rất nặng ký để ta vươn tới những khát vọng to lớn trong cuộc sống. Xem ra như vậy, tuy không phải tiêu chuẩn đo lường gì nghiêm ngặt, nhưng tạo được sự dễ chịu trong tâm hồn con người không phải dễ.

Mùa du lịch đang bắt đầu. Mỗi người tài xế taxi, mỗi nhân viên khách sạn, mỗi quán nhỏ vỉa hè trong thành phố hay những khách sạn sang trọng, hãy cố gắng làm cho khách đến Đà Nẵng, khi ra về, không chỉ thoải mái đến lịm mình trước bờ biển trải dài, nước biển mát trong; không chỉ thích thú với những đường phố thênh thang ven biển, những con đường rực sáng lung linh về đêm, những cao ốc, hình ảnh cầu Rồng phun lửa, cầu vàng Bà Nà… mà trước khi rời Đà Nẵng, họ thốt lên: Đến Đà Nẵng thật dễ chịu. Phải chăng đấy cũng là thu hoạch đáng giá của thành phố chúng ta sau mỗi mùa du lịch!

NẠI HIÊN
 

;
;
.
.
.
.
.