Kỳ vọng trước mùa thi

.

Cùng với việc tăng tốc ôn tập, học sinh khối lớp 12 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tất bật tìm hiểu thông tin, chọn ngành nghề để đăng ký hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2019, xét tuyển ĐH, CĐ. Cùng với định hướng của nhà trường, gia đình, các em tự tin lựa chọn ngành nghề với kỳ vọng một mùa thi đạt được kết quả cao và chọn được ngành học phù hợp sở thích, năng lực và nhu cầu việc làm của xã hội.

Học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường THPT Phạm Phú Thứ. Ảnh: P.V.Y
Học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường THPT Phạm Phú Thứ. Ảnh: P.V.Y

Những ngày này, các em học sinh khối lớp 12 trên địa bàn thành phố đang tất bật với công việc ôn tập, làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Trong câu chuyện chọn ngành nghề trước ngả rẽ quyết định tương lai của học sinh, việc “ba mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã không còn phổ biến. Thay vào đó, nhiều học sinh đã tự quyết định chọn lựa ngành nghề theo sở thích, năng lực của mình, đương nhiên, sự định hướng của nhà trường và phụ huynh là điều không thể thiếu.

Em Chướng Thị Cẩm Tiên, lớp 12/6, Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết: “Năm nay em làm hồ sơ xét tuyển 2 nguyện vọng. Nguyện vọng 1 em xét vào ngành Giáo dục công dân của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Nguyện vọng 2 của em là Sư phạm Địa lý. Đây là hai ngành em yêu thích và em thấy mình học tốt các môn này. Trước khi làm hồ sơ xét tuyển, em có tham khảo thông tin từ các nguồn, qua thầy cô, bạn bè và tham khảo ý kiến ba mẹ”.

Còn Lê Văn Cường, học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết: “Em cũng chỉ làm hồ sơ xét tuyển 2 nguyện vọng và nguyện vọng 1 em ưu tiên xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), còn nguyện vọng 2 em xét tuyển vào ngành Quản trị khách sạn Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Đây là hai ngành em rất thích, đã đầu tư suốt 3 năm học các môn để thi vào các ngành này và đã tìm hiểu kỹ nhu cầu việc làm sau ra trường. Ba mẹ em cũng ủng hộ chọn lựa của em”. Cường nói thêm là cảm thấy có chút lo lắng trước kỳ thi nhưng đang cố gắng nỗ lực hết mình để mong thi đỗ vào ngành mình yêu thích.

Trong khi đó, em Lê Hữu Phát, lớp 12/8, Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết: “Em vốn yêu thích môn vẽ từ nhỏ nên khi chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành Kiến trúc Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ba mẹ em không hề phản đối mà còn động viên em học tập thật tốt để dự thi đạt được kết quả cao nhất. Khi làm hồ sơ thì ba mẹ đã cùng em tìm hiểu về các thông tin như ngành nghề, nhu cầu việc làm”.

Đóng vai trò khá quan trọng trong việc giúp học sinh định hướng ngành nghề, những năm gần đây, Ban giám hiệu các trường đều chú trọng cập nhật thông tin hỗ trợ học sinh, tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Cô Trần Thị Kim Vân (Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng) cho rằng, học sinh bây giờ đã có nhiều kênh thông tin để chọn lựa; mặt khác, các trường đại học, trường nghề có nhiều chương trình tư vấn giới thiệu tận nơi cũng là một sự hỗ trợ để các em cân nhắc, chọn ngành nghề.

Nhờ định hướng từ nhiều kênh, nhiều em học sinh đã chủ động hơn trong lựa chọn nghề nghiệp. Nhiều em sau tốt nghiệp THPT đã nộp hồ sơ đi học nghề để kiếm việc làm. “Điều kiện kinh tế của gia đình em khá khó khăn, trong khi đó năng lực học của em cũng trung bình nên em quyết định chỉ làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT, sau đó em sẽ đi học nghề sửa xe để kiếm sống và giúp đỡ ba mẹ”, em Đinh Văn Tùng là học sinh dân tộc thiểu số, lớp 12/12, Trường THPT Phạm Phú Thứ, chia sẻ.

Nói thêm về vấn đề này, thầy Đinh Thái Quý (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ) cho biết: “Cùng với dạy học, Ban Giám hiệu nhà trường luôn có những định hướng và tư vấn cho học sinh chọn lựa các ngành học phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu việc làm của xã hội. Không phải bất cứ trường hợp nào cũng nhất thiết phải vào đại học. Với các em học sinh yếu hay điều kiện kinh tế khó khăn, nhà trường luôn khuyến khích các em chọn học nghề để có việc làm. Mỗi năm bình quân toàn trường có khoảng 20% học sinh không xét tuyển ĐH, mà các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT rồi sau đó đi học nghề”.

Các em học sinh dân tộc thiểu số Trường THPT Phạm Phú Thứ tăng tốc ôn tập tại ký túc xá.	Ảnh: P.V.Y
Các em học sinh dân tộc thiểu số Trường THPT Phạm Phú Thứ tăng tốc ôn tập tại ký túc xá. Ảnh: P.V.Y

Theo thống kê sơ bộ, xu hướng chọn ngành nghề của học sinh năm nay thiên về chọn lựa các ngành nghề có việc làm cao, như ngành Quản trị du lịch-khách sạn, Công nghệ thông tin…

“So với năm trước, năm nay các em học sinh chủ yếu chọn lựa từ 2 đến 3 nguyện vọng, nhiều nhất có em chọn hơn 5 nguyện vọng nhưng đó là con số khá ít chứ không còn đăng ký nguyện vọng nhiều như các năm trước, trường hợp học sinh chọn hai tổ hợp để thi cũng rất ít. Điều đó chứng tỏ các em rất tự tin và kỳ vọng vào sự chọn lựa của mình”, cô Trần Thị Kim Vân nói.

Cùng với những nỗ lực từ phía các học sinh, các trường THPT trên địa bàn thành phố cũng đang bứt tốc ôn tập, củng cố kiến thức nhằm tạo tâm thế cho học sinh bước vào kỳ thi hiệu quả. Đặc biệt, Trường THPT Phạm Phú Thứ có 28/401 học sinh con em dân tộc thiểu số, dù không còn chế độ hỗ trợ cho giáo viên bồi dưỡng cho học sinh nhưng các giáo viên của nhà trường vẫn luân phiên phụ đạo kiến thức cho các em vào ban đêm. Mục tiêu của nhà trường là giúp học sinh trường mình đỗ tốt nghiệp cao nhất và có càng nhiều học sinh đỗ đạt vào các trường ĐH, CĐ với nhiều ngành nghề có đầu ra việc làm ổn định.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Đà Nẵng có khoảng hơn 11.000 thí sinh dự thi. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác thu nhận hồ sơ từ thí sinh đã cơ bản hoàn tất.

Các trường huy động tối đa lực lượng giáo viên, nhân viên CNTT hỗ trợ học sinh thu nhận, kiểm tra, rà soát sai sót để cập nhật lên phần mềm hệ thống đăng kí dự thi của Bộ GD&ĐT. Theo lãnh đạo các trường, năm nay, việc sai sót trong quá trình làm hồ sơ của thí sinh ít gặp, chủ yếu ghi nhầm mã ngành và được cán bộ thu nhận hồ sơ hỗ trợ chỉnh sửa kịp thời.

Phan Vĩnh Yên
 

;
;
.
.
.
.
.